‘Từ mẫu’ không phải là mẹ hiền?

Tui đi hỏi gần cả chục người xung quanh, lớn có nhỏ có, đàn ông đàn bà đều có, ai cũng trả lời không chút đắn đo: Từ mẫu tức là mẹ hiền.

Không có ai nói khác hết. Ngay cả cụ Tía của cụ Ốc là người giỏi Tàu, giỏi nho, giỏi Việt cũng khẳng định “mẹ hiền” là nghĩa duy nhất của chữ “từ mẫu”

Thế nhưng, khi đọc trong quyển “Tuyển tập Biên Khảo Phong Tục Văn Hóa” của giáo sư Trần Văn Chi thì mới hay:  “từ mẫu tức là mẹ chết sớm, cha sai người vợ lẽ nuôi mình“. Rất ngỡ ngàng!

Tương tự, tui vẫn hiểu nghĩa của “tên cúng cơm” tức là tên do cha mẹ đặt từ lúc mới sinh ra. Sau này dù có thay danh đổi họ, nhưng khi chết, thì tên đó vẫn là tên được người thân khấn vái khi cúng kiếng.

Nhưng mà theo quyển sách kia thì hiểu vậy là sai tè le tét lét luôn 😦

Trong mục Đặt tên thụy cho người chết“, tác giả Trần Văn Chi viết:

Theo tự điển Thiều Chửu thì chữ Thụy cũng có nghĩa là tên Thụy hay tên Hèm, nghĩa là lúc người sắp chết thì người nhà dựa theo tính hạnh của người sắp chết để đặt cho họ một tên khác để khi cùng giỗ khấn vái, gọi là thụy. Dân gian gọi là tên cúng cơm.”

Thêm nữa, trước giờ khi nghe ai đó bị “chửi” câu “đồ thứ con ranh con lộn” thì tui nghĩ người chửi ví đứa trẻ kia kiểu như thứ con trời đánh, quỷ quái, không có ngoan ngoãn…

Giờ thì được giải thích: “con ranh là con cái sanh ra chết non”. Rồi “đứa trẻ con ranh sau khi chết non sẽ lộn lại thành đứa trẻ kế tiếp nên mới gọi là con lộn – tức lộn trở lại” “Âm hồn những đứa trẻ này người ta gọi là Cô Hồn.”

Thiệt tình là tui chới với đó nghen!

Tuy nhiên, chới với là vì tui không biết nó đúng trật đường nào, còn đang chờ người giải thích thêm.

Riêng câu này thì với tui, qua kinh nghiệm thực tiễn, là nó trật đến nhiều nhiều phần trăm lắm nè:

Người Việt còn sống theo đạo lý: “nghĩa tử là nghĩa tận”, tức là bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi đối tượng đã chết, vì chết là dứt nợ trần gian. Không ai truy cứu người chết bao giờ.”