‘Quà Mỹ’

Quà Mỹ tức là quà từ Mỹ gửi về, từ xưa đến nay.

Khái niệm “quà Mỹ” hay “hàng Mỹ” tui nghe đầu tiên là đâu khoảng lúc tui học lớp 3, lớp 4 gì đó.

Lúc ấy trong xóm tui có chị Như, lớn hơn tui chừng 4, 5 tuổi. Chị có mái tóc dài, đen và dày lắm. Nhưng chuyện mái tóc dài không làm tui mê bằng những sợi buộc tóc chị cột trên đầu mà chị nói là cô/chú từ Mỹ gửi về.

Trời ạ, nó đẹp như xem thần thoại. Trong ký ức tuổi thơ tui hình như không gì đẹp lung linh hơn những sợi cột tóc đó. Những cục bi ở hai đầu sợi thun màu vàng, màu xanh, màu trắng… có các hình giác cắt, ngỡ như pha lê. Tui thích mượn những cái đồ cột tóc đó và mân mê trên tay, ngắm nghía  không biết chán. Tui nhớ chị Như nói sẽ suy nghĩ xem có nên cho tui 1 cái không, nhưng sao đó thì chị bảo mẹ chị không đồng ý. Không biết có phải giây phút bị hút vào vẻ đẹp của những chiếc cột tóc Mỹ nằm mãi trong tiềm thức hay không mà khi lớn lên, lúc có tiền, tui vẫn thích tìm mua những sợi buộc tóc…

Đến khi lớn hơn 1 chút, tui bắt đầu biết thêm chữ “lãnh hàng Mỹ” do anh trai tui gửi về.

Không có gì nhiều, bởi anh chỉ có 1 mình, phải tự làm, tự học, tự lo cho bản thân ở tuổi 17, 18, và gồng gánh thêm tâm tư ở nhà cần sự giúp đỡ. Nên quà anh gửi chỉ là những cây viết bic, những lọ thuốc bổ, hộp kẹo chewing gum,… Sau nữa là xà bông, là những ống son, là dầu xanh, là quần áo… nhưng hầu hết đều được mang ra chợ bán lấy tiền. Tuy nhiên, dù có được phần gì không cũng không quan trọng bằng cảm giác mở thùng quà Mỹ, lạ lùng lắm. Nó có một mùi thơm rất đặc biệt – mùi Mỹ. Không biết phải tả nó như thế nào, nhưng chỉ cần nói “mùi Mỹ” là nghe ra được liền.

Đến khi tui đã thật lớn, có gia đình, mỗi lần ba má tui từ Mỹ về thăm nhà, mang theo biết bao là quà cáp, để dành xài, không mang đi bán. Nhưng lúc nào cũng vậy, khi mở nắp những  thùng hàng này, tui vẫn ngửi thấy cái “mùi Mỹ” đó tỏa ra, thơm nồng.

Đến giờ tui vẫn hay hỏi, không biết đã có mấy người ngồi tính xem, những thùng hàng đó đến tay người thân nơi quê nhà, còn được bao nhiêu giá trị so với công, sức mà người bên này đã chắt chiu, gom góp, dành dụm gửi về.  Bởi có mấy ai biết giá trị thực của chiếc nồi cơm điện, của những thỏi son, của chai dầu thơm, của hộp thuốc bổ,… là bao nhiêu đâu, ở thời gạo châu củi quế. Chỉ biết những thùng quà Mỹ thời đó là cứu cánh cho những người ở Việt Nam. Chỉ biết thùng hàng đó gửi về, là để bán. Để lấy tiền. Không còn chocolate. Không còn chewing gum. Không còn chiếc quần jean. Không còn chiếc áo thun. Thơm ngát mùi Mỹ. Mà chỉ biết, những thùng gạo trong nhà được đầy thêm. Bữa ăn trong ngày có thêm thịt, có thêm cá. Nỗi lo của cha bớt đi một ít. Nỗi lo của mẹ nhẹ đi một phần. Trong một khoảng thời gian nhất định. Trước khi mòn mắt chờ thùng hàng tiếp theo.

Và cũng bởi hàng Mỹ, quà Mỹ là sự sống, mà sự sống ở VN khi đó là hàng cấm, bị ngăn cản, bị cướp đoạt, nên người ta phải tìm cách khoét cục xà bông để nhét tiền vào. Giở đáy nồi cơm điện để lót thêm ít tờ tiền xanh. Luồn vào lai chiếc áo thun cho người nhà dăm ba chục. Và không nói. Đến khi thư về, sau khi quà về, có những dòng như “thăm hỏi” có thấy gì trong đó? – Thấy gì đâu, cả thùng hàng đều được mang đi bán hết rồi. Thế là nghẹn đắng.

Không biết bao nhiêu còm sĩ, độc sĩ của blog này, từng đi gửi quà Mỹ, và nhận quà Mỹ, của một thời. Để giờ này ngồi nhớ lại, kể ra, cho những hồi ức khóc cười…