Đầu tháng cuối năm hay chuyện Khánh Ly 50 năm

Nói vậy có dễ hiểu không nhỉ?

Hehehe, kệ, suy nghĩ chút thì sẽ hiểu, là ngày 1 tháng 12, ai không chịu suy nghĩ thì chửi bừa, viết tiếng Việt như chó cắn, thì cũng nhe răng cười trừ chứ làm gì được nhau 🙂

Mấy ngày nay có 2 chuyện đáng viết.

Một chuyện đã viết thành bài báo.

Giờ viết chuyện còn lại, là chuyện:

Đi xem chương trình ca nhạc kỷ niệm 50 năm Khánh Ly tại Nhà Thờ Kiếng hồi tối qua.

Có thể nói không gian Nhà Thờ Kiếng khiến người ta choáng ngợp bởi sự sang trọng quý phái của nó. Tôi đoan chắc trong số hơn 2,000 khán giả có  mặt tối hôm 30 tháng 11 không mấy người từng bước chân vào thánh đường lộng lẫy này.

Khánh Ly chọn nơi sang cả đó để tổ chức lần đầu tiên một chương trình đánh dấu nửa thế kỷ ca hát của cô là một lựa chọn xứng đáng.

Tuy nhiên, sự đời có những điều rất trái khoáy. Phàm cái gì “free” miễn phí thì nó lại không được người ta coi trọng, cho dù mình có cố gắng chăm chút chải chuốc cho nó bao nhiêu đi nữa. Tâm lý con người phức tạp và ngang trái vậy đó.

Toàn bộ 2,750 vé phát ra đều là vé mời. Có vé mời tận tay cho những người thực sự dõi theo giọng hát của cô qua từng thời gian. Nhưng tôi có cảm giác có quá nhiều vé được ấn vào tay của những người còn chưa biết được Trịnh Nam Sơn và Trịnh Công Sơn có phải là một hay là hai anh em chú bác không nữa là.

Thành ra, vấn đề là ở chỗ đó.

Người ta không hoàn toàn đến trong tâm thế để xem, để vinh danh, để chúc mừng một giọng hát vượt thời gian, dù 50 năm thì phải có khàn đi, có già đi, nhưng vẫn là chất giọng có ma lực, có thể níu chân nhiều người phải ngồi nghe cô hát.

Nhiều người đến, vì, có vé không đi thì uổng, vì, ít ra đến đó cũng biết bên trong nhà thờ kiếng có cây đại phong cầm vĩ đại như thế nào, vì, cơ  hội để xem một chương trình hội tụ nhiều giọng ca được ưa chuộng mà lại miễn phí thì không dễ lặp lại lần thứ hai.

Vậy, nên người ta đi, mang theo cả con khát sữa con ngáy ngủ, không cần lên đồ nghiêm túc, quần cụt dép lê cũng có thể nghênh ngang đi vào.

Vậy, thành ra mất toi đi cái không khí nhiều người trông đợi.

Người ta bị phân tâm, bị chi phối bởi đủ thứ hình dáng lổm nhổm nhấp nha nhấp nhỏm trong Thánh Đường.

Người ta bị phân tâm bởi tiếng con nít khóc, con nít la, con nít chạy và bố mẹ lon ton chạy theo, cho trò chơi rượt đuổi.

Người ta bị phân tâm bởi đang ngồi coi ca nhạc mà bị người mang đĩa đến hỏi “Mua không?”

Vậy, thành ra người ta không thả được hết hồn mình vào trong những gì diễn ra trên sân khấu.

Thế nên ngay khi Khánh Ly kết thúc chương trình bằng một liên khúc Trịnh Công Sơn từng làm nên tên tuổi Khánh Ly một cách tuyệt vời, thì hành động đứng lên để tán thưởng người nghệ sĩ chỉ có được ở những người ngồi ở hàng ghế đầu. Nó khác hẳn lần tôi xem cô trong chương trình Vết Lăn Trầm của Thắng Đào. Tôi không quên cái không khí cả rạp hát đứng dậy để vỗ tay khi chương trình kết thúc, cho những gì họ được chứng kiến, được thưởng thức, tuyệt vời.

Nhớ câu anh Nguyễn Tri Phương Đông viết trên một tấm hình tôi post trên Facebook : “hiếm người được xin chữ ký khi bàn tay nổi xương và trán ròng ròng mồ hôi thế này…” tôi cứ thầm tiếc, giá như ban tổ chức hãy cứ bán vé, bằng vé cái DVD, rồi trao cái DVD free ngay khi người ta ra về, thì người xem sẽ đến trong một tâm tình khác, có ý thức và trách nhiệm hơn với việc mình làm.

Như vậy, chương trình Khánh Ly 50 năm sẽ đọng lại nhiều hơn, trong lòng nhiều người thật sự muốn xem.