Tàu bay ngựa chạy đưa ông Táo về Trời

Ngày mai là ngày Ông Táo về trời.

Nhưng không bao giờ ổng tự đi cả, mà gia chủ phải “đưa” thì ổng mới chịu đi. Cứ ngẫm cái câu dân gian xưa nay thường nói “đưa ông Táo về trời” thì cũng đủ hiểu 🙂

Mà có đưa đi thì phải có rước về. Ngày đưa đi luôn là ngày 23 Tháng Chạp. Còn rước về thì khi nào đi rước “ông bà” về ăn Tết thì rước luôn ông Táo để khỏi mất công hai ba chuyến xe. Mà ngày rước “ông bà” thì hình như tùy con cháu, chúng rảnh ngày nào chúng đón ngày đó. Thành ra có nhà thì đón từ 27, 28 Tết, có nhà thì đợi đến trưa 30 Tết rước luôn cho tiện bề sổ sách.

Chưa hết. Kể từ lúc mời “ông bà” về nhà ăn Tết cùng con cháu, thì lúc nào bàn thờ cũng phải hương hoa, nhang đèn, bánh mứt cho đàng hoàng. “Ông bà” sẽ được mời cơm canh ngày 3 bữa, sáng trưa chiều. Mà đồ cúng thì phải luôn là đồ mới, đồ nóng.

“Ông bà” về ăn Tết với con cháu ít ngày thì lại tiễn “ông bà” đi. Thường thì là ngày mùng Ba (hình như vậy), không thì chờ đến lễ hạ nêu. “Ông bà” đi rồi thì coi như cũng là lúc con cháu “say goodbye” với Tết, hẹn đến sang năm mình lại cùng đón Xuân.

Hehehe, nghe mà lùng bùng lỗ tai, nhất là đối với những đứa không giỏi giang hay chú trọng việc cúng kiếng như tui. Thành ra, cứ mỗi năm gần đến những ngày này là má tui lại nhắc. Nhắc nhưng có khi lu bu công việc, tui dạ dạ rồi cũng quên tuốt luốt. Có năm tui phải đón cho ổng chuyến xe cuối cùng của ngày 23, khi đồng hồ sắp điểm sang ngày 24, để kịp chạy lên báo cáo với Ngọc Hoàng năm qua tui nấu cơm nhà được mấy bữa, ăn cơm tiệm được mấy bữa, và viết được bao nhiêu cái entries, nhận được bao nhiêu cái còm, người nào còm nhiều người nào còm ít, người nào còm “ăn theo” :p

Có năm, tui quên mua vé tàu, phải đến vài ngày sau, đưa ổng lên máy bay bay vèo cho lẹ. Hehe, thế vẫn còn hơn có năm ông Táo bị tui cắt luôn chuyến vacation về Trời, bởi… í quên 🙂

Năm nay thì chắc là không quên ngày đưa ông Táo, vì ngày mai, 23 tháng Chạp, là ngày tui đón đoàn còm sĩ còm lẻ đến toàn soạn chơi. Mà cũng vì lý do này nên có lẽ phải đưa ông Táo đi sớm sớm hơn kẻo ông mà nghe độc giả NL’s blog xúm lại “tám” thì chắc ổng cũng nán ngồi lại để cười ké cũng nên 🙂

Sẵn nghe bà con bên entry trước bàn chuyện lấy gì làm “lộ phí” cho  ông Táo về Trời, tui cũng mon men đi lụm ý kiến của thiên hạ mang về đây để mọi người tùy nghi quyết định.

“Theo Việt Nam Tự Ðiển, thì ngày xưa có người đàn bà tên Thị Nhi, vì không vừa ý chồng là Trọng Cao nên bỏ nhà đi lấy chồng khác. Người chồng cũ một hôm lẩn thẩn, đi tìm gặp vợ để than thở sự này việc khác, không biết để làm gì. Bỗng người chồng hiện tại, là Phạm Lang, vốn là một thợ săn, săn được một con thịt mang về. Thị Nhi hốt hoảng, nghĩ mình tình ngay lý gian, nên giấu chồng cũ vào đống rơm ở xó bếp. Anh thợ săn đang đói, ném ngay con thú vừa săn được vào đống rơm, nổi lửa thiêu con vật, khiến ông chồng cũ bị thiêu chết. Ðau lòng khi trông thấy cảnh đó, chị vợ lao vào lửa chết theo. Ông chồng mới, trước cảnh vợ mình quằn quại trong lửa, lao vào lửa cứu nàng. Thế là cả ba cùng chết cháy..

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc.

 -Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.

 -Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.

 -Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

Táo quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.

 Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!

 Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

 Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

 Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…v…v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v…v..) để tiễn Táo quân.”

Theo như những gì ghi nhận ở trên thì việc đưa ông Táo là rất quan trọng (tương đương như việc đón còm sĩ còm chẵn vậy, hehehe) thế nhưng có những nhà chỉ dùng”thèo lèo cứt chuộc” đưa ông Táo thôi, như nhà Hến chẳng hạn, thì nó có ý nghĩa như thế nào, tui hỏng biết.

Có ai biết, giải thích dùm đi  🙂

À, ngày mai, Chủ Nhật, lúc 10:30 sáng, ai rảnh ghé tòa soạn chơi ăn bánh chưng, và đi chợ hoa nha (nghe đồn là có thêm bánh bèo, chè cháo gì nữa á :).