Có phải vì hèn?

Chuyện kể rằng:

Nàng còn trẻ, làm manager cho 1 trung tâm người già vừa mới mở.

Ngoại trừ vợ chồng ông bà chủ mỗi tuần xuất hiện 1 lần, và 2 y tá là người Bông, còn lại hầu hết là người Việt.

Mấy người già có mặt ở trung tâm càng đông thì lợi tức của ông bà chủ càng nhiều, bởi họ ăn tiền nhà nước trên những khoảng chi tiêu tính theo đầu người đó.

Tuy nhiên, người Việt lớn tuổi rất tình cảm, lại có bệnh “sợ” và cả nể. Tưởng mình được đến đó có người lo ăn lo uống là do ơn đức của nàng nên cứ hết lời ca tụng nàng và cứ dấm dụi thậm thụt gọi là lì xì cho nàng mỗi khi có dịp.

Những nhân viên dưới quyền thì lại thuộc loại luật lệ gì cũng chả biết, nên cho dù có khi đi ngang nàng vừa cười vừa le lưỡi, nàng phán cho “Người chứ có bộ là chó đâu mà le lưỡi” thì cũng giả vờ điếc chẳng nghe; Hay khi bị nàng mắng xa xả vì sao đi đón bệnh nhân trễ ít phút, mấy anh lái xe đáng tuổi anh hai nàng vừa mở miệng giải thích mấy câu, nàng xỉa ngay vào mặt, “Câm miệng” thì cũng câm như hến (dù sao đó có lầm bầm chửi sau lưng). Nàng yêu cầu nhân viên làm việc này, cùng lúc thêm dăm ba chuyện khác, nhân viên lên tiếng giải thích, nàng phán, “Đồ lười biếng. Cái thứ ở VN mới qua là như vậy.” Nhân viên nuốt nước mắt vào trong, kệ, ráng chịu đựng một thời gian rồi tìm việc khác.

Cứ vậy, nàng tưởng mình là vua một cõi, trên đầu dưới đất chẳng xem ai ra gì, tất cả đối với nàng đều là thứ hạ tiện.

Những nhân viên có trình độ đại học, làm cán sự xã hội chỉ dăm tháng đều bỏ ra đi. Chỉ những nhân viên lương 3 đồng 3 cọc cứ bám trụ ở lại, muối mặt chịu đựng, bởi sợ ra ngoài khó tìm việc làm.

 

Chuyện kể rằng:

Trong khi ở xứ mà mỗi dịp lễ tết, chủ nhân luôn là người đến tặng quà (nếu có) và cám ơn các nhân viên đã cùng họ làm việc trong năm qua, thì nàng lại bắt các nhân viên nghèo của mình đóng góp tiền để mua quà cho chủ. Không ai dám lên tiếng phản đối.

Ngày lễ tết theo tập tục, nhân viên phải chầu chực chờ đợi để khoanh tay vào chúc tết chủ theo sự mách nước của nàng để nhận lấy ít tiền lì xì. Có người thấy nhục nhưng vì tất cả đều như vậy, mình không làm, bị mất việc thì sao. Đành thôi.

Nhân viên cũng không biết luật gì qui định mà trong số phần ăn đặt cho các bệnh nhân (tiền nhà nước trả) thì nàng và chủ Bông được quyền ăn, được quyền mang thức ăn dư về nhà mỗi chiều, dư nữa thì đổ thùng rác, chứ nhân viên thì đừng hòng láng cháng thò miệng vào nhắm thử. Ngay cả khi nàng yêu cầu, giả sử hôm nay bệnh nhân ăn bún bò thì nhân viên có muốn mua bún bò ăn thì cũng hãy để qua ngày khác hẳn ăn, hôm nay ăn đỡ bánh cuốn đi, để nhìn cho dễ phân biệt, nếu không lại tưởng nhầm nhân viên ăn đồ của bệnh nhân. Không ai dám có ý kiến.

 

Chuyện kể rằng:

Nàng cứ như được úm trong cái giếng đó, ngó lên nhìn xuống xem trời như vung, muốn mắng muốn chửi ai tùy tiện, nhưng mở miệng thì cứ câu “đây là xứ tự do, đừng tưởng muốn làm gì thì làm”

Bất bình kiểu cách nàng, nhưng y tá người Bông cũng ráng níu kéo cái công việc nhàn nhã này, bởi dẫu sao nàng chửi mắng người Việt của nàng hơn là dám chửi mình. Đến 1 ngày, y tá Bông và nàng bất đồng ý kiến, nàng cầm nguyên quyển sổ ném vào mặt y tá Bông.  Y tá Bông nghỉ việc. Cũng chẳng nghe chuyện Bông thưa kiện nàng tội nhục mạ hay hành hung người khác.

Và nàng cứ hiên ngang làm vua một cõi.

Nhân viên nói với nhau, thôi, nàng đã dám vào đây khoe rằng đến chồng nàng nàng còn huấn luyện được là phải ngồi đái chứ không được đứng đái thì mình có là cái thá gì!

***

Nghe xong, mấy ai nghĩ đây là chuyện xảy ra ngay tại Mỹ nhỉ!