Gặp lại những nhân vật

 

Phía trước, từ trái: họa sĩ Tony Nguyễn, Em bé này bị bệnh Down nhưng nhảy múa rất hay mà tôi quên mất tên rồi.

Hàng sau, từ trái: nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, Lộc Trần, nhạc sĩ Hà Chương, Thành Lễ (người sáng lập Ngọc Trong Tim) và ca sĩ Thủy Tiên

Tối nay tôi đi xem buổi trình diễn “Ngọc Vẫn Quanh Ta” do nhóm Ngọc Trong Tim tổ chức.

Trong lúc đứng nhìn những nghệ sĩ “đặc biệt” chụp hình bên ngoài sân khấu cùng thân nhân, bạn bè và những người ái mộ, tôi bỗng nhận ra một điều thật thú vị: đa phần họ đều là những nhân vật tôi từng phỏng vấn viết bài, từ ngày tôi mới chập chững bước vào công việc viết lách này.

Nhưng phải nói rằng  nhìn họ đứng trên sân khấu biểu diễn, tôi mới cảm thấy xúc động, và thực sự thấy mình hạnh phúc khi được làm người viết những bài báo đó. Về họ. Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt, cậu bé “thiên tài” về âm nhạc Lộc Trần, họa sĩ Tony Nguyễn, nhạc sĩ Hà Chương và ca sĩ Thủy Tiên.

Bởi vì, họ giỏi quá và hay quá! Hay hơn rất nhiều những gì tôi có thể viết ra bằng con chữ trong các bài báo của mình.

Nhìn họ trên sân khấu mới thấy tài năng của họ, sự đam mê của họ, và cả khát vọng sống của họ.

***

Tôi nhớ người đầu tiên tôi viết là anh Nguyễn Đức Đạt.

Tôi biết đến anh một cách rất tình cờ: đó là buổi tối tôi được phân công đi viết tin về lễ phát giải Sóng Vàng do Little Saigon Radio tổ chức. Tôi nhớ tôi bật cười khi nhìn thấy anh chàng mang kính đen ôm đàn bước lên sân khấu và nói “Có thể cho đèn sáng lên một chút được không ạ?” Anh khiếm thị. Anh có thấy gì đâu mà đòi đèn cho sáng! Sau khi cười thì tôi gần như ngồi bất động nghe anh đàn và hát. Không thể tưởng tượng!

Tôi về tòa soạn, viết bản tin lễ trao giải Sóng Vàng, đồng thời kể cho mọi người nghe về anh chàng “mù” có tên Nguyễn Đức Đạt! Ra là ai cũng biết anh, chỉ có mình tôi không biết!

Cũng không sao. Tôi đề nghị tìm hiểu và viết bài về người nghệ sĩ này.

Bài viết đó có tên “Nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt: ‘Ly nước đầy một nửa’ (viết gần cuối tháng 10/2009)

Người kế tiếp là em Lộc Trần.

Đến tối nay tôi mới được nhìn thấy em ngoài đời. Có vẻ như chững chạc và đẹp trai hơn nhiều so với lúc tôi nói chuyện với em qua điện thoại, và xem em qua hình ảnh, qua youtube, và TV.

Tôi không hề biết em, cho đến lúc mẹ em từ Minnesota email cho tôi, kể câu chuyện của em. Và tôi bắt tay vào tìm hiều về số phận của một “thiên tài”.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến căn bệnh tự kỷ-autism (cũng có thể là duyên, để sau đó tôi thực hiện một loạt phóng sự liên quan đến trẻ em bị mắc chứng bệnh này), cũng là lần đầu tiên tôi lắng nghe một bà mẹ nói về nỗi lòng của một người mẹ ngỡ con mình là “thiên tài” chứ không hề nghĩ nó đang mang những chứng bệnh “chết người.”

Bài viết về em cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm báo của tôi: Khi con là một thiên tài (viết cuối tháng 11 năm 2009)

Người kế nữa là họa sĩ Tony Nguyễn.

Tôi gặp Tony trong buổi lễ trao giải vẽ tranh bìa báo Xuân 2010 do Hồn Việt TV và Little Saigon Radio tổ chức ngay tại trụ sở mới của đài (có vẻ như tôi có duyên với LSR nhỉ :p)

Mắt tôi dán chặt vào người thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn với đủ thứ dây nhợ quấn vòng quanh được đẩy lên sân khấu để nhận giải thưởng.

Tôi chạy theo hỏi nơi Tony Nguyễn đang sống: nursing home -GardenPark. Và tôi xin đến phỏng vấn.

Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh Tony đội chiếc nón trên đầu, nơi có gắn cái sensor và Tony lúc lắc nhẹ cái đầu của mình để mà điều khiển máy vi tính, edit phim cho tôi coi.

Nếu nhớ Nguyễn Đức Đạt là tôi nhớ câu “Ly nước đầy một nửa” thì câu nói tôi không thể quên khi gặp Tony là “Nothing is impossible.”

Bài viết “Tony Nguyễn: họa sĩ vẻ bằng miệng, dùng máy tính bằng đầu” tôi vừa mới đi lượm về để ở đây

Hai người còn lại là Hà Chương và Thủy Tiên, từ Việt Nam sang thì vừa mới viết đây thôi.

Bài “Anh còn nợ em” Hà Chương ôm đàn guitar hát với tiếng đệm violin của Luân Vũ  đã gây nhiều xúc động rồi, nhưng đến bài “Cõng mẹ đi chơi” Hà Chương ngồi hát và gảy đàn bầu thì tôi thấy mắt mình nhòe. Và đẹp nhất trong đêm có lẽ là hình ảnh của 2 người đàn ông lớn tuổi, chậm chậm đi lên, tay cầm bó hoa nhỏ, đứng tựa ngay sân khấu, chờ Hà Chương hát xong bài “Cõng Mẹ Đi Chơi” để tặng hoa Chương, trong khi Chương có nhìn thấy bất cứ điều gì đâu!

Nghe và nhìn Nguyễn Đức Đạt  cùng Hà Chương đàn và hát, tôi tự hỏi họ đang nhìn thấy gì trong thế giới không ánh sáng đó mà ở họ toát lên một chất lửa hừng hực đến như vậy? Và, tôi cứ ao ước giá mà mình cũng có được sức sống đó, nỗi đam mê đó, mãnh liệt.