Phạm Duy đã ra đi

Vậy là ông đã qua đời ở tuổi 92, cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam.

Xin tưởng nhớ về ông qua những gì ông để lại, cho mãi mãi

Gọi Em là Đóa Hoa Sầu

Em Hiền Như Ma Soeur

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng


Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời lúc 2 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 27 tháng 1 (giờ Việt Nam, tức 11 giờ 30 tối thứ Bảy, 26 tháng 1 tại Cali) tại bệnh viện 115 sau 3 ngày nhập viện cấp cứu.

Theo báo trong nước, phút lâm chung, bên cạnh ông có nhiều người thân, gia đình và bạn bè.

Tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy được tổ chức tại tư gia ở Lê Đại Hành, phường 3, Quận 11. Lễ nhập quan diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày thứ hai 28 tháng 1 (giờ VN), lễ động quan lúc 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 3 tháng 2. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ yên nghỉ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Chỉ khoảng 2 tiếng sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, tôi đã đọc được nhiều lời chia buồn trên khắp các stt của Facebook. Chỉ kịp viết vội vài dòng về ông trên blog để bạn đọc báo NV biết tin.

Sáng nay ngồi coi lại tiểu sử ông, càng hiểu thêm nhiều điều, trong đó biết được nguyên nhân ra đời của một ca khúc mà tôi rất thích, “Chỉ chừng đó thôi.”

Tôi không biết tổng cộng ông có bao nhiêu ca khúc, chỉ biết rằng nhiều lắm. Không biết có ngoa không khi nói rằng không người Việt Nam nào chưa từng một lần nghe ca khúc của Phạm Duy, dù người ta có thể không biết nhiều về Phạm Duy.

Tôi cũng là người không biết nhiều về ông, đúng ra thì không thật sự tìm hiểu về ông, nhưng ngày còn nhỏ, tôi đã biết đến nhạc Phạm Duy khi tôi đi học đàn. Tôi vẫn nhớ ngày tôi mang móng đàn vào tay, vụng về tập khảy bài “Bà Mẹ Quê” trong lớp học đàn tranh tại nhà một cô giáo ở cư xá Phú Lâm A. Tôi vẫn nhớ những câu cô hát, “Bà bà mẹ quê, chân bước ra đời rồi xa/ Bà bà mẹ quê, từ lúc quê hương xóa nhòa, nhìn về miền quê mà giọt lệ sa”

Tôi nhìn danh sách những bài hát do ông sáng tác, do ông phổ nhạc và nhận ra rằng trong số những bài tôi từng nghêu ngao, có rất rất nhiều ca khúc của Phạm Duy.

Tôi vẫn nhớ ngày tôi đi về các trại tị nạn ở Malaysia làm phóng sự, chú Đinh Quang Anh Thái cứ gọi tôi “NL ơi em dỗi em hờn.” Khi về đến nhà, hỏi ra mới biết câu đó có từ trong bài “Gọi Em là đóa hoa sầu” – “Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn”.

Tôi nhớ bài hát “Hẹn hò” tôi nghe trên các băng nhạc của Paris by Nights vào những ngày tôi vừa tốt nghiệp trung học, chờ kết quả vào đại học. Không hiểu sao cứ nghe “Nước vẫn trôi mau mắt vẫn hoen sầu Đành để hồn theo nước trôi không màu Số kiếp hay sao không cho bắc cầu thì xin sông nước sẽ cho gần nhaụ” là tôi lại muốn khóc…

Tôi không nhớ đã bao lần tôi đắm chìm trong lúc nghe “Bao giờ biết tương tư” để đến tận bây giờ vẫn thấy lòng rưng rức mỗi khi văng vẳng từ đâu đó vọngđến “Ngày nào lòng tôi đã biết vui biết buồn, ôm mối tương tư. Ngày nào cánh Thiên Đường Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm. Tôi ghé răng cắn vào miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường, là trối trăn cuối cùng, giấc mơ não nùng vợi tan…”

Đến tận bây giờ, khi quan tài ông chưa đóng nắp, vẫn còn rất nhiều những tranh cãi về ông, ngay trong những dòng báo tin ông mất, trên các trang mạng.

Riêng tôi, Phạm Duy đã sống được một cuộc đời đáng sống, ít nhất là cho chính ông, cho những gì ông ước mơ và muốn thực hiện.

Với tôi, sự ra đi của một người không quan trọng bằng những gì họ để lại, cho muôn đời. Khi ca khúc của Phạm Duy vẫn còn được cất lên, vẫn còn được người ta mê đắm, nghĩa là tài năng ông vẫn tồn tại mãi, dù người đời có muốn phủ nhận, che mờ nó đi khi nhân danh bất cứ thứ gì.


Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội, xuất thân từ một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, văn sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp.

Năm 1936, vào học ở trường Thăng Long, một trọng điểm trong thời kỳ kháng chiến. Thầy dạy ông có Võ Nguyên Giáp, còn trong đám bạn cùng lớp có nhà thơ Quang Dũng.

Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay “Cô hái mơ”.

Sau đó ông khởi sự con đường âm nhạc của mình với việc trở thành ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi diễn lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945. Ông là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Sài Gòn vào năm 1944, mỗi tuần trình bày 2 lần.

Năm 1945, xảy ra nạn đói, Phạm Duy rời nhà cũ đi lang thang nhiều nơi, sau đó ông theo kháng chiến. Trong thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Phạm Duy trở thành cán bộ văn nghệ của Việt Minh và là một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó. Thời kỳ này, bên cạnh tài năng được khen ngợi, thì xu hướng lãng mạn của Phạm Duy bị cho là tiêu cực, nhiều bài hát của ông bắt đầu bị xét duyệt, cấm đoán. Sau do không chịu sự quản thúc ngặt nghèo, ông đã rời bỏ Việt Minh về thành. Từ đó tác phẩm của ông bị cấm phổ biến trong vùng kiểm soát của Việt Minh, cũng như ở miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Năm 1949 ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng, chị của ca sĩ Thái Thanh (mẹ ca sĩ Ý Lan)

Năm 1951, ông đem gia đình về Sài Gòn.

Năm 1953, ông qua Pháp học về âm nhạc, tại đây quen với giáo sư Trần Văn Khê. Về lại miền Nam, ông tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Nhạc Phạm Duy phổ biến rất rộng rãi ở miền Nam (mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi là “bàng bạc khắp mọi nơi” thời bấy giờ). Thời gian này ông có những hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã gây nên một vụ tai tiếng lớn khắp từ Nam chí Bắc khi ngoại tình với ca sĩ Khánh Ngọc, là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – người gọi ông bằng anh rể.

Sau sự kiện này, ông lại dính vào một vụ tình cảm nữa với Alice, con gái của một người tình cũ hồi năm 1944 tên Hélène. Tuy nhiên, ông khẳng định cả hai chuyện này đều là những tình cảm trong sáng. Ông đã viết nhạc và lời cho khá nhiều bài nhân chuyện này: “Nụ Tầm Xuân”, “Thương Tình Ca”, “Chỉ Chừng Đó Thôi”, “Tìm Nhau”, “Cho Nhau”.

Từ sau 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California.

Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký, khi hoàn tất chia làm 4 cuốn.

Năm 1999, vợ ông là bà Thái Hằng qua đời, sự kiện này khiến ông bị cao huyết áp phải đi nằm bệnh viện một thời gian dài. Sau năm này, lần đầu về thăm quê hương sau 25 năm lưu lạc, ông gặp gỡ nhiều bạn cũ ở Việt Nam.

Tháng 5 năm 2005, ông trở về Việt Nam, mua nhà sống tại Quận 11, cùng các con trai Duy Quang, Duy Cường.