Ngày đó, bạn ở đâu, làm gì, thấy gì

1.

Từ entry Kể Chuyện Tháng Tư của Thanh Nguyên Gác Xếp, từ bài hát “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” mà tôi cảm thấy mình bần thần sáng giờ.

Thanh hơn tôi 2 tuổi.  Ký ức Thanh có nhiều hình ảnh của những ngày tháng đó.

Tôi 3 tuổi vào thời điểm đó, nhưng trong tiềm thức tôi không mảy may có chút hình ảnh, âm thanh của thời khắc lịch sử này.

Tôi đi hỏi. Tôi ngồi nghe người ta kể. Tôi ngồi nghe người ta nhắc. Hình ảnh của những chuyến tàu di tản từ miền Trung vào Phú Quốc. Hình ảnh của dòng người di tản từ Buôn Mê Thuộc vào Sài Gòn. Hình ảnh của Sài Gòn phút giao thời chen giữa nụ cười và tiếng khóc.

Tôi ghi lại nơi đây.

2.

Tôi có 30 năm lớn lên cùng Sài Gòn, nhưng thực sự chưa bao giờ trong đầu tôi có suy nghĩ về hình ảnh của những ngày tháng Tư.

Cho đến lúc tôi đặt chân sang đây.

Bài đầu tiên tôi viết cảm tưởng của mình về ngày này trên Blog Yahoo 360 khi đó, được một người quen tình cờ đọc được và chọn đăng trên tờ Việt Tide. Và dường như đó là bài duy nhất tôi viết mang “màu sắc chính trị.” Bởi sau này, những gì diễn ra ở Bolsa đã phá vỡ trong tôi rất nhiều cảm xúc.

Post lại đây, để nhớ:

30 tháng 4, 2008

Tôi không phải là người thích nói chuyện chính trị. Nhưng thực sự tôi đang bị ám ảnh bởi lịch sử dân tộc mình. Vinh quang và chiến thắng. Đau thương và tủi hận. Đâu thực sự là trang sử cho Việt Nam mà tôi biết?

33 năm trước, tôi được dạy và được hiểu về ngày 30 tháng 4 năm 75 là Ngày Đại Thắng đã đi vào lịch sử chói ngời của dân tộc và lịch sử nhân loại. Đó là ngày đẹp nhất , ngày khắp non sông đất Việt rợp cờ hoa, muôn triệu trái tim cùng rung một nhịp với âm vang của một bài ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”. Thực sự tôi đã từng cảm nhận và hình dung ra một không khí hừng hực lửa tiến công của cả một đoàn quân mạnh như vũ bão, tiến về Sài Gòn “quét sạch giặc thù”…Tôi như thấy cả một bầu không khí rộn rịp cờ hoa, cảm xúc dâng tràn khi nghe các hành khúc “Sài Gòn quật khởi” hay “Tiến về Sài Gòn”.

Gần 3 năm sau này, kể từ ngày tôi định cư nơi đây, 30 tháng 4 với phần lớn người Việt lại là Ngày Quốc Hận. Vào những ngày này, tôi không thể tìm thấy những nụ cười và gương mặt rạng rỡ chiến thắng của người lính và người dân như tôi từng xem trên TV khi còn ở VN. Thay vào đó là nước mắt, là câu chuyện của những người thua trận… và tôi cũng bị cuốn hút vào những nỗi niềm đó.

Tôi đọc những bài viết, tôi nghe người trong cuộc kể về những ngày cuối cùng của tháng 4, 75 và tôi khóc…

Tôi đã bắt đầu biết đến những câu chuyện gọi là “Hành Trình Biển Đông”, những câu chuyện của các thuyền nhân – những người chấp nhận liều thân ngoài biển để tìm một đường sống mong manh. Đó những câu chuyện mà mắt tôi luôn nhòa nhoẹt sau khi đọc xong, nhưng vẫn phải cố đọc để hiểu thêm về dân tộc mình.

Các lính tuần tra phát hiện có những bao ni-lông xoáy tròn trên mặt nước. Họ chuẩn bị tăng tốc độ vọt đi tiếp, thì khám phá ra rằng, các bao nhựa này đã được thổi phồng, căng lên, để chở hai em bé sơ sinh, dĩ nhiên là chưa biết bơi. Người mẹ đang ra sức đẩy chúng. Người cha đã không may chết đuối trước đó.” (Report: Mekong River Crossing, 1978 )

Người mẹ của một em trai 14 tuổi kể lại, tàu của cô bị hải tặc từ một tàu cào của Thái Lan nhảy sang. “Tôi biết bọn chúng sẽ làm gì”, cô vừa kể vừa khóc nức nở “Tôi van xin chúng đừng làm gì trước mặt con trai tôi. Vì thế, chúng đưa tôi vào cabin tàu, rồi 7 tên cưỡng hiếp tôi trong đó.” ( Refugee : Malaysia, 1979 )

Anh Huỳnh Văn Trân, 34 tuổi, ngồi trên 1 băng ghế gỗ ở trại tị nạn Songkhla ở 1 bờ biển cực Nam của Thái Lan, thuật lại câu chuyện của mình lần thứ ba. Anh ra đi trên một chiếc tàu gồm 62 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ may mắn gặp thời tiết và gió thuận lợi, và không bị rắc rối gì với máy tàu. Vào ngày thứ 5 trên biển, một chiếc tàu mã lực lớn dài 15 mét đến cặp sát mạn tàu anh. Có 12 người đàn ông trên thuyền, tất cả đều trang bị vũ khí đầy đủ. Trước hết, chúng ra lệnh cho hai người trong số phụ nữ sang tàu chúng. Một trong hai người này là vợ anh Huỳnh Văn Trân. Cô này bị ghì chặt xuống, súng trường kê sát thái dương, và bị ra lệnh không được kêu la. Cô bị chúng cưỡng hiếp. Bọn hải tặc sau đó nhảy qua tàu tị nạn, cướp đi mọi thứ có giá trị, bắn một người đàn ông còn do dự khi chúng cướp. Sau đó chúng tăng tốc độ phóng đi với các món của cải chiếm được, nhưng thình lình quay ngoắt lạị. Vẫn giữ nguyên tốc độ tối đa, chúng nhắm thẳng vào tàu tị nạn và đâm mạnh. Chiếc tàu hải tặc đã lập đi lập lại hành động này trong khi nhóm người tị nạn đang hốt hoảng ngoi ngóp giữa biển khơi. Bọn cướp biển cố ý lái tàu cán qua vô số chiếc đầu đang nhấp nhô, có lẽ vì không muốn để sót lại nhân chứng nào. Khi vợ anh Trân còn đang chới với trên mặt nước, với đứa con trai mới lên 3 đang níu chặt cổ mẹ, cả hai đã bị tàu cán qua và chết đuối,.” (UNHCR: 1979 )

Bao nhiêu thuyền nhân đã chết ngoài biển khơi? Không ai biết chắc cả. Nhiều người nói với chúng tôi rằng có lẽ 5% các tàu rời VN đã bị mất tích, nhưng nhiều người lại cho là có đến 70% tàu không hề đến được bờ. (Delegates of ‘Society of Friends’: – Pulau Bidong, 1979 ” Georgina Ashworth – The boat people and the road people)

Đó chưa hẳn là những câu chuyện bi thiết nhất mà tôi đã đọc. Có những lúc tôi phải tắt radio vì không thể chịu đựng được… Khủng khiếp quá!

Rồi tôi lại bị ám ảnh bởi những gì tôi được biết về Tết Mậu Thân, về “Bài Ca Dành Cho Những Xác Người” của TCS:

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co

Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này, bên xác người già yếu có xác còn thơ ngây

Xác nào là em tôi dưới hố hầm này trong những vùng lửa cháy bên những vồng ngô khoai

Tôi miên man trong những cảm xúc rất khó tả. Những được mất của chiến tranh. Sự tan rã của lòng người.

Tôi từng được dạy người lính bộ đội khao khát như thế nào về 2 chữ thống nhất và tự do. Vì nó mà họ bất chấp tất cả để chiến đấu và hy sinh.

Giờ đây, tôi cũng hiểu người lính VNCH cũng sẵn sàng xả thân vì lí tưởng tự do mà họ tôn thờ.

Người lính thời nào, ở đâu cũng có cho mình 1 lí tưởng, vì lí tưởng đó mà họ bất chấp mạng sống.

Nhưng cuối cùng… vinh quang thuộc về ai?

Những người đầu tiên di tản khỏi SG vào những ngày cuối tháng 4 có là lính chăng?

Những công trạng khen thưởng khi ‘giải phóng’ được miền Nam có phải là cho người bộ đội?

30 tháng 4, cuối cùng là cái gì đây?

Tôi không có trong lòng sự thù hận của 1 thể chế chính trị nào. Tôi tin vào những nỗi đau, những mất mát mà cả 2 phía đều gánh nhận. Tôi trân trọng những kí ức, những hoài niệm về một thời đã qua của mỗi người lính ở cả 2 chiến tuyến. Họ là nạn nhân của lịch sử chiến tranh.

30 tháng 4, có những niềm vui vô hạn, nhưng cũng có những nỗi buồn vô biên…

Và tôi chợt nhận ra rằng phải chăng cuộc chiến chống ngoại bang dễ hơn nhiều và ít đau đớn hơn nhiều so với cuộc nội chiến của dân tộc tôi: 33 năm rồi, người Việt Nam tôi vẫn tự bắn vào nhau ở khắp nơi!

33 năm, người Việt Nam tôi vẫn còn thổn thức những nỗi đau…

3.

Trở lại với đầu đề, ngày đó, bạn ở đâu, làm gì, thấy gì?

Tôi đang ở Phú Quốc, 3 tuổi, và không biết mình đã làm gì và thấy gì. Trắng bóc. và Trống rỗng.

Còn bạn?