Chuyện làm báo (2)

Hôm nay kể mọi người nghe vài chuyện vui buồn liên quan đến nghề làm báo.

1.

Tôi có trong tay 2 số điện thoại để confirm tin do sếp đưa cho.

Hai năm làm phóng viên, tim tôi vẫn đập mạnh mỗi khi bấm số gọi một ai đó, cho một thông tin quan trọng. Thường phải hít một hơi thật sâu và hồi hộp nghe tiếng nhấc máy từ phía bên kia. Chỉ cần có đúng người tôi cần gặp chịu nhấc phone là tui biết mình có thể có liền 50% hy vọng mình sẽ có được điều mình muốn.

Nhưng, như đã nói, vì đó là những số mình phải gọi cho những tin quan trọng, nên phía bên kia, họ cũng đã chuẩn bị một thái độ. Thường là phone sẽ reng nhưng không người bắt. Hoặc sẽ nhận ra ngay tín hiệu bên kia đã tắt máy.

Hôm nay cũng vậy. Hít một hơi, tôi gọi cho K.D. Message để lại cho biết K.D đang ở VN, sẽ trở lại Mỹ ngày 2 tháng 8, và KD cho địa chỉ email để liên lạc.

Tôi chuyển sang gọi người thứ hai, được giới thiệu là “anh trai của KD.” Tôi vẫn phải hít một hơi mạnh trước khi gọi.

Lần thứ 1, chuông reng không người bắt.

Lần thứ 2, sau vài hồi chuông, có tiếng “alo.” Hỏi để xác nhận lại có đúng là người tôi đang muốn gặp.

Xong, tôi giới thiệu tên và nơi làm việc theo đúng nguyên tắc.

“Có chuyện gì không ạ?” giọng bên kia rất chững chạc và bình tĩnh. Tôi nói tôi muốn xác nhận tin có phải tướng NCK đã qua đời.
“Alo, sao không nghe gì hết. Alo, Alo,… Sao không nghe gì hết. Có lẽ lát nữa gọi lại.” Và cứ vậy, tôi chỉ nghe những tiếng như thế từ phía bên kia.

Kinh nghiệm lập tức cho tôi biết: đó là một cách từ chối câu trả lời khéo léo.

Tôi gọi lần thứ 3. Tắt máy.

Lần thứ 4, 5, 6, vẫn tắt máy.

Rồi những lần tiếp theo, chuông reng nhưng không có người nhấc phone.

Công việc của người làm báo có những lúc oan nghiệt như vậy. Trong mối quan hệ bình thường, mình biết phải dừng lại ngay ở đâu, nhưng khi đã khoác trên mình cái mác của nhà báo, mình hành xử đôi lúc… có điều gì đi quá lẽ thông thường

2.

Anh dành nhiều giờ ngồi nói chuyện với tôi về những suy nghĩ, những trải nghiệm của cá nhân anh, những nhận xét, những lời khuyên của anh, một luật sư, về vấn đề tôi đang tìm hiểu. Nói như từ gan ruột của mình nói ra. Chia sẻ. Chân thành. Bởi, “A coi NL là bạn.”

Đến lượt mình, tôi cố gắng bằng cách nào đó chuyển tải hết những điều tôi cảm nhận được từ anh đến với độc giả, sao cho họ cũng có được cảm xúc như tôi đã có khi ngồi trò chuyện cùng anh.

Bài báo hoàn tất. Tôi thấy vui vì nghĩ mình đã làm được điều mình muốn.

Thế nhưng chưa kịp hí hửng khoe những phản hồi tích cực từ độc giả cho anh nghe, thì tôi nhận được email của anh. Như một chén nước mắm hất thẳng vào mặt.

Anh giận dữ và thất vọng. Bởi những điều tôi cho là tâm đắc thì với anh lại mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại! “I don’t need an explanation. I just want to let you know how I feel.” Anh kết thúc thư.

Tôi cảm thấy đau, hơn bao giờ hết. Mới trước đó, anh giải thích, “I trust you, which is why I talk to you” thì bây giờ chính cái “Vietnamese của tôi khác Vietnamese của anh, nói ngược lại Americanize của anh cũng không giống Americanize của tôi” đã khiến cho lòng tin đó trở nên cay đắng.

Tôi trằn trọc một đêm, để viết một email trả lời, chỉ người ta hiểu cách mình viết, giải thích lối văn mình chọn.

Sáng ra, tôi nhận được thư trả lời, bằng tiếng Việt không dấu.

“NL, co the la A da phan ung manh qua. Minh xe phai xem mai mot phan ung cua nhung nguoi khac nhu the nao. Nghe loi NL viet thi A tin tuong loi noi cua NL, cung nhu lan dau minh noi chuyen. Co the loi nhin cua A la qua loi viet phong van cua My, va co the loi trinh bay nhu NL viet moi “toát lên được tố chất.” Xin NL dung buon vi nhung loi A da viet. Xin loi NL nhe.”

Đọc xong. Tôi cười một mình. Nhẹ nhõm

Nhưng rồi ngay sau đó, tôi nghe ra một cái gì đó buồn lắm. Bởi, tôi tự hiểu. Mọi thứ đã không thể nào còn nguyên vẹn như nó đã từng…

3.

Một bài phóng sự lên khuôn, lên mặt báo, không đơn giản một chút nào.