Ngày ra trường

Hôm qua là ngày Ti ra trường. Tốt nghiệp trung học.

Cũng không biết phải bắt đầu câu chuyện này như thế nào. Chỉ biết rằng ngày lễ ra trường của học trò bên Mỹ khác nhiều lắm với lễ tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam.

Việt Nam theo văn hóa Á Đông, đề cao lối sống gia đình, dòng tộc. Sự thành công hay thất bại của đứa con sẽ có những hệ lụy đến cả gia đình, dù muốn dù không.

Thế nhưng, sự hiện diện của ông bà, cha mẹ, anh chị em trong ngày lễ ra trường của đứa học trò, cho đến ngày nay, vẫn chưa phải là điều được đề cập và nhắc đến. Chỉ có một vài đứa học sinh xuất sắc nhất mới được mời cha mẹ đến dự lễ, nhưng điều đó cũng không phải là quan trọng. Những lời chúc mừng, những bữa tiệc gia đình mừng con tốt nghiệp tiểu học, trung học đệ nhị cấp, trung học nhất cấp hay  đại học chưa bao giờ là thông lệ với văn hóa Việt Nam.

Cũng chính vì thế, tôi đã đến với lễ tốt nghiệp tiểu học của Ti, vào năm thứ 2 khi đặt chân đến Mỹ, chỉ một mình, không bông, không hoa, không có cả sự hồi hộp, náo nức, không có bất kỳ một thứ gì hết.

Và, dĩ nhiên, tôi trở nên lạc lõng trong rừng người với những đại gia đình, với những chùm bong bóng bay, với những bó hoa to, những vòng dây choàng cổ và những con gấu xinh xắn như một biểu tượng của ngày đứa trẻ thêm một bước trưởng thành. Tôi chơi vơi, thương con, giận mình, và hơn hết, một sự tủi phận.

Ti có nhiều phần thưởng từ trường, từ cô giáo trong ngày hôm đó. Tan lễ, tôi đứng một góc chờ. Ti ra cùng cô giáo. Cô khen Ti nhiều, cô nói cô tự hào khi có đứa học trò như Ti và chúc mừng tôi có đứa con như thế. Cô quay đi, tôi đưa tay lau vội những giọt nước mắt. Ti nhìn tôi, “Sao mẹ khóc?” Tôi cười, lắc đầu. Tôi không biết cách giải thích thế nào là  nước mắt của hạnh phúc và cả chút gì hờn tủi. Chỉ biết một điều: tôi thương con nhiều hơn rất nhiều từ thời khắc ấy.

Ngày Ti tốt nghiệp Middle School, sự chuẩn bị khá hơn. Cả nhà cùng đi dự, có cả cậu mợ. Và bong bóng, và gấu đội mũ tua. Ti có nhiều medals, có cả bằng khen tổng thống ký. Trong vô số người tíu tít đến dự lễ, và tíu tít ra về, tôi bỗng chạnh lòng khi thấy một đứa học trò lủi thủi đi, một mình.

Hôm qua, Ti tốt nghiệp high school. Số người đi dự lễ cùng Ti đông hơn. Có ông bà, có các cậu, dượng, mợ, và những anh em họ. Trong sự bộn bề lơ đễnh thường xuyên của mình, tôi chợt nhớ ra cần làm cho con một buổi tiệc nhỏ. Và tôi làm được, dù rất đơn sơ. Nhưng sẽ là điều cho con nhớ.

Tôi may mắn hơn nhiều phụ huynh có mặt ngày hôm qua, bởi lẽ, với tấm thẻ nhà báo, tôi có thể vào tận nơi Ti ngồi. Để nhìn con mình quá nhỏ bé, cả trong lòng người mẹ, lẫn trong số đông bạn bè. Tôi may mắn chứng kiến giây phút con mình bước qua hàng thầy cô giáo gần nơi cổng vẫy tay chúc mừng, như một nghi thức tiễn học sinh ra trường chuẩn bị cho những bước ngoặt lớn hơn trong đời.

Vâng, tôi may mắn có mặt bên con mình trong suốt quãng thời gian ấy, không một lúc nào nó phải ngơ ngác, dáo dác  đưa mắt tìm ba mẹ, người thân trong rừng người rợp bóng bay và những lời chúc tụng.

Tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho ngày con vào đại học, sống cuộc đời sinh viên trong ký túc xá. Tôi vẫn chỉ nghĩ đến cái náo nức, hồi hộp chờ đợi những điều mới mẻ sẽ mở ra nơi giảng đường đại học mà tôi từng có từ 23 năm trước. Tôi vẫn nhớ đến ước mơ được bay ra khỏi nhà, sống cuộc đời tự lập của một đứa sinh viên chập chững học làm người lớn. Nhớ đến tâm trạng muốn được như bạn bè cùng lứa, tham dự những câu lạc bộ này, sinh hoạt văn nghệ nọ có khi cuối tuần, có khi buổi tối… Tôi muốn nhiều thứ lắm.

Nhưng tôi không thể thực hiện được những điều đó.

Thế nên, tôi không bao giờ ngăn cản bất cứ điều gì con tôi ao ước. Đó là cuộc đời của nó. Tôi chỉ đi bên cạnh…

Nhưng dĩ nhiên, như ngay trong lúc này, bất giác tôi lại thấy mắt mình cay, khi hướng ánh nhìn về phía con tôi đang ngồi. Bao năm rồi, nó vẫn ngồi đó, hằng đêm học bài, coi phim,…

Nhưng, chỗ ngồi đó sẽ trống trong một thời gian, không xa…

Chúc mừng tất cả mọi người có con ra trường!

993784_10151564757118521_348129362_n[2]