Cửa chùa có thật sự mở?

Mấy ngày nay có một chuyện khiến tui cứ suy nghĩ.

Chuyện liên quan đến cửa Phật, chốn tu hành. Trước đây, một đứa bạn khi dời đến một tiểu bang ngoài Calif. sinh sống đã nói tui nghe cú sốc đầu tiên của nó nơi chỗ mới đến định cư chính là… nhà chùa.

Những ngày mới đến, nhân mùa hè rảnh rỗi, vừa muốn tìm hiểu đời sống xung quanh, vừa muốn có một việc làm gì đó dính dáng đến đồng hương, thế nên nó lân la đến ngôi chùa gần nhà. Một lần, hai lần, ba lần, nó thấy  vui. Con nó cũng thích. Nó còn có ý định phụ dạy lớp tiếng Việt cho trẻ con ở đó nữa. Nghĩa là lòng nó thơi thới hân hoan bao dự định tốt đẹp.

Thế nhưng

Đùng một cái

Khi cảm thấy nó có vẻ yêu mến nhà chùa thì “sư cô” bắt đầu sai nó làm như “đầy tớ.”

“Ngộ ghê nghe, mình đến chơi thôi, thấy phụ được gì thì phụ, chứ có phải nghĩa vụ mình phải làm đâu, vậy mà vừa sai vừa nạt, kinh khủng luôn. Chưa hết, họ còn làm ra vẻ ban phát ân huệ cho mình nữa chứ. Hay là thấy mình không mang gì đến cúng dường nên khó chịu?”

Ngạc nhiên, rồi bực bội về thái độ đó, 1 lần, 2 lần, 3 lần. Nó bấm nút biến!

Chuyện nhỏ bạn kể cũng lâu lâu. Tui nghe rồi quên.

Cho đến giữa tuần rồi, tui bỗng nhận được một cú điện thoại. Nam mô a di đà Phật, người gọi đến khóc nức nở là một ni cô!

“Trò đi tu từ lúc mới hơn mười tuổi, giờ đã ngoài bốn mươi, mới thấy tình đời không tình người mà chỉ thấy toàn tiền bạc không thôi!” Người nữ tu vừa khóc vừa nói khiến tui giật mình.

Không rành cách xưng hô trong các tôn giáo, lại nghe nói người này trạc trạc tuổi mình nên tui kêu bằng chị. Hỏi chị đang ở đâu, ni cô đó bảo “đang ở trong chùa”, một ngôi chùa ngay thành phố Westminster.

“Chị ráng bình tĩnh chị kể thì mới nghe được chứ khóc hoài như vậy nghe chữ được chữ mất không hiểu gì hết thì làm sao có thể giúp gì cho chị được.” Tui vỗ về.

Theo câu chuyện của ni cô này, một người cũng có vai vế theo lớp lang tu hành, tui có thể tóm gọn lại trong một câu: dường như có những nhà chùa cũng giống như bất cứ một cơ sở thương mại Việt Nam nào khác. Nghĩa là cũng có chủ, có người trên kẻ dưới, và kẻ dưới có được nâng đỡ, chiếu cố, có được tu ở chùa hay không là tùy thuộc vào chuyện có “biết điều” với “bề trên” hay không, tiền cúng dường cho “sư bà, sư ông” có hậu hĩ hay không. Và khi “bề trên” nổi giận lôi đình vì kẻ dưới không biết nịnh, không biết cúng, thì cũng sẵn sàng đập đồ, văng tục không thua người phàm.

Có thể đây đó, người này người kia cũng có nghe những chuyện đại loại như vậy. Bản thân tui cũng đã từng cùng “bồ cũ” cầm phong bì đưa cho mấy “thầy” ở chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Sài Gòn để “mấy thầy” chiếu cố dời hũ cốt má chồng tui xích xích ra mặt tiền để tiện việc lau chùi, thắp hương. Khi đó, mình chỉ cầm đưa thôi, chứ có nói gửi thầy bao nhiêu đâu, vậy mà thầy mở ra đếm và nói “Thiếu hai chục ngàn.” Hehehe, “bồ cũ” móc thêm tờ 20 ngàn Việt Nam đưa, xong sau đó cứ thắc mắc, “mấy thầy này tếu hén!”

Dẫu không phải là một người sùng đạo, nhưng  dầu gì hình ảnh những người chọn tôn giáo làm nơi hiến thân, dù cho bất cứ đạo nào, cũng khiến tui ít nhiều phải có sự kiêng dè. Thế nhưng khi nghe chính miệng một ni cô đã sống 30 năm trong cửa Phật kể những câu chuyện “đằng sau cổng chùa” thì tui cảm thấy bẽ bàng quá!

Một đứa bạn của tui nói, “Lan ơi, chuyện cửa Phật là nơi dừng chân cuối cùng của những người không còn biết bấu víu vào đâu, cùng đường khổ nạn, muốn tìm một nơi lánh xa bụi trần, tìm tình thương bác ái… không còn nữa đâu Lan!”

Hic, chẳng lẽ dây chuông bị đứt rồi.