Nghe và cảm

Nghe “Có một dòng sông đã qua đời” và “Mưa hồng”

Nghe “Mưa Hồng” thì không nên nghe Khánh Ly! Nghe Ngọc Lan hay hơn. Bởi giọng Ngọc Lan cao và trong, thích hợp với tình cảm “Mưa Hồng”.

Cũng là một tình yêu không trọn vẹn, cũng là những khắc khoải của lứa đôi, nhưng “Mưa Hồng” chứa đựng cả một mênh mông yêu thương.

Cho dù nghe có cái mỏi mệt của “vòng tay đã xanh xao,” cái không bờ không bến của “hồn muôn trùng,” hay cái mải miết của “gót chân mòn trên phiến du,” thì vẫn còn in dấu đâu đó những gì rất đáng yêu đáng nhớ của dáng “em nghiêng sầu,” của trời “mưa ướt áo,” hay cả hình ảnh em đã “khóc trong chiều mưa”… tất cả đều đẹp, đẹp và buồn lãng mạn.

Ðể nhận ra rằng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, để lại tiếp tục sống, tiếp tục yêu, nồng nàn, chất ngất…

Với “Có một dòng sông đã qua đời,” tôi không tìm được tiếng yêu trong trẻo đó. Một cái gì đó trầm hẳn lại, lặng vào trong. Vẫn là những ca từ làm da diết người nghe.

Mười năm trước, lòng người “như khăn mới thêu.” Mười năm sau, lòng người “như nắng qua đèo.”

Những ẩn dụ, những so sánh, tùy cách cảm nhận của mỗi người. Có người nghe ra cả một đằng đẵng những nỗi buồn chông chênh. Có người nghe như vô cảm, đâu cần phải chất chứa đến ngần ấy thời gian…

Mười năm chỉ là một ước lệ để hình dung về một đoạn đường không ngắn trong hành trình ta phải đi.

Mười năm vẫn giữ được một tình cảm như “sóng lao xao bờ tôi” khi bất chợt qua phố “thấy người

Mười năm gặp lại “không nói không nụ cười” nhưng vẫn thấy “chút tình hiu hắt bay

Và lại mười năm để thấy “gặp nhau ôi cũng như mọi người”… thì liệu có là đáng không…

Nhiều cái mười năm quá để nhận ra thực sự “có một dòng sông đã qua đời”…

Có mấy ai trong đời có được nhiều cái mười năm như thế? Tôi không biết…

Chỉ biết là mỗi lần nghe Khánh Ly hát: “có lần bàn chân qua phố thấy người sóng lao xao bờ tôi” là tôi thấy… gai người!

Ừ, thơ và nhạc – khó nói lắm! Tùy mỗi người, mỗi thời điểm, mỗi không gian…