Bao nhiêu thì đủ?

1.

Em 22 tuổi, làm nghề lái tàu đưa khách du lịch tham quan sông Hậu, chợ nổi Cái Răng.

Em làm việc 7 ngày một tuần, từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, tùy theo giờ khách nhậu xong thì về. Lương mỗi tháng em được 1 triệu 800 ngàn (gần $90), ngày nào nghỉ thì bị trừ 60 ngàn. Tháng nào có nhiều khách du lịch, chủ thưởng thêm cho em một trăm ngàn.

Lương lãnh bao nhiêu, em về đưa hết cho mẹ. Mỗi ngày đi làm, mẹ cho 50 ngàn tiền cữ ăn sáng và ăn trưa, tính luôn cả tiền cà phê và thuốc lá. Tối về ăn cơm nhà “nên không tốn.” Em nói vậy, tui nghĩ bụng “cơm gạo buổi tối không mua bằng tiền chắc?”

Em không có bạn gái, vì “nếu đi chơi với bạn gái, trong túi phải có ít nhất một trăm ngàn đổ lên, em không có đủ số tiền đó nên thôi.” – “Không có bạn gái thì làm sao cưới vợ?” – Em cười hiền lành, “Đó là chuyện ba mẹ tính. Kêu em cưới ai thì em cưới người đó. Không cãi.”

‘Em có dự định đổi công việc để có thêm nhiều tiền không?” – “Dạ không. Em thích công việc này. Em thích lái tàu đi đây đó. Lái tàu không bị bụi bặm, không kẹt xe. Tối em cũng xuống tàu nằm ngủ, vừa yên tĩnh vừa mát mẻ.”

“Lúc lái tàu, nhìn lên đường lớn, thấy người ta chạy xe, đi chơi, em có thấy thích không?” – “Lúc nào thích lắm thì em báo trước với chủ một tuần để xin nghỉ một ngày, rồi mượn xe honda của cậu Út lái đi chơi. Chạy xe chỉ được mỗi cái là nhanh hơn lái tàu, nhưng đông đúc quá.”

Trên hành trình ra chợ nổi có lúc máy tàu đứng khựng, em nói ngay, “bịch nilong cuốn vào chân vịt.” – “Rồi làm sao?’ – “Để em gỡ nó ra.”

Em rời tay lái, đi về cuối tàu, cởi áo, thò nguyên cái đầu và nửa người xuống lòng máy. Dĩ nhiên lúc ngóc lên là một cái đầu và nửa người ướt sũng. Em lắc lắc mái tóc cho khô và nhanh nhanh mặc áo vào. Tiếp tục ngồi vào tay lái. Không một lời phàn nàn. Chỉ cười.

Tôi nhìn em, thầm nghĩ, “bao giờ thì tôi mới học được cách không hề buông một lời than vãn và biết bằng lòng với cuộc sống như em nhỉ?”

Em quay sang nhìn tôi, mỉm cười, trong vắt, bình an.

2.

Em tốt nghiệp khoa Giáo dục công dân, ra trường đi làm cô giáo dạy môn Giáo dục công dân tại một trường trung học ở quận 5.

Vì là trường lớn ở nội thành nên em cũng được hưởng lây thêm khoảng phúc lợi của trường là 700 ngàn một tháng. Cộng cùng lương, mỗi tháng em cũng được ngót nghét 2 triệu rưỡi (khoảng $125)

Em lấy chồng. Em sinh con. Chồng em kiếm tiền cũng không khá hơn gì em.

Không có cơ hội kiếm chục triệu từ chuyện dạy thêm như thầy cô Anh, Toán, Lý, Hóa, hay Văn, em cũng mất luôn cơ hội được dạy tăng tiết cho những môn thi tốt nghiệp như Sinh, Sử, Địa, cũng không vớt vát được những lúc được chia thêm tiền trông coi sân bãi như thầy cô Thể Dục, em chỉ còn thấy mình may mắn khi kiếm thêm được một chân dò bài buổi tối cho học sinh tại một trường dân lập, 2 tối một tuần.

Người ta trả công cho em 50 ngàn cho mỗi buổi dò bài 2 tiếng. Nhưng em phải mất tổng cộng cả 4 tiếng cho cả việc chuẩn bị đi và về cho để có 50 ngàn đó.

Có tối em vừa dắt xe vào nhà, chồng em bế con ra đón. Con trông thấy mẹ đòi được mẹ ẵm ngay.

Chồng em vỗ về, “Để mẹ nghỉ chút con, mẹ mệt cả buổi tối để có được 50 ngàn đó con à!”

Em thèm thuồng ao ước mua được đôi giày giá 160 ngàn, mua được cái giỏ xách đi dạy hơn 200 ngàn.

Tôi thoáng nhìn đôi giày Valentino và chiếc giỏ LV của một cô giáo cùng trường với em, thầm nghĩ, “Đã có bao giờ tôi ước ao…”

3.

Đứng trước ngôi nhà đúng như địa chỉ đã cho nhưng ai cũng thoáng khựng lại không dám bấm chuông ngay, bởi “đây là nhà hay công ty, nếu là nhà thì sao mà nó to quá!”

Trong ngôi nhà đó, chị chỉ ở đúng ba vị trí: phòng chị ngủ, bàn vi tính chị ngồi, và thỉnh thoảng là chiếc xích đu ngoài sân.

Chị có thứ mà mọi người mơ ước: sự giàu sang. Mà thói đời, người có tiền thì có quyền. Mà quyền lực của đồng tiền thì vô biên.

Tiền chị kiếm ở VN mỗi tháng hơn mức lương của hai đứa nhà báo ở Mỹ như tôi cộng lại.

Chị giàu. Chồng chị còn giàu hơn gấp…, phải gấp bao nhiêu nhỉ, tôi không đoán được.

Anh luôn miệng nói, “tiền chứ có phải là vỏ hến” nhưng tôi nhìn tiền anh nhiều như vỏ hến thật.

Tôi đã thầm ước, “Phải chi tôi chỉ kiếm được bằng nửa tiền chị có hằng tháng. Phải chi anh là anh ruột tôi, để tôi có được cái nhà ‘house’ dù chỉ cần bằng 1/3 giá trị căn nhà anh đang có, dù rằng cái mà anh cho em ruột mình trị giá hơn 2/3 cái nhà như anh.”

Tôi nhìn chiếc nhẫn kim cương hơn 5 tháng tiền lương tôi cộng lại nằm trên tay chị, tôi nhìn những trang sức chị vẫn mân mê mỗi ngày, tôi không biết ước giá, trừ khi chị nói.

Tôi nhìn quanh căn nhà, nhìn chiếc xe hơi, nhìn những vật trang hoàng.

Rồi tôi hỏi chị, “Chị có thấy mình hạnh phúc?”

“Có, vài tháng. Cho đến lúc chị có bầu.”

Con chị giờ đã 13 tuổi.

Vẫn nơi chiếc ghế chỗ bàn máy tính, mắt vẫn nhìn vào một trò chơi “game,” chị nói tiếp, “Em có thấy lúc nào chị cũng cười không?” Tôi nhìn chị, không trả lời.

“Cười không có nghĩa là vui. Cười để ráng sống.” Chị vẫn nói, không cần nhìn tôi.

Dù là nói vậy, trước ngày ra đi, tôi đã thấy chị bật khóc khi được anh đẩy từ phòng ngủ ra ngồi vào chiếc ghế nơi bàn máy tính.

Tôi vòng tay ôm vai chị. Chị càng khóc nấc. Nhưng chị cũng trấn tỉnh lại rất nhanh.

Chị có một ước ao: chị sẽ lại đi được trên đôi chân của mình, chứ không phải chỉ ngồi 3 chỗ như hiện nay.

Tôi thầm nghĩ, “Cuộc đời, như thế nào là đủ, cho mọi ước mơ?”