Tám tư (4)

Tám tư tức là tám tuần thứ 4.

Hôm nay để cho còm sĩ kể chuyện thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là nó” nha.

Giao hẹn trước, người nào vô còm cũng phải kể ít nhất 1 kỷ niệm hồi còn đi học nha. Kỷ niệm phải có mình tham gia hay chứng kiến nha. Không được vô lớp thì cũng có đứng ngoài cửa ngó vô. Hay không đứng ngoài cửa luôn thì học ở đâu mà biết đọc, hay biết gõ keyboard thì cũng là có đi học, và như vậy tức là cũng phải có chuyện để kể nghen.

Tui nghĩ ra chuyện này là bởi tối hôm qua tui đi dự “Vietnamese Culture Night” của La Quinta High School.

Với mọi người khác thì sao không biết, riêng với tui thì vậy nè: không có gì vui hơn khi đi coi học trò trình diễn văn nghệ hết á! Cho dù có những lúc nhạc vừa mở lên, cô học trò vừa uốn người làm một động tác múa thì âm thanh tắt cái phụm, cho dù thầy vừa giới thiệu tiết mục này thì lại phải đổi lại tiết mục khác vì “trục trặc kỹ thuật”, cho dù tiếng hát có lúc chẳng vút lên cao như ý người ta mong muốn,… thì nó vẫn cứ vui và dễ thương không chịu nổi.

Làm phóng viên đi cover những buổi như thế này thì chẳng bao giờ tui đi giày cao gót, mặc sơ-mi hay “sút siếc vét viết” gì hết. Cứ áo thun, quần jean, skechers, túi nhẹ choàn gchéo  qua vai, và máy chụp hình mà lê lết trong cái gym của những trường trung học. Mấy vị khách mời danh dự ngó thấy tui, chỉ mấy ghế còn dư dành cho khách, tui cười lắc đầu. Mấy phụ huynh khều chỉ ghế tui ngồi, tui cũng lắc đầu.

Ngồi thì làm sao mà chụp hình được. Nếu có chăng ngồi là ngồi bệt ngay dưới đất để dễ lết sang bên này, xẹt sang bên kia,  vừa chụp hình vừa nghe thiên hạ chung quang bình phẩm cái gì. Mà hơn nữa ngồi ghế nghiêm trang đó thì làm sao biết cái chuyện gì ở đằng sau sân khấu 😛 Thế nên thời gian 3 tiếng đồng hồ tui mỏi cái chưng vì đứng sau cánh gà nhiều hơn hết!

Đi coi học trò trung học diễn văn nghệ, tui mê từ cái không khí náo nhiệt, sự nhiệt tình trong sáng, vẻ hồn nhiên thánh thiện mà không có bất cứ một chương trình chuyên nghiệp nào có được.

Nhìn học trò làm khán giả cổ vũ cho bạn bè mình, nhìn học trò làm diễn viên cố gắng làm tròn tiết mục của mình, nhìn học trò làm người soát vé, nhìn học trò làm người phụ dọn dẹp, bày trí sân khấu,… trong vai trò nào, cũng thấy học trò cười, cũng thấy học trò vui – là tự dưng mình cũng vui, cũng phải cười theo, đến mỏi miệng.

Sẽ không có ở đâu mà có cảnh chào cờ mà trong lúc tay đặt trên ngực, nghe đứa bạn cầm micro đứng giữa phòng Gym hát muốn đứt hơi là tụi nó sẵn sàng bỏ tay xuống, vỗ tay rào rào, réo tay đứa bạn để cho nó có nghị lực hát tiếp!

Đứng sau sân khấu, thấy nhóm học trò-diễn viên này tụm lại, lắng nghe đứa trưởng nhóm nói: cố gắng lên, try your best, nhớ phải cười, ráng đừng quên động tác,… rồi châu đầu lại “cầu nguyện” xiết tay nhau mà không dám hét lên câu động viên chiến thắng vì sợ thầy cô la vì phía trước bạn khác đang trình diễn; hay nhìn nhóm học trò-diễn viên này khều nhau, tập lại vài động tác trước khi chạy ra sân khấu, cái tay mày nên thế này này, cái chân mày nên vầy nè; hay ngay cả nhìn đám học trò-diễn viên trong lúc chờ tiết mục của mình, cũng ngồi bệt dưới đất, chẳng nề hà áo váy, trang phục biểu diễn gì đâu, để hào hứng hò hét, vỗ tay cổ vũ cho bạn mình trên sân khấu,…. là cũng đủ thấy vui và xúc động lắm lắm luôn rồi!

Đến khi chương trình sắp sửa kết thúc, tui chợt nhận ra một điều hơi bất thường: nhiều đứa ôm nhau, và mắt đỏ hoe. Có cả những đứa con trai. Cả những đứa con gái. Cắn môi.  Đứng lặng. Đứa khác tới. Cung nấm tay, đấm nhau. Một cách chào. Rồi lại ôm nhau, quay đi, quẹt nước mắt.

Không thể nào hỏi ngay, Có chuyện gì vậy? Mất đồ? No way. Tiếc mục tập rồi biểu diễn không thành công nên buồn? Hay chương trình bị cắt vì dài quá? Cũng không. Chẳng dại gì nhè ngay một đứa đang buồn lâm li như vậy mà hỏi.

Ngó qua ngó lại, tui túm được 1 đứa bạn của con tui, khều nó hỏi nhỏ, “Chuyện gì vậy?” – Con bé nhìn tui, mắt cũng ươn ướt, “Tụi con tập chương trình chung với nhau cả 3 tháng nay, giờ hết buổi này là không còn cơ hội tập chung, họp mặt chung như vậy nữa, nên tụi con buồn!”

OMG, tui ôm đầu con bé, vỗ vỗ, mà nghe mắt mình cũng muốn cay theo nó.

Tui từng sống trong không khí này rồi, tui hiểu. Thì ra học trò ở Việt Nam hay ở Mỹ cũng là học trò, cũng cái tuổi 15, 16, 17, 18 đó. Lạ lùng lắm. Không là tụi nó, sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao một thằng bé lớp 10, trong lúc tui phỏng vấn 1 vài đứa bạn nó, nó cũng “cho con nói với”. Hỏi nó, “Con làm gì trong chương trình này?” – “Con phụ dọn dẹp và con cũng có nhảy múa nữa.”

Cái vai “phụ dọn dẹp” đó, người lớn không thể hãnh diện khoe như cậu học trò đó, trong ánh mắt rạng rỡ, đam mê.