Mưa đêm

Đêm nay mưa lớn quá!

Vừa viết bài, vừa nghe nhạc mưa qua tiếng hát trong vắt của Ngọc Lan.

Tê tái.

Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào khơi lên nỗi đau trong em bao nhiêu chiều
Lang thang … một mình …

Trời còn hoài mưa gió khiến cho ta buồn thêm
Lặng một mình ngồi đây ngắm mưa bay ngoài song
Người dạt trôi nơi nao đêm vắng có nghe tâm tư sầu nhớ
Tới những phút xưa mình còn nhau môi ấm ngất ngây trao tình


Đọc mới xong ba chương của “Bên Thắng Cuộc”

Chương I: Ba Mươi Tháng Tư

Diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30-4 (Đi từ bưng biền/ Xuân Lộc/ Tướng Big Minh/ Trại Davis/ Nguyễn Hữu Hạnh/ Sài Gòn trong vòng vây/ Xe tăng 390/ Đầu hàng/ Tuẫn tiết)

Chương II: Cải Tạo

Những bàn bạc bên trong, quan điểm của chính quyền trong việc đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền”, những thủ thuật được áp dụng để đưa sĩ quan vào trại cải tạo; số phận của những người tù không án, không biết ngày về và những bi kịch mà người thân của họ phải nhiều năm gánh chịu. (Những ngày đầu/ “Ngụy Quyền”/ “Ngụy Quân”/ “Đoàn tụ”/ “Phản động”/ Tù và cải tạo/ “Thăm nuôi”/ “Học tập”).

Chương III: Đánh Tư Sản

Những công cụ chuyên chính vô sản áp dụng ngay sau ngày 30-4-1975: Đánh tư sản vào tháng 9-1975 và liền sau đó là đổi tiền lần thứ nhất 22-9-1975; Cải tạo tư sản tháng 3-1978… Sự khác nhau của cải tạo tư sản và đánh tư sản (“Chiến dịch X-2”/ Đổi tiền/ “Gian thương”/ “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh”/ Hai gia đình tư sản/ Kinh tế mới)

Tôi đọc những dòng chữ đó trong tâm tư của một đứa bé lên 3 vào thời điểm “30 tháng 4”, trong tâm thế của đứa học trò có bạn bè là con của ngụy quân ngụy quyền đi “cải tạo”, trong vai trò chứng nhân của một lần đổi tiền, trong tư cách một thành viên trong gia đình nghe nhắc đến những người thân, và trong công việc của một nhà báo từng đọc “những lá thư tù cải tạo”.

Cảm giác?

Ngột ngạt. Vỡ òa. Và tức tưởi.

Giọng văn kể chuyện của nhà báo Huy Đức dường như bị cũng bị xáo trộn theo từng diễn biến của thời cuộc. Cảm xúc bị tác động nhiều trong đó.