Chuyện không tửng

1.

Bài viết này tui viết cho báo Xuân. Nay đăng lại trên báo ngày và NVO để trước hết là những nhân vật chính trong đó có thể dễ dàng đọc được. Kế nữa là để mọi người có thể hiểu thêm những câu chuyện của một thời.

Những người con H.O: Sức bật của một thế hệ

2.

Suy nghĩ liên quan đến tấm hình này:

Giải khát phục vụ đại biểu và thư ký đoàn

(không phục vụ báo chí , cảnh vệ)

 Đây là tấm hình được bạn Đoan Trang, một nhà báo khá nổi tiếng ở Việt Nam chụp khi đi “tác nghiệp” phỏng vấn các đại biểu quốc hội ở VN. Bạn Trang post lên Facebook kèm theo dòng bình luận:

“Làm người lớn thật khổ. Bây giờ mà mình mới trong khoảng từ 12-19 tuổi, cam đoan là bên cạnh tấm biển này sẽ xuất hiện một mảnh giấy, trong đó mình viết hai từ thôi: ĐÉO CẦN.”

Không chỉ bình luận ngay trên trang FB của Đoan Trang, mà còn rất nhiều người đã share hình này về trang nhà của mình để “rủa xả.” Nào là “Mịa, đã thấy qua nhiều bàn phục vụ giải lao… bàn với tấm biển mất dạy như thế thì chỉ mới thấy lần đầu!”, nào là “Thế mà cứ hô hào ra biển lớn. Mình thì không nói đéo cần nữa mà vào gọi thằng tổ chức ra mà phang cho nó một trận”, nhẹ nhàng hơn thì “Biết là nước mình còn nghèo, những ko nghĩ đến nỗi nghèo hèn như vậy :))”, hay “Giai cấp bỏ mẹ”….

Trong số hàng mấy mươi lời mắng mỏ, chỉ có một người xem chuyện này là bình thường, “Cái này là bình thường và rõ ràng, rành mạch, mình chả thấy có vấn đề gì…”

Theo nhà báo Đoan Trang thì lý do ban tiếp tân ghi tấm bảng “ngu lắm” kia là vìRất có thể đây là một cách để hạn chế báo chí tác nghiệp – không có lý gì các ĐBQH đang ăn bánh uống trà mà báo chí cứ xán vào phỏng vấn.”

Sếp Hạo Nhiên của tui nhảy vô hỏi,Bây giờ tớ lại có théc méc mới: Tại sao họ đang ăn bánh uống trà lại không xán vào phỏng vấn được?”

Đoan Trang trả lời:Dạ nó là vấn đề… em cũng chả biết gọi là vấn đề gì, nhưng ít nhất nó cũng tăng cảm giác ngại ngùng và mặc cảm hèn kém ở phóng viên.”

Hơ hơ, đến đây thì rõ ràng liên quan đến chuyện nghề nhà báo.

Không biết sếp tui huấn luyện tui thế nào mà khi tui đọc tấm hình đó (chưa đọc những lời bình) tui cảm thấy bình thường lắm. Kiểu như đồ ăn này là của ai thì ghi tên người đó, người không phải tên đó thì đừng có ăn. Vậy thôi.

Thế nên, đọc đến những lời “chém gió” của mọi người, tui đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chuyện vậy có gì là to tát đâu? Nhưng đến câu “còm” của bạn Đoan Trang và câu hỏi của sếp tui thì tui mới thấy rõ ràng vấn đề ở đây là sự khác nhau rất nhiều trong cách hành xử, hay nói chính xác hơn là phương pháp làm việc, hay “tác nghiệp” của nhà báo này với những gì tui được sếp training.

Đã đi ra phỏng vấn, đi lấy tin, đi làm phóng sự thì không thể mang cái “cảm giác ngại ngùng và mặc cảm hèn kém” đó theo! Tui không thể về nói với sếp rằng vì các ĐBQH đang ăn bánh uống trà” nên tui không thể “cứ xán vào phỏng vấn” được! Trời ạ!

Tui nhớ cách đây mấy năm, một nhà báo trong tờ báo tui được cử đi lấy tin tại một buổi họp gì đó. Những người trong ban tổ chức lại không ưa gì tờ báo NV. Thế là trước khi cuộc họp bắt đầu, họ yêu cầu đại loại “nếu phóng viên báo NV có liêm sĩ thì hãy bước ra khỏi phòng, không được tham dự.” Thế là vì có liêm sĩ, nhà báo đó đứng ngay lên ra về.

Tui đoan chắc rằng, 10 người đọc đến đây thì phải hơn 9 người rưỡi đều chọn thái độ ra về ngay lập tức như vậy. Đó là điều bình thường trong cuộc sống.

Thế nhưng, đã vào nghề này, cách hành xử của một nhà báo đôi khi không giống như những lẽ thường tình như vậy.

“Trừ khi họ cho người đến mang mình ra khỏi phòng, còn không thì phóng viên phải ở lại để lấy tin.” Đó là lời của sếp tui.

Dĩ nhiên, chuyện phải trả giá như thế nào để mình có thể lấy được tin đó, mình có thể tường thuật lại trong bài viết. Nhưng điều quan trọng là phải có tin tức đến cho độc giả – đó mới là điều quan trọng.

Hôm nay, đọc tâm sự này của nhà báo nổi tiếng Đoan Trang, tui mới chợt nhận ra mình đã biết “lì” đến mức nào.

3.

Cách đây hơn ba tuần, sếp đưa cho tui một số điện thoại và nói, “Đây là số điện thoại di động của ông Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ công an. NL gọi về để hỏi về chuyện họ đưa một số sĩ quan công an qua Mỹ du học là như thế nào.”

Canh giờ làm việc, tui bấm số gọi, “Dạ, đây có phải là trung tướng Lê Quý Vương không ạ?” – “Có chuyện gì không?” – “Đây là NL phóng viên của báo NV ở California muốn hỏi trung tướng về kế hoạch đưa các sĩ quan công an VN sang Mỹ du học…” – “Ơ, không phải, không phải…” Tắt máy cái bụp.

Hơ. Gì kỳ vậy?

Gọi lại lần 2.

“Đây là NL phóng viên của báo NV ở California, tôi có thể nói chuyện ít phút với trung tướng không ạ?”- “ờ, có chuyện gì nói đi!” – “Chúng tôi thấy tin tức có nói về việc gần 40 sĩ quan công an được đưa sang Mỹ du học, ông có thể cho biết mục đích của việc này là gì không ạ?” – “Ơ, không biết đâu. không biết đâu nhé!” – “Dạ thế thì muốn biết thì phải hỏi ở đâu ạ?” “à, không biết, không biết…” Tắt cái bụp.

Trời, trung tướng gì kỳ vậy!

Trả lời được hay không được thì cũng đường hoàng trả lời cho ra vẻ tướng một chút chứ! Có đâu cả tên mình cũng không dám nhận!