Lại chuyện “đồng hương”

1.

Cách đây vài ngày, sếp Tổng kéo ghế ngồi xuống để “có chuyện này chú muốn chia sẻ với NL.”

Sếp kể khoảng năm 1975-1976, khi đó sếp chỉ mới chừng 30, cùng với các anh em 7-8 người chất lên chiếc xe van làm một tour từ Calif. sang miền Đông.

“NL có thể tưởng tượng được không là trên suốt hành trình đó toàn là ở nhờ nhà người lạ hoặc là quen qua sự giới thiệu đâu đâu không à! Vậy mà họ tiếp đón mình nồng nhiệt và chu đáo không thể tưởng.”

Sếp kể thời gian đó, đi đâu chỉ cần nhận ra nhau là người Việt Nam là vui mừng, là hỉ hả, là kéo nhau về nhà chơi, ăn uống, chuyện trò, sẵn sàng giúp đỡ đến nơi đến chốn.

Nhưng theo thời gian, điều đó dần mất đi.

“Theo NL là vì sao?” Sếp hỏi.

“Dân tộc tính: sự đố kỵ và lòng ngờ vực, không tin tưởng nhau quá lớn. Điều này khó thay đổi vì nó nằm trong máu huyết lâu đời.” Tui nêu suy nghĩ. Sếp Tổng thêm vào, “Ý thức xã hội của người dân Việt Nam không cao. Phần nhiều chuyện họ làm giúp người này người kia đều là từ ý thức cá nhân chứ không phải ý thức xã hội.”

Bao giờ thì ý thức xã hội sẽ trở thành máu huyết trong mỗi người Việt Nam? Không trả lời được. Chỉ biết là còn lâu lắm lắm.

2.

Một độc giả tìm đến NV để phản ánh một sự việc:

Ông thấy một quảng cáo tìm người làm việc với mức lương $4,000-$5,000/tháng. Ông đến xin việc.

Người chủ kêu ông thử việc. Ông làm đâu chừng một tuần thì người chủ kia bảo “không thích hợp để mướn” Vậy là ông bị cho nghỉ. Và không hề được trả một đồng nào cho một tuần lễ lao động đã qua.

Ông lân la hỏi thì được biết nhiều người cũng rơi vào tình trạng y chang như vậy. Tức là làm không công. Các ông bà chủ cứ chơi trò xoay tua như vậy, lợi dụng sức lao động của người khác làm thí cho mình.

Từ chuyện của độc giả này, tui chợt nhớ đến chuyện của một số người tui quen biết từ khi  còn chân ướt chân ráo tới đây. Xin vô làm cho một số tiệm tùng hãng xưởng của đồng hương. Làm ra sản phẩm đàng hoàng nhưng sau đôi ba ngày, có khi cả tuần, chủ bảo “không thích hợp” vậy là cho nghỉ. Không một đồng thù lao nào được trả cho người ta! Người đi tìm việc cứ nghĩ ngây ngô “thử việc mà, training mà, không trả lương chắc là đúng!” Đâu có ai lên tiếng chỉ vẽ hay bảo vệ quyền lợi cho những người như vậy, chuyện tranh đấu cho quốc gia đại sự còn chưa xong nữa là!

Tuy nhiên, trò mất dạy này, tui gọi đó là cách hành xử cực kỳ mất dạy, càng bẩn thỉu hơn khi nó xảy ra tại một vài cơ quan truyền thông cũng của “đồng hương.”

Một người được giới thiệu vào làm công việc dịch thuật tin tức. “Em làm đi rồi tôi sẽ hướng dẫn thêm.” 8 tiếng mỗi ngày, các bản tin của người này dịch đều được sử dụng đăng báo. Vậy mà sau một tháng – chứ không phải một tuần – người có trách nhiệm trả lương phán, “Em xài chữ VC nhiều quá, không thích hợp với tờ báo.” Vậy là mất job. Nhưng khốn nạn một nỗi là họ lấy cớ đó để xù luôn tiền mồ hôi công sức trong suốt một tháng của người ta.

Nghe kể mà máu tui bốc lên đầu. Dùng chữ mất dạy để chỉ hành động đó âu cũng còn quá nhẹ.

Nhưng thực tế đau lòng đó không là trường hợp cá biệt trong số các đồng hương yêu dấu của chúng ta.