Ngoài tầm tay với

1.

Vậy là ngày mai mọi người lại sẽ có mặt đầy đủ tại sở làm. Vì,

Vé số đã có người trúng rồi.

Và chỉ duy nhất một người mà thôi. Công ty hãng xưởng nào đó có người bỗng nghỉ việc thì cũng chỉ có một mà thôi.

Những người khác lại tiếp tục nuôi hy vọng, cho những lần kế tiếp.

Tôi thích suy nghĩ của một anh chàng nào đó được phỏng vấn trên báo. Anh này từng trúng $500 trong một kỳ sổ xố thuở nào. Anh vẫn đều đặn mua $2 vé số mỗi lần, bởi anh cho rằng khi bỏ ra $2 tức anh đang có trong tay một hy vọng, còn khi  không bỏ ra đồng nào hết, thì hy vọng của anh là con số 0.

Người ta có quyền ước mơ, có quyền hy vọng, nhưng bằng một cách nào đó phải hành động thì ước mơ và hy vọng của mình mới có cơ may trở thành hiện thực.

2.

Tối qua, lần đầu tiên tôi ngồi mở radio nghe người ta đọc một bài viết của mình “Sống trên đời phải biết cho đi một chút gì” Nghe mà nước mắt lăn dài, như có những lúc ngồi viết bài mà tự dưng nước mắt cứ chảy, hehehe, tệ thật 🙂

Bài  này viết cũng gần tròn một năm rồi. Chị Thúy Anh gọi điện thoại  lúc chiều, kêu NL nhớ mở nghe, báo cho chú Tuyến cùng nghe.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất về bài viết này là sau khi bài báo đã in, một chú đồng nghiệp nói với tôi, “Mày đổi họ ổng rồi. Ổng là Trần Quang Tuyến chứ không phải Nguyễn Quang Tuyến.”

Trời ạ! Đầu óc tôi sao lại như vậy!

Tôi gọi điện thoại để xin lỗi người tôi phỏng vấn viết bài. Câu đầu tiên tôi nghe từ chú là “Cám ơn NL, bài cháu viết hay và cảm động quá!” – Không một lời nào chú đả động đến lỗi lớn nhất mà tôi mắc phải.

Tôi xin lỗi vì ghi nhầm họ của chú. Chú cười, tôi nhớ hoài nụ cười của chú, “Có gì đâu cháu. Chuyện nhỏ mà!”

Tôi học thêm bài học đó.

Tối qua, nghe lại bài viết của mình qua giọng đọc của người khác trên radio. Tôi biết mình rơi nước mắt không chỉ vì sự cảm kích công việc làm của chú, mà còn vì cách chú nhìn về lỗi lầm của người khác.

3.

Mấy mươi năm chiến tranh qua đi, có ai thử nhẩm tính, có bao nhiêu đứa bé chưa tròn nửa tuổi từng bò quanh xác mẹ trên đường chạy giặc, tản cư không?