Một góc Bolsa, một góc lòng

 Không chỉ người dân quanh khu Little Saigon mà cả những khách phương xa nếu đã một lần đến khu Phước Lộc Thọ, trái tim thủ đô của người Việt tị nạn, thì ắt hẳn cũng sẽ tìm đến một góc phố gần đó, nơi mọi người vẫn quen gọi là khu chợ ABC.

Với tôi, có lẽ không đâu trên một đất nước được xem là văn minh hiện đại nhất này lại có một góc phố đậm chất Việt Nam đến vậy.

Chất Việt Nam đó đầu tiên nằm ngay ở những tên hàng quán, bảng hiệu, món ăn. Nào bún Ban Mai, nào cơm tấm Thuận Kiều, nào tiệm bánh Vân, nào hớt tóc Phượng Mai, nào trái cây ngon Bà Tư, nào bánh cuốn Thanh Trì, nào phở 54… Nào nước mía, nào hột vịt lộn, nào bánh mì, nào chè, nào vịt quay…

Chất Việt Nam đó nằm ngay trong mớ rau muống cắt từ “mảnh ruộng” trên sân nhà, nhúm chanh nhúm ớt vừa hái sáng nay, vài cọng rau thơm, dăm bó hành lá, năm ba cân táo, ít trái thanh long… tất cả được bày trên tấm ni lông hay thậm chí ngay trên lối đi, mà mua mà bán. Mà hình như chuyện mua bán chỉ là cái cớ để vài bà bác, khi áo bà ba khi áo túi, lúc nón len khi nón lá, có dịp để mà ngồi ngắm nhìn người đi qua kẻ đi lại, nghe được thứ ngôn ngữ mà mình hiểu, để mà đốt nỗi cô đơn của người già xa quê.

Chất Việt Nam đó còn nằm ngay trong văn hóa mua bán và ứng xử của những người đặt chân đến đây. Những tiếng mời gọi, chèo kéo khách hàng, “Hôm nay có mít ngon nè em gái ơi!” “Mai rằm rồi có mua bông cúng không cô?” Những tiếng mặc cả, cò kè bớt một thêm hai, “Bán hay không, tôi đi đừng kêu lại đó nghen!” “Thôi, trả thêm 1 đồng đi, tui bán lấy vốn!” “Giá này bán như cho rồi còn muốn gì nữa người đẹp ơi!”… Những tiếng chửi nhau xéo xắt cả một vùng. Những hơn thua từng khoảng trống đặt thêm thau ớt, rổ rau. Những bước chân rầm rập hối hả thu thu dọn dọn khi thấy bóng xe police đỗ tới…

Chất Việt Nam đó còn nằm ngay trong những tiếng chửi thề, những ngụm khói thuốc phì phèo nhả ra. Những lúc sấn sổ chạy đến giành quyền “order” trước mà chẳng cần biết kẻ trước người sau. Những bãi nước bọt phun bừa, những tàn thuốc lá thảy đại xuống đường và dí mũi chân lên. Những mảnh giấy gói, những bao ni long, và những rác… vương trên khắp lối.

Có người một lần bước chân đến rồi ngao ngán không mong ngày quay lại.

Có người cứ ước ao và hy vọng “giá như mình được sống chốn này.”

Ðôi khi nhìn góc phố đậm chất Việt Nam đó thấy mà xấu hổ cho cái nhếch nhác, bề bộn, “thiếu văn hóa” của người Việt Nam.

Lắm lúc lại yêu đến lạ những nét mộc mạc, quê mùa còn rớt lại nơi đây.

Bởi đâu dễ gì kiếm được nơi có đủ sắc màu âm thanh cuộc sống, nơi pha trộn giữa thành thị và nông thôn, nơi vừa gợi cho mình cảm giác nhớ quê đến xốn xang lại vừa như mơn trớn vỗ về “quê mình là góc đây.”

Những ai còn có điều kiện, còn những vấn vương thì sẽ còn những chuyến quay về quê hương để mà thật sự sống trong quê. Với những ai hơn nửa đời người vẫn không tìm được một cơ hội, một lý do để quay về cố quốc, thì thôi dăm tháng đôi lần, đứng tựa một bức tường, một góc cột ở góc Bolsa này, nhìn những chuyến xe đò Hoàng sáng khởi hành, chiều về bến, tạp nhạm những âm thanh, những nói cười để còn chút gì gợi nhớ nơi xưa.

Vâng.

Trong một thoáng bộn bề những lo toan, những hối hả để bắt kịp nếp sống văn minh Hoa Kỳ, cảm thấy lòng mình xao động, chơi vơi khi nhìn thấy một góc quê, góc phố, góc chợ nhỏ của những ngày xa xưa thu về trong một khóm này thôi…

(Post lại một bài tản mạn viết trên blog năm 2009)