Của hồi môn

Là quà tặng của cha mẹ cho con gái lúc theo chồng.

Của hồi môn của tôi ngày cưới là một tờ giấy bạc $100. Chỉ có vậy. Nhưng tôi đã tặng món tiền đó cho hai đứa em gái mình, trước ngày tụi nó đi xuất ngoại cùng ba má, 3 tháng sau khi tôi đi lấy chồng.

Thành ra, cái tôi mang về nhà chồng, và tôi xem là của hồi môn, lại chính là con dao bào tay trái của má tôi.

Tôi không biết con dao bào đó đã có mặt trong nhà tôi từ lúc nào. Chỉ biết khi tôi lớn lên, biết cầm đến con dao để bào vỏ củ này củ kia thì tôi đã thấy nó.

Tôi giống Má tôi, là người thuận tay trái nhưng viết bằng tay phải. Hầu hết đồ dùng của người thuận tay phải, tôi đều dùng được, ngoại trừ cái dao bào.

Tôi nhớ có một lần tôi cầm dao bào tay phải và bào ngược, bắt buộc phải như vậy, thế là nó bào luôn của tôi một miếng da. Tôi sợ kiểu bào ngược từ đó.

Thế nên khi đi lấy chồng, trong số đồ dùng má tôi cho mang theo, tôi chọn ngay cái dao bào tay trái, như hành trang không thể thiếu.

Trải qua bao nhiêu lần dọn nhà, từ nhà chồng ra nhà riêng. Từ nhà cũ sang nhà mới. Từ Việt Nam sang tới Mỹ. Từ nhà thuê sang nhà mua. Bao nhiêu thứ tôi phải vứt đi, riêng cái dao bào tay trái cũ kỹ vẫn theo tôi, khiêm nhường, lặng lẽ. Để tôi không phải lúng túng. Không phải ngập ngừng. Không phải khó khăn mỗi khi bước vào bếp. Nó quen thuộc đến đỗi nó như là một lẽ tất yếu phải có trong cuộc sống của tôi. Dù nó cũ đến không thể cũ hơn, vẫn chưa một lần tôi nghĩ đến chuyện thay nó, như tôi từng thay biết bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, dao thớt, muỗng nĩa trong nhà… Cũng chưa một lần tôi nghĩ, đến một lúc nào đó cái dao bào tay trái không còn dùng được nữa, thì tôi phải làm sao.

***

Lần gần nhất tôi cầm đến cái dao bào tay trái là hôm thứ Tư rồi. Cũng là ngày Má tôi về Việt Nam thăm dì tôi sắp mất.

Cái cán dao bằng gỗ mòn đến mức muốn bóng lên. Và lưỡi dao nó cùn, đôi chỗ mẻ như nhiều thêm, theo năm tháng. Tôi phải cầm cán dao gõ gõ xuống đất cho lưỡi dao dính chặt vào cán, trước khi dùng.

Tự dưng tôi nhớ Má. Nỗi nhớ khiến tôi cay mắt.

Không hiểu lý do gì, từ ngày một đứa bạn tôi cứ hay post cái này cái kia, mà nó gọi là kỷ vật của má nó lên blog, sau khi má nó qua đời, tôi cứ hay thẫn thờ mỗi lúc cầm đến cái dao bào tay trái này.

Không phải nó là món đồ duy nhất Má cho tôi. Tôi nhớ lúc Má mới sang Mỹ, cuộc sống còn khó khăn, Má dành dụm mua gửi về cho những đứa còn ở Việt Nam mỗi đứa một sợi dây chuyền có mặt trái tim với hạt kim cuơng bé xíu xiu, như tình thương Má muốn dành cho những đứa con không được ở gần Má.

Tôi thích sợi dây chuyền đó. Nhưng sao cái dao bào tay trái vẫn là hình ảnh của Má tôi. Tôi không hiểu tại sao lại là như vậy. Tôi nắm cán dao mòn bóng trong tay, nhìn lưỡi dao muốn cùn, muốn gỉ lên, mà vẫn bén ngọt, tự dưng tôi như thấy cuộc đời má tôi. Nhọc nhằn. Đắng cay. Đầy nỗi buồn. Và đau đáu những niềm thương. Của sự nhẫn nhịn, chịu đựng, cam khổ. Vì chồng, vì con.

Má tôi không có tuổi thơ đến trường.

Chỉ có những ngày đi lụm củi, đứng bên cửa lớp học trường làng, nghe ông cha dạy chữ, mà học lóm.

Má tôi không có tuổi hoa niên.

Chỉ có những ngày đi ở cho người quen để lấy tiền mua thuốc cho mạ.

Má tôi không có tuổi mộng mơ.

Chỉ có tiếng chì tiếng bấc của chủ, của những đêm khóc vì nhớ nhà, nhớ mạ.

Và Má lấy chồng, khi ngoại mất, bắt đầu cuộc đời làm mẹ ở tuổi 16 tuổi, trong cảnh nghèo không thể nghèo hơn.

Để từ ngày đó, cứ quay quắt trong những nỗi lo. Lo cho con còn nhỏ. Lo khi nó lớn lên. Con lấy chồng lấy vợ, học bằng người này người kia, Má vẫn không ngớt những niềm lo. Nỗi lo tự dưng của người mẹ. Đôi khi không cần thiết. Nhưng không thể cất đi được, không vứt đi được.

Má kể tôi nghe tuổi thơ Má. Tôi chỉ nghe, chưa một lần cất tiếng hỏi thêm. Bởi chẳng bao giờ đó là câu chuyện vui. Tôi cứ hay giấu nước mắt khi nghe. Tôi không thích cổ tôi cứ nghèn nghẹn.

Tôi gom những mẫu chuyện đó, cất riêng một góc trong tim mình.

Để lần đầu tiên tôi tự tìm về quê ngoại, đầu năm 2011, tôi lần theo ký ức Má kể, dù chẳng được bao nhiêu. Tôi tìm về An Cựu. Tôi đến chợ Đông Ba. Tôi tìm đường lên thăm mộ bà ngoại.

Tôi ngồi bẹt bên gánh bán hột vịt lộn, mua lấy có, để nhìn những mệ, những mạ người Huế ăn, để hình dung ngày xưa Má tôi dành dụm tiền đi ở để mua hột vịt lộn, mua thuốc lá Cẩm Lệ về cho mạ, cho mệ trong đêm được chủ cho về thăm nhà là như thế nào.

Tôi qua hàng bánh bột lọc. Tôi nhớ câu chuyện mỗi đêm bà ngoại thức làm bánh bán, thèm không dám ăn, vì ăn mất vốn. Tôi ngó những người xung quanh, như tìm một ký ức.

Tôi nhìn con đường lên núi, tôi cố hình dung hình ảnh Má và cậu đi kiếm củi ngày xưa…

***

Tôi không hiểu vì sao cứ nhìn cái dao bào tay trái cũ như không thể cũ hơn, là tôi lại nhớ Má.

Nhớ dáng đi Má bắt đầu khập khiểng nhiều bởi cái chân lệch khớp, di chứng của những ngày mới sinh phải còng lưng đi gánh nước mướn, gánh nước đá.

Nhớ tiếng Má sụt sùi, ánh mắt thẫn thờ, đau cho đứa này, buồn cho đứa kia, dù chẳng đứa con nào cầu mong Má như thế.

Nhưng, nỗi lo tự dưng của người mẹ. Đôi khi không cần thiết. Nhưng không thể cất đi được, vứt đi được.

Tôi ngắm cái dao bào tay trái. Nó cũ kỹ như không thể cũ hơn. Tôi không biết mình xoay sở thế nào, nếu một ngày tôi không còn nó…

*******************

Đến lượt mọi người kể 1 kỷ niệm về mẹ của mình đi.