Ba và kỷ niệm

Tôi không là một đứa con gần cha lẫn gần mẹ trong gia đình. Nghĩa là, so với các anh chị em khác, tôi là đứa ít khi tâm sự với Ba Má những chuyện riêng tư của mình. Nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với Ba tôi hơn là với Má, nhiều hơn so với những chị em gái trong nhà.

Kỷ niệm đầu tiên tôi có về hình ảnh của Ba là ngày Má tôi từ Mỹ Tho hốt hoảng trở về, nói, “Ba bị  người ta bắt rồi!” Tôi nhớ ngày đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ chừng 7, 8 tuổi, tôi đứng tựa nơi một góc giường. Bật khóc. Khóc vì một nỗi sợ hãi. Khóc vì một điều gì trống hoác mở ra… Ba bị bắt vì tội “buôn lậu dầu dừa” để kiếm tiền nuôi đám con 7 đứa. Để rồi vài ngày sau, khi Ba trở về, tôi nhìn thấy Ba, tôi lại bật khóc. Tôi mừng.

Kỷ niệm về Ba tôi là những chiều Ba đậu xe trước trường Phạm Đình Hổ hay Võ Văn Tần chờ đón tôi tan những buổi theo học các lớp chuyên Văn. Những lúc có tiền, Ba ghé vào chợ Thái Phiên cho tôi ăn chè mè đen. Tôi biết trên đời này có cái món chè đen thui lui, nóng hôi hổi, thơm ngát mùi mè là từ những ngày đó.

Tôi nhớ một lần, đón tôi xong, Ba chở tôi đến chợ đồng hồ trên đường Hùng Vương để mua cho Má một chiếc đồng hồ mới.

Đút chiếc đồng hồ vào túi, trên đường về, Ba lại ghé cho tôi ăn chí mè phủ. Như một sự ăn mừng. Chén chè chưa nuốt trôi khỏi cổ, Ba chợt giật mình thảng thốt: cái đồng hồ đã rớt biến tự lúc nào.

Tôi nhớ hoài nét mặt thất thần của Ba tôi. Nhớ ánh mắt thảng thốt. Nhớ miệng Ba cứ kêu, “Mất rồi! Rớt mất tiêu rồi!” Nhớ hai tay Ba cứ lần tìm kiếm hết trong túi quần đến túi áo xem cái đồng hồ nơi đâu. Chiếc đồng hồ khi đấy không phải là gia tài, nhưng để mua được nó là điều không dễ dàng đối với Ba Má tôi ngày đó.

Tôi không còn ăn chè mè đen kể từ buổi ấy, cho đến hơn 10 năm sau, mang theo trong đầu gương mặt thẩn thờ của Ba tôi.

Kỷ niệm về Ba tôi là những chiều Ba chở tôi đến phòng khám ngoài giờ của bệnh viện Chợ Rẫy để chờ đợi khám căn bệnh viêm xoang mũi cho tôi. Tôi nhớ gương mặt đau khổ của Ba khi cầm lấy toa đi mua thuốc. Bệnh con thì phải chữa, không thể để nó ôm đầu than đau than nhức, nhưng đồng tiền kiếm ra được không dễ dàng cho việc mua lấy những thứ thuốc trụ sinh. Tận bây giờ, có những lúc cảm thấy đắn đo trong việc cân nhắc xem có đủ tiền mua cho con một món đồ gì nó thích hay không, tôi lại nhớ đến gương mặt Ba tôi khi đó. Quặn thắt.

Kỷ niệm về Ba tôi là những ngày Ba chở tôi đi đến Viện Tai Mũi Họng, rồi đến bệnh viện Nhi Đồng 1, rồi lại đến Chợ Rẫy để “chọc xoang”. Đến giờ này, tôi vẫn không quên được cảm giác đau đớn khi một chiếc kim thật lớn được đâm thẳng vào lỗ mũi, nghe “rốp” một tiếng như bánh tráng bị dẫm bể. Rồi người ta bơm vào đó một thứ thuốc hay nước gì đó, và từ bên lỗ mũi còn lại máu mủ gì cứ tuôn nhau chảy ra theo thứ nước đó, trong lúc hai tay tôi phải ôm lấy một cái thau nhỏ kê dưới cằm mình để hứng lấy. Ba nói những khi ấy, Ba cũng muốn rụng rời, đau buốt.

Kỷ niệm về Ba là ngày tôi đậu đại học, Ba chở tôi ra một tiệm nón trên đường Lê Lai mua cho tôi một chiếc nón rộng vành, kiểu nón nhìn đài các và đầy vẻ tiểu thư thời thượng lúc đó. Tôi đội nó đến trường từ lúc vành nón còn hồ cứng, đến lúc mắc mưa, lúc tôi giặt, vành nón mềm xuống như tàu lá, chiếc nơ phía sau cũng tuôn chỉ phải kết lại. Cho đến ngày tôi bỏ quên nó trong hộc bàn…

Kỷ niệm về Ba tôi là một ngày tôi đang ở đại học năm thứ 3. Ba đưa tôi 50 ngàn, “Má thích dầu thơm hiệu Salome, con coi ra chợ An Đông mua cho Má.”

Tôi mang 50 ngàn đồng ra chợ. Dầu thơm Coryse Salome Nuit D’Orient không có giá đó. Phải gấp 4 lần trở lên. Tôi trở về. Nhiều tiền hơn Ba không có. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bức bối về sự không đầy đủ. Tôi lớn lên, không biết bao lần tôi đi mua nước hoa, và cũng không ít lần, tôi nhớ sự thất vọng của Ba khi không mua được cho Má chai dầu thơm khi ấy. Một nỗi gì vừa thương yêu vừa xót xa cứ sâu xoáy trong tôi.

Kỷ niệm về Ba tôi là kỷ niệm ngày Ba từ Sở Ngoại Vụ trở về sau khi hoàn tất thủ tục cắt tên tôi ra khỏi danh sách đi xuất cảnh cùng gia đình năm 1993.

Thuyết phục điều gì, trách cứ điều gì, la mắng điều gì, Ba Má tôi đã nói hết những ngày trước rồi, nên ngày hôm đó lại là một ngày lặng lẽ đến nghẹt thở.

Tôi nhớ Ba tôi trở về, chỉ nói với mọi người một cách nhẹ nhàng, “Xong rồi. Bây giờ có thay đổi cũng không được.” Tôi nhớ tôi không dám nhìn thẳng vào Ba. Nhưng tôi nhớ câu Ba nói, “Xong rồi, con lo chuyện của con đi. Chuyến đi sắp tới của gia đình không có con.”

Kỷ niệm về Ba tôi là một ngày trước khi Ba đi Mỹ định cư, tôi về thăm nhà. Ba gọi tôi lên gác, đưa cho tôi một xấp giấy tờ, trong đó có thẻ IOM, có bản copy passport, có một số giấy tờ liên quan đến hồ sơ xuất cảnh của tôi, “Con giữ làm kỷ niệm.”

Rồi Ba đưa tôi một gói giấy nhỏ, “Trong này có một chỉ vàng, Ba cho con để dành. Ba không có gì khác để cho con.”

Tôi cầm tất cả. Nước mắt tôi chảy xuống. Ba xoa đầu tôi, “Hãy nhớ là lúc nào Ba cũng thương con hết.”

Chiếc nhẫn đó, tôi giữ nguyên trong gói giấy. Thỉnh thoảng tôi cầm lấy chiếc nhẫn tròn đưa lên nhìn, nhớ Ba tôi, rồi lại cất vào, theo nếp gấp cũ.

Chiếc nhẫn theo tôi sang đây. Vẫn nằm yên trong gói giấy trắng.

Lần nhà bị mất trộm đầu năm 2010, nguyên hộp nữ trang mất sạch. Tôi nói với bé Ti, “Mẹ chỉ tiếc chiếc nhẫn của ông ngoại. Định khi con lớn, mẹ cho con làm kỷ niệm.”

Vậy mà sáng nay, tôi lại kéo hộc tủ, định lấy cái gói giấy ấy ra. Nó vẫn nguyên vẹn trong đầu tôi, chiếc nhẫn vàng nằm trong gói giấy trắng cũ, gấp gọn lại.

****

Đến phiên tui chờ nghe chuyện của mọi người.

Kỷ niệm về Ba, không bao giờ là ít hết.