Chê thì khó chứ khen rất dễ

Mấy hôm nay tui cũng thành “bà Tám” khi lò dò theo đọc những bài viết liên quan đến chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một khoảnh khắc “thật lòng” đã tung chưởng trúng một loạt những ca sĩ thuộc hàng Mr và Mrs khiến bao nhiêu chuyện khóc cười kéo theo.

Chuyện này khiến tui nhớ một “giai thoại” mà có lần thầy Trần Hữu Tá dạỵ môn văn học VN kể cho nhóm sinh viên cao học nghe – liên quan đến nhà văn Nguyên Hồng. Số là, một lần, khi nghe các đồng nghiệp tấm tắc khen những tác phẩm của ông, thì Nguyên Hồng bảo, “Tôi xin các bố, nếu tôi có viết dở thì các bố làm ơn chỉ cho tôi biết. Chứ các bố đừng chơi nhau bằng kiểu ‘mày muốn ông khen thì ông khen cho chết mẹ mày ra!'”

Thiệt tình đi học bao nhiêu năm, bao nhiêu môn, bao nhiêu thầy, điều tui nhớ rõ ràng nhất hình như chỉ có câu chuyện đó 🙂

hehehe, thế mới biết, khen người rất là dễ, nhưng mà chê thì eo ôi, khó đến vô cùng!

Nhưng cũng cần phải nói ngay, rằng thì là, tui đang nói chuyện chê đàng hoàng, đúng đắn, đáng chê, chứ không phải chê bựa kiểu “khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo”, vì tao và mày không sống cùng thời, cùng tháng, cùng năm. nên tao chê cho mày chết, hehehehe.

Thiên hạ ai mà chẳng thích khen. Nếu không thích khen thì làm gì có chuyện khi được bà chủ mời vào quán ăn tô bún bò mà khách cứ tấm tắc khen cái tờ menu đẹp quá và ớt mới cay làm sao!

Nếu không thích khen thì làm gì chuyện khi được mời lên giới thiệu về một quyển sách mới ra đời của nhà văn ABC mà diễn giả cứ ngợi khen mải miết về lòng tử tế của nhà văn đối với diễn giả nói riêng và mọi người nói chung.

Nhiều người quan niệm: lời nói chẳng mất tiền mua, khen người ta một tiếng cho họ mát lòng, mình cũng vui lây.

Ờ thì đúng là như vậy. Đó là một cách xử thế trong đời sống giao tiếp hằng ngày, chả chết ai cả.

Thế nhưng, khi đã vượt ra khỏi quan hệ cá nhân, gia đình, thì tui nghĩ lời khen tiếng chê gì cũng đều cần phải đúng trong một chừng mực nào đó. Và đó cũng chính là cách mình thể hiện sự tôn trọng đối với người mình khen-chê, giúp họ hiểu đúng họ là ai, đang ở đâu.

Dĩ nhiên, chẳng ai giận mình khi mình khen họ. Nhưng “lãnh búa” khi thấy tui không khen như bao nhiêu người khác tâng bốc về họ thì tui bị rồi, hehehee.

Mà những trò giận hờn này rất là tếu nha, không có giống cách hành xử của những người có master, PhD mà lại rất giống cách hồi nhỏ xíu tui chơi với mấy đứa cùng xóm, gây lộn, giận nhau rồi không thèm nhìn mặt, đứa này thấy đứa kia nhưng giả bộ như kẻ vô hình, mắc cười lắm! Hehehe, mà tính tui khi thấy tức cười như vậy thì tui lại khoái chọc! Tui lừ lừ tiến tới trước mặt để mà… cười và chào 🙂

Quay lại với chuyện nhạc sĩ chê ca sĩ này.

Phải công nhận là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê nặng quá! hehehehe, giả sử tui là người trong cuộc chắc tui cũng nhảy đong đỏng.

Người bị chê như tạt acid kiểu này thì phải la làng lên cũng là chuyện tất nhiên. Có ai bị tạt acid mà im bao giờ!

Tuy nhiên, tui nhìn thấy “hiệu ứng đám đông” trong cách mà Đàm Vĩnh Hưng phát biểu. Tức là, ĐVH biết chắc chắn một điều sau lưng anh ta có một đám đông sẵn sàng “xả thân” để bảo vệ một hình tượng mình đã lỡ đưa lên, lại thêm sự giật gân của những người viết báo, nên ĐVH cứ thoải mái có những phát biểu mà anh ta muốn, càng ngông nghênh càng lên! Vậy thì dại gì không nói cho sướng miệng, nếu là tui, tui cũng nói mà không cần uốn lưỡi 7 lần trước đó.

Nhưng, tui cũng nhìn thấy, một mít tờ (Mr.) hay mít tèo gì đó, cũng nhũn chi chi khi bị bứng ra khỏi bệ phóng của mình. Tức lúc xung quanh anh ta không có một ai “quạt”, một ai thân hết. Đơn độc và sợ hãi.

Thế thì không nên trách sự lớn lối, lộng ngôn của ĐVH. Bởi vì, giống Chí Phèo, hắn chỉ nằm vạ, chửi rủa, khi có người bu lại xem. Còn khi đám đông giải tán, hắn la chi cho rát họng!

Tui lại nhớ trong một lần trò chuyện, một “bầu sô” gạo cội nhất của sân khấu ca nhạc hải ngoại kể về sự mệt mỏi khi làm việc với các sao.
Ai khi mới vào nghề, chưa lên cũng đều ngoan hết. Nhưng khi đã thành sao rồi thì thôi. Đừng nói chuyện tình cảm, bạn bè. Chỉ đơn giản là sự hợp tác làm việc, đôi bên cùng có lợi. Ra khỏi show, đường ai nấy bước!

“Tuy nhiên, sao bên Mỹ vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều so với các sao ở VN” tui vẫn nhớ câu đó.

Cũng dễ hiểu thôi. Sao đây không phải là sao trời, sao tự nhiên, nên cần phải có người đẩy lên. Mà trong nước thì đông người hơn nên đẩy sao lên nhanh và lên cao hơn, mà lỡ một phát hợp lực thảy sao lên trên rồi thì muốn níu xuống cũng hơi khó.

Nhiều người xúm lại trách những người kiểu như ĐVH là “mắc bệnh ngôi sao” nên thế này thế kia.

Tui không nghĩ vậy. Không thể đổ lỗi cho anh ta khi anh ta cũng chỉ là con rối của đám đông. Chính mọi người xung quanh khiến họ mang bệnh, bệnh ngày càng nặng, đến mức hết thuốc chữa rồi. Giờ dăm ba người lên tiếng thì làm được gì.

Đừng bao giờ hy vọng rằng cú này sẽ làm cho các Mr, các Diva sáng mắt ra. Có mà nằm mơ!

Chỉ là chuyện lâu lâu nghe được một lời chê thì cũng giống như nghe chuyện hàng hiếm xuất hiện, thấy thú vị trong thoáng chốc, rồi thôi.

Mà để công nhận là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói đúng, tui lại đi nghe Trần Thu Hà và Tuấn Ngọc hát đây 🙂