Một con người nhiều huyền thoại

Chung quanh chuyện ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy, có nhiều ý kiến hoàn toàn đối nghịch về con người ông.

Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy mình là người may mắn khi không bị lôi kéo, hay nói đúng hơn không bị chi phối, bởi những gì thuộc về sinh hoạt đời tư cá nhân của người khác nếu như không phải do chính miệng người đó thừa nhận và nói ra.

Bài viết dưới đây của nhà thơ Trần Vấn Lệ gửi qua email cho tôi, thiết nghĩ có thể giúp nhiều người có thêm cái nhìn về những gì mình ngỡ rằng mình biết, biết rất rõ về một ai đó, qua những lời truyền miệng hay qua những dòng chữ ấm ớ nào đó.


Nhạc Sĩ Phạm Duy Qua Đời

Trần Vấn Lệ

Qua đời là Đi Qua Khỏi Cõi Đời, là Đi Ra Khỏi Cõi Đời, là Từ Trần,…là Chết!

Hàng chữ Nhạc Sỹ Phạm Duy Qua Đời là tựa đề một bản tin hàng ngày của đài phát thanh BBC phát đi từ Thủ Đô London, nước Anh, sáng sớm ngày Chúa Nhật 27 tháng Giêng năm 2013.


Tôi mở nhiều báo điện tử trong nước, đọc được tin nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời. Thế là không còn nghi ngờ gì nữa. Một ông già chin mươi ba tuổi, hơn tháng trước vừa ôm ngực khóc cái chết của đứa con đầu lòng bạo bệnh, ông già không chịu đựng nổi và ngã bệnh.

Con cháu đưa ông vào bệnh viện tại Sài Gòn, các bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng không sao cãi được số trời: Phạm Duy – một Nhạc Sĩ Tài Danh của Việt Nam trải dài hai Thế Kỷ qua – đã trút hơi thở vào buổi xế trưa ngày Chúa Nhật. Khi Việt Nam ngày Chúa Nhật thì bên Mỹ đang còn ngày Thứ Bảy. Tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, các đài phát thanh Mỹ, Pháp, Úc đều đưa tin sớm, các báo Việt Ngữ, các đài Phát Thanh, Truyền Hình Việt Nam ở ngoài nước sau đó cũng loan tin, không cần dè dặt.

Có nhiều người mong Phạm Duy chết liền ngay khi ông “quay đầu về núi”, về với nước Việt Nam Cộng Sản, năm 2005, ông không chết năm đó…thì có ngày cũng phải chết thôi! Không ai đặt ra chuyện “Nghĩa Tử Nghĩa Tận” với Phạm Duy vì người ta ghét Cộng Sản, Phạm Duy “quy hàng” Cộng Sản là làm nhục cho người “Quốc Gia”. Mới thấy sớm nhất có bài báo của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn, người còn có bút danh Lão Móc, đăng trên vài báo mạng. Ông Nguyễn Thiếu Nhẫn hoàn toàn không thương tiếc gì cái tài, cái danh của nhạc sĩ Phạm Duy. Một bài khác, không biết có lên mạng chưa, nhưng phóng vào hộp thư e mail của tôi, thì có vẻ ngậm ngùi. Bài này của nhạc sĩ Châu Đình An, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Đêm Chôn Dầu Vượt Biển. Trong bài viết của Châu Đình An có đoạn:

Người nghệ sĩ Việt Nam đứng giữa hai lằn đạn của hai chiến tuyến khác nhau trong mọi thời kỳ, dù chiến tranh hay hoà bình hiện nay. Và người nghệ sĩ trong một giây khắc xúc cảm rất dễ trở nên yếu đuối. Vì tâm hồn không yếu đuối, không thể là nghệ sĩ.

Cái còn lại, tôi nghĩ xa hơn, một khi tâm hồn chúng ta yếu đuối, cần có nơi nương tựa, cần có nơi chở che. Cộng đồng hải ngoại là nơi để nương tựa, nơi để thở than và mong nhận che chở. Dù sao thì, cộng đồng chúng ta ở hải ngoại khi thương thì hết lòng, khi ghét thì hết tình. Ngay như bản thân tôi về ở Orlando, Florida hơn 20 năm qua, chuyên làm kinh tế, nghĩa là lo đi làm ăn, mà vẫn không yên, tôi hiểu con người ta, chỉ có một thiểu số có sự ganh ghét, đố kỵ, chụp mũ và thiếu sự cảm thông. Do vậy, không riêng gì ông Phạm Duy, mà còn nhiều nữa, cộng đồng nói chung, đôi khi vì quá nhiệt tình, quá sôi nổi, quá bức xúc vì chế độ cộng sản Việt Nam, do vậy vô tình đã thiếu sự khoan dung, thiếu sự che chở, không có trái tim bao dung che chở, nương tựa cho những nhà văn hoá, chính trị, tôn giáo. Cuối cùng, chỉ xô đẩy người ta sống theo cách sống của họ là bất chấp, và họ trở thành ích kỷ. Điều này đã xảy ra ở các hiện tượng Nguyễn Cao Kỳ, Thích Nhất Hạnh và bây giờ là Phạm Duy.”


Một Bản tin của Đài Phát Thanh BBC, một bài viết của nhạc sĩ Châu Đình An, tôi nghĩ đây là hai bài “đại diện” tỏ bày lòng yêu thương và quyến luyến nhạc sĩ Phạm Duy. Nói “đại diện” tức là tôi có cảm nghĩ rằng có nhiều người không ghét Phạm Duy đến nỗi phải căm thù. Tôi chép đủ hai bài đó, xin Đài BBC và nhạc sĩ Châu Đình An cho tôi ké vào vài giọt nước mắt…

Tôi thật buồn tôi khi tôi nhớ lại vào năm 2005, khi biết tin nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở về, tôi có viết một bài rất nặng lời dành cho người phản bội. Tôi hứa với độc giả báo Văn Nghệ Tiền Phong là tôi sẽ không bao giờ nhắc nữa đến cái tên Phạm Duy. Sở dĩ tôi viết được bài báo đó vì tôi “lượm lặt” được một số chuyện không tốt của Phạm Duy:

1, Chuyện trai gái lẳng lơ: Trước năm 1975, ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy bị báo chí móc lò về chuyện trăng hoa, bậy bạ, nhảm nhí, mà ba chuyện nổi cộm là: Phạm Duy “cua” ca sĩ Khánh Ngọc, Phạm Duy léng phéng với ca sĩ Julie (người sau này là con dâu của Phạm Duy) và…Phạm Duy từng khoe đã qua tay hai trăm cô gái.

Chuyện thứ nhất, tôi hỏi một số bạn làm báo kỳ cựu, được biết: báo chọc Phạm Duy…cho bõ ghét!

Chuyện thứ hai, chính tôi gặp Julie trong một buổi Ra Mắt Sách của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang tại Orange County, California, tôi hỏi vài người lớn tuổi, chịu chơi một thời Sài Gòn, tôi bị la: “Người ta nói bậy đó. Trước khi lấy Duy Quang, Julie là học trò của Phạm Duy, ông dành cho cô này nhiều cảm tình và chăm sóc tận tình, nên mang tiếng… kiểu khách quan!

Chuyện thứ ba, là chuyện nhạc sĩ Phạm Duy khoe với ai, ở đâu, không biết, nhưng có một ký giả hỏi Phạm Duy có thật vậy không, Phạm Duy cười và bảo người phóng viên kia nếu muốn biết rõ hơn thì nên hỏi thẳng bà Thái Hằng, vợ của Phạm Duy!

Còn các chuyện khác… cũng nặng mùi xú uế lắm, nghe mà phát tởm, nhưng qua bài viết của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn thì tôi “bổ ngửa”. Chuyện “dây” mà nào phải “dậy”. Toàn là Oan Ôi Ông Địa…Lu, không hà!

Chuyện với Giáo Sư Lê Hữu Mục tại Canada đúng là chuyện phịa của một nhà trí thức có tên tuổi! Giáo Sư Lê Hữu Mục “méc” với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ Nhiệm Báo Làng Văn rằng-thì-là Phạm Duy khoe với “tui”: Tất cả các bản nhạc Hay của mình, Phạm Duy đều làm ở trong cầu tiêu! Khi nghe được chuyện này )lùm xùm trên các báo chợ hồi ấy), Phạm Duy đã phân bua: “Tôi không hề gặp và nói chuyện như vậy với Giáo Sư Lê Hữu Mục, tôi sẽ đi kiện đòi bồi thường danh dự”.. Vì…không thấy Phạm Duy kiện tụng gì, ai cũng yên chí là… đúng như vậy! Mà nói chí tình: Phạm Duy có tiền đâu để kiện ai. Sống ở Mỹ, đáo tụng đình…là chết, hơn nữa muốn kiện người ta thì phải coi họ có tiền để đền cho mình không! Chuyện này thiệt hay “giả ngộ” thì miễn bàn. Chính trên tờ báo Làng Văn có lần đăng một bài thơ dài, tác giả là tôi, chửi bới tục tỉu cô Trương Anh Thụy và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia, mà tình thật tôi nào có quen hay biết gì hai vị này bao giờ! Sau này tôi “vỡ nhẽ”, chính danh thủ phạm là họa sĩ / thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật ở Na Uy, người giữ mục Chém Đá trên báo Làng Văn làm ra và ký tên tôi…Tôi không yêu cầu báo Làng Văn đính chính…bởi tôi chẳng muốn dây dưa chuyện ruồi bu, dơ dáy đó.

Chuyện đáng “kinh hãi” là báo Ép Phê của ông Trần Trung Quân ở Pháp in hình Phạm Duy đứng chung với Đại Sứ Việt Cộng và lu loa lên là Phạm Duy chầu rìa Cộng Sản. Phạm Duy không đọc báo này nhưng có người gặp Phạm Duy đưa tờ báo cho ông thấy, ổng hoảng hồn và viết thư cho ông Trần Trung Quân. Báo Ep Phê đăng ngay bài Cải Chính và Xin Lỗi Nhạc Sĩ Phạm Duy! Việc Phạm Duy oan không ai cần biết, người ta chỉ “đồ” thêm những gì thiên hạ đồn đãi. Ác chi mà ác thế! Nhân sinh tính bản ác, nói theo Tuân Tử nghĩ cũng không ngoa vậy!

Hai mẩu chuyện trên đây tôi thấy trong bài của ông Nguyễn Thiếu Nhẫn. Ông Nguyễn Thiếu Nhẫn cứ thuận tay viết dài dài về những gì ông “bất mãn” với Phạm Duy và lờ đi, chẳng sao! Phạm Duy sống đã câm trước bao nhiêu tiếng xấu, chết rồi thì càng câm luôn! Hỡi ơi một kiếp người!…

Năm 2005 là năm không xưa lắm, tôi “hung hăng” con bo xít, bây giờ tự thấy mình hư! Tôi cúi đầu xin lỗi nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi, hồi đó, năm 2005, tôi “quyết định” quên hẳn quá khứ tôi từng gặp Phạm Duy ở Việt Nam – khi thì Đà Lạt, khi thì Sài Gòn, tôi cứ viết cho “sướng” tôi, cho hả “căm hờn”, cho…có một bài báo cập nhật tin thời sự.

Năm 1959, tôi học trường Việt Anh ở Đà Lạt, ngồi trong lớp giờ Việt Văn của Thầy Tam Ích Lê Nguyên Tiệp, nghe tiếng gõ cửa, tôi đứng dậy ra mở. Một người đàn ông tầm thước, tóc bạc, quăn, tôi thưa: “Xin phép hỏi Bác, bác cần gì ạ?”. Người đó đáp: “Bác là Phạm Duy, con thưa với Thầy Tam Ích cho Bác gặp Thầy một phút”. Tôi đến bàn thầy giáo thưa lại với Thầy tôi, ông lật đât ra bắt tay nhạc sĩ Phạm Duy và bảo nhạc sĩ Phạm Duy lên Văn Phòng đợi mười phút nữa tan trường…

Một lần nữa, cũng tại Đà Lạt, đâu hình như năm 1962, nhạc sĩ Phạm Duy đi cùng với một nhạc sĩ Mỹ, thuê Hội Trường Hòa Bình trình diễn Mười Bài Tâm Ca. Tôi có đi dự. Khoảng hai ngàn khan giả rất “chịu” các nhạc phẩm đậm chất Tình Người của Phạm Duy nhất là bản Giọt Mưa Trên Lá, hầu như ai cũng ứa nước mắt…Trên sân khấu, Phạm Duy thật đẹp lão và hiền hòa, nói năng tao nhã; người bạn Mỹ của Phạm Duy cũng nói tiếng Việt và hát Tâm Ca…

Lần cuối cùng tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy ở Việt Nam vào năm 1969, tại Cư Xá Chu Mạnh Trinh Sài Gòn. Lần đó, tôi đi công tác Sài Gòn, bạn tôi nhờ cầm thư khẩn xuống trao cho nhà văn Hoàng Hải Thủy. Tôi chỉ là người đưa thư, không cần nêu tên, Tôi gõ cửa nhà nhà văn Hoàng Hải Thủy và làm xong bổn phận. Tôi ra về, giữa chừng, trước khi ra cổng cư xá Chu Mạnh Trinh thì thấy nhạc sĩ Phạm Duy đi vào, tôi chào: “Thưa Bác Phạm Duy!”. Ông dừng lại, chào lại tôi và đến vỗ vai tôi: “Anh là ai mà sao biết Bác?”. Tôi đáp: “Thưa con là đứa học trò mở cửa lớp gặp Bác khi Bác lên Đà Lạt tìm Thầy Tam Ích, Bác nhớ không ạ?”. Nhạc sĩ Phạm Duy cười thật “đẹp”: “Nhớ rồi! Lâu quá cháu nhỉ, cháu bây giờ chắc không còn là học trò?”. “Vâng, cháu đã đi dạy gần chín năm nay…”. Nhạc sĩ Phạm Duy đó, trước tôi thế đó. Sao tôi lại mù vào năm 2005 nhỉ? Tôi vừa hư vừa tệ! Lậy Trời cho tôi mù mãi. Tôi thật tình sẽ khiếp hãi khi nghe ai chửi mắng tôi từ nay khi đọc những dòng tối viết về một người vừa mất!


Thập niên 1981, tôi cải tạo về, quần áo xơ xác, người tôi đi thăm đầu tiên là Má tôi, tôi sợ mình về nhà thì hết đi đâu dễ dàng. Tôi đi rất nhiều chặng xe mới về gặp Má tôi được, phần thì người ta không niềm nỡ với người rách rưới, phần tôi có ít tiền (trại thả tôi chỉ cho có ba chục, tôi eo sèo thêm được hai chục nữa, vị chi là năm chục). Phương tiện đi lại khó, thấy người rách rưới càng không muốn giúp. Má tôi đã bỏ phố về ruộng. Tôi vào mới tới hiên nhà, Má tôi bước ra, hai Mẹ Con giống nhau như đúc: Nghèo Xác Xơ. Má tôi mặc áo bao cát, tôi thì mặc áo bà ba đen có vài miếng vá trên vai…. Tôi nhớ một bài hát của Phạm Duy: Ngày trở về có anh bước lê trên quãng đường đê… Mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ…

Nhạc Sĩ Phạm Duy ơi…ông chết đi ở tuổi nào thì cũng vẫn là một người còn trẻ. Trẻ như anh thương binh kia…Tôi vừa nghe xong mấy bài rất tình của ông…và nhìn tấm ảnh ông thời ông còn là chàng trai Hà Nội, trước năm 1953. Thương ông quá hà…

Trần Vấn Lệ