“Mình muốn một đứa con”

Nó gọi cho tôi khi đang ngồi trong một quán cà phê cạnh trường Đại học Sư phạm.

“T nè Lan.” Nghe giọng nó, tui “á” lên ngay một tiếng, bất ngờ.

Có thể nói nó là đứa bạn lâu đời nhất của tôi, học chung với tôi từ năm lớp 4. Rồi cùng đi ra đi vô đụng mặt trong những ngôi trường cấp 2, cấp 3. Lên đại học, nó học bên Tổng Hợp, tôi bên SP, hai trường sát cạnh nhau, nhiều ngày tôi đạp xe đi học ngang Phú Lâm lại thấy nó, thế là vừa đạp xe song song tới trường, tôi vừa nghe nó tra tấn lỗ tai tôi bằng những câu chuyện yêu đương nhảm nhí của nó. Nó kể nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ mỗi câu, “Sao T cứ như con chim  bay hoài không có bãi đáp!” – Tôi đáp gọn bâng, “Tại bị khùng á!” Hahahaha, nó chả thèm giận mà phá lên cười ha hả, “chắc vậy quá!”

Nó không phải là bạn thân của tôi, nó chỉ là đứa bạn lâu đời và ở gần tôi nhất, bởi vì ngó đi ngó lại, khi tốt nghiệp đại học, nó lại xin về MĐC để dạy môn tin học. Tôi nói, “Tui với ông là oan gia.” Nó nhe răng bảo, ‘Bà làm như tui gặp bà hoài tui vui lắm vậy!'” Hehehe

Thường tôi nói chuyện với nó cứ toàn là “ông” với “tui”. Nó thì lịch sự hơn, hầu hết toàn là xưng tên. Nhưng khi nghe tôi ngọt ngào “T ơi nói nghe nè” là nó trừng mắt, “Có chuyện gì bà nói đại đi, đừng làm tui nổi da gà!” hahahaha.

Nó là một đứa giỏi, rất giỏi và thông minh, lại có máu hài hước. Thế nhưng lạ một điều là nó cứ “tán” ai là người đó né! Cho đến cuối cùng thì nó cũng thành hôn với một cô dạy cùng trường, nhỏ hơn nó vài tuổi.

Nó là đứa mê con nít. Nhìn cách nó đối với con tôi, đùa với con tôi, tôi biết điều đó. Nhưng cuộc đời luôn rất quái đản. Cái thằng mê con thì lại khó có con.

Thời gian tôi còn ở MĐC, tôi biết vợ nó 2 lần sanh, là 2 lần đứa nhỏ chết trước khi rời bụng mẹ.

Đến cách đây mấy tháng, một đứa bạn từ Úc, rất thân với nó, gọi điện thoại bảo “để mình kể chuyện T cho Lan nghe, để Lan nói chuyện với T.”

Đó là vợ nó có bầu. Đi khám thai và làm các xét nghiệm, bác sĩ bảo, “đứa bé bị bệnh ‘down’, đồng thời tim cũng có vấn đề…” Nói chung là một viễn ảnh không lấy gì làm tốt đẹp nếu như vẫn giữ bào thai để đứa bé được sanh ra. Mọi người khuyên nó hãy cân nhắc và suy nghĩ cho thật kỹ nên giữ hay nên bỏ. Khuyên nó hãy nhìn về tương lai sắp tới của vợ chồng nó, của đứa bé tật nguyền đó. Ai nói gì nói, “vẫn giữ bào thai” là quyết định của nó.

Tôi nghe kể, nhưng không hề gọi về.

Đến tối này nó gọi. Vài câu xã giao sau bao lâu không chuyện trò, tôi hỏi ngay, “Vợ con T thế nào?” – “Vợ T cũng bình thường. Thấy bả cũng không có gì.” – “Còn con T?” – “Có đâu mà hỏi!”

Rồi từ từ, nó kể, “Coi như vợ mình sanh 3 lần, lần nào con cũng chết lúc sanh ra. Bây giờ vẫn đang chờ có đứa khác.”

Tôi hít một hơi, “Có thật cần thiết phải có một đứa con không T?”

Nó im lặng một thoáng. “Lan có con sớm, nên có lẽ Lan không hiểu ở tuổi này khát khao có một đứa con là như thế nào đâu. Mình cũng vậy, vợ mình cũng vậy.”

Nó nói người Việt Nam chưa có thói quen xin con nuôi. “Đứa con phải do mình sinh ra, phải có dòng máu mình chảy trong nó thì mình mới cảm thấy thương được. Phải có một mối liên hệ, một sợi dây thắt chặt từ lúc nó còn trong bụng mẹ, thì mình mới có đủ tình yêu thương và sự kiên nhẫn để nuôi một đứa con bệnh tật.”

Nó sẵn sàng cho tình huống đó. Nó biết rằng cả nó lẫn người bạn đời của nó đều chứa trong người mầm mống của việc khó có con, hay có con dị tật. Nhưng nó bất chấp.

“Mình đang theo những hướng dẫn của bác sĩ để nâng cao khả năng có con, dù biết là chuyện có con với tụi mình rất khó. Nhưng mình muốn có một đứa con, Lan à.”