Khi con người bị kỳ thị bởi đồng loại

Việc ban tổ chức diễn hành Tết Nguyên Đán không trả lời dứt khoát là đồng ý hay không đồng ý để cho Liên Hội Người Ðồng Tính Gốc Việt (LGBT) được tham gia trong kỳ diễn hành Tết năm Con Rắn này là chuyện đang được bàn tán mấy ngày qua.

Vậy mà tối nay, khi đọc bài báo do anh Đỗ Dzũng và chị Hà Giang viết, trong đó có đoạn luật sư Trần Kinh Luân, đại diện cho LGBT, nói, “…các anh chị em đồng tính cũng đang liên lạc với các hội đoàn ủng hộ sự có mặt của LGBT trong buổi diễn hành để nhờ họ giúp đỡ, chẳng hạn như xin họ cho đi chung trong đoàn diễn hành”  Tự dưng một cảm giác gì đó như hờn tủi và xót xa khiến mắt tôi cay.

Cũng là phận người, cũng muốn chan hòa niềm vui trong ngày Tết dân tộc, vậy mà người thì được hân hoan đón tiếp, người thì phải hồi hộp, lo lắng xem “phận mình ra sao”, để rồi phải tính đến bước đường cùng là “xin” một hội đoàn nào đó “cho mình đi chung trong đoàn diễn hành.”

Nói gì đây? Nghĩ gì đây? trước một điều ngỡ như phải là chuyện hiển nhiên, thì nay lại là khát vọng, là ước mơ, là kế hoạch phải tính toán, phải đi xin nhờ sự giúp đỡ, để người khác thương tình, tội nghiệp mà cho mình đứng chung, như những con người hồn nhiên nở nụ cười dưới ánh mặt trời!

Tôi không là họ, tôi không là người đồng tính, nhưng sao tôi cứ nghe chua chát một nỗi niềm. Nỗi niềm của người bị chính đồng loại mình kỳ thị và khinh khi.

Tôi thường không nhớ nhiều về những phóng sự mình từng viết, bởi như tôi vẫn thường nói, “Đầu tôi nhỏ lắm, không đủ sức chứa hết mọi vui buồn của thế gian. Thế nên chuyện gì qua rồi là tôi coi như xong, tôi để dành chút trí não nhỏ nhoi để nghe, để viết những điều đang tới và sắp tới.” Vậy mà tôi không quên tâm sự của những người đồng tính mà tôi từng có dịp tiếp xúc, từng có dịp đọc qua.

Tôi nhớ hoài email của một người từng gửi cho tôi vào đầu năm 2010, khi lần đầu tiên “nổ” ra vụ chống đối người đồng tính diễn hành Tết. “Tôi không chọn mình sinh ra là một người đồng tính. Nhưng đó đã là số phận, và tôi phải chấp nhận. Nếu được một lần đầu thai lại, và có quyền lựa chọn, tôi chắc sẽ không chọn lối này mà đi.”

Tôi nhớ hoài tôi cứ đưa tay lên chùi nước mắt, khi nghe bạn tôi, một người đồng tính, nói qua điện thoại, “Nhiều lúc mình nhìn những cặp vợ chồng họ cãi vả nhau những chuyện vặt vãnh như ai là người đưa đón con, tại sao nhà chưa dọn, vườn chưa tưới,… một cách ngưỡng mộ và khao khát lắm NL. Vì mình nhìn thấy đó là hạnh phúc, hạnh phúc của đời thường mà mình không thể nào có được.”

Tôi nhớ hoài những giọt nước mắt tôi cứ rơi khi ngồi bên hội trường nhật báo NV nghe một cô gái trẻ kể chuyện một buổi tối năm cô đang học lớp 12, khi cô vừa bước chân về đến nhà, ba cô đã thẳng tay tát vào mặt cô và đuổi cô ra khỏi nhà, khi biết cô là người đồng tính. Cô chạy ra ngoài bóng đêm, vừa chạy vừa khóc vừa sợ. Cô ra trạm xe bus ngồi, gọi điện thoại cho người bạn đến chở cô đi tìm chỗ trọ…

Tôi nhớ hoài giọng nói hiếm hoi không kèm theo tiếng cười của Calvin Trần, người từng đoạt giải Style Breaker của Fashion International Group, “Designer of the Year”, từng xuất hiện trong chương trình Fashion Show “The Ultimate Collection” của đài truyền hình Bravo và là chủ nhân hai tiệm thời trang tại New York và Chicago: “Nếu hỏi muốn đầu thai làm người đồng tính thì ai mà dại gì chứ!  Mấy chục năm trời mình sống cô độc trong chính mình. Có ai nói ra ‘Tôi là gay, tôi hạnh phúc.’ Có ai nói được đâu! Vì bởi nói ra không được lợi lộc gì, còn bị khinh bỉ, còn bị đuổi việc thì ai mà dám chứ! Cho nên hỏi nếu có lựa chọn không thì không bao giờ! Không ai muốn làm người đồng tính!”

Con đường người đồng tính phải đi trong suốt cuộc đời quá khấp khểnh, gập ghềnh.

Vẫn biết lòng người vốn không rộng lượng bao dung, nhưng đừng vì thế mà tạo thêm những hố sâu, của sự đố kỵ, kỳ thị, bởi bất kỳ lý do gì, giữa những con người với nhau.