Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Tháng 6/2008

Thương tặng người đang đi tìm một kí ức

và những bạn bè từng hiện diện trong tuổi thơ tôi

***

Tôi đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh khi đang đi tìm một chỗ trú ẩn cho riêng mình…

Và cũng thật tình cờ, tôi nhận ra là tôi đang có chiếc vé đó trong tay: quyển nhật kí tôi viết từ đầu năm 1986, tức là cách nay đã hơn 22 năm rồi… và kết thúc vào một ngày gần cuối hè năm lớp 11, tháng 8 năm 89.

Ngày đó tôi chưa đầy 14 tuổi, lớn hơn thằng bé nhân vật chính và đám bạn của nó 6 tuổi…

Lật lại quyển nhật ký đã cũ lắm rồi, trong đó có cả những trang rơi ra phải lấy băng keo dán lại, với những nét chữ hình như cứ lớn dần theo năm tháng, và nhạt nhòa với thời gian, tôi chợt mỉm cười: khi đặt bút viết những ngô nghê của ngày tháng đó, tôi không hề nghĩ đến một ngày, như ngày hôm nay, nó lại mang đến cho tôi những xao xuyến, bất ngờ.

Nói đúng hơn nó mang đến cho tôi hình ảnh sống động của con bé-tôi trong suốt tuổi 14 đến 17 với những điều mà giờ đây tôi đang tự hỏi: ủa, mình đã từng là như vậy à?

Qua bao lần chuyển nhà, dọn nhà, những món đồ tôi giữ lại – như kỷ niệm – không nhiều. Vậy mà trong ít ỏi những vật tôi giữ, lại có quyển nhật ký này. Vàng úa. Cũ kỹ. Lờn chỉ. Và quăn góc.

Tờ đầu tiên bỏ trống.

Trang kế nữa ghi tên tôi, dán ảnh tôi – tấm ảnh đen trắng như ảnh chụp dán lên thẻ học sinh

Tờ thứ 2 bị cắt mất. Tại sao nhỉ?

Những trang tiếp theo là nét bút của 3 người bạn gái tôi chơi thân thiết thuở ấy. Họ viết về tôi.

Tự dưng tôi bật cười. Nhớ ra rồi, vì sao trang đầu tiên bị cắt mất. Đó là trang mà người bạn trai tôi “rung động” đầu tiên, viết về tôi.

Nhưng tại sao lại phải cắt đi nhỉ?

Với chiếc vé quay về tuổi thơ đó, tôi như sống lại cả một tuổi thơ rất hồn nhiên mà cũng rất tếu của mình.

Ðọc lại tuổi thơ tôi, tôi cứ cười một mình: “trời, không thể tưởng tượng được! Nó vừa dễ thương mà cũng vừa cải lương!”

Tôi viết về đủ thứ hết. Một đề tập làm văn. Một buổi lễ khai mạc hội thao toàn trường. Một trận cãi nhau với bạn bè. Một tâm trạng buồn thê lương của đứa lớp trưởng bị thầy cô quở trách. Một lời hứa “quyết tâm” phải làm cái gì đó. Một nhận xét về thầy, về cô. Một ước mơ. Một ngày sinh nhật. À, không, trong đó có tới 4 lần sinh nhật 14, 15, 16, 17. Một cái chết. Một cuộc chia tay. Một buổi họp nhau ăn uống… Nói chung là có hầm bà lằng thứ trong “cái lẩu nhật kí” của tuổi thơ tôi.

Với chiếc vé quay về tuổi thơ đó, tôi nhớ là mình đã từng có những người bạn thật đặc biệt, thật dễ thương.

Nó nhắc cho tôi nhớ tôi đã có những tình bạn đẹp đẽ như thế nào. Nó nhắc tôi nhớ vì sao mà tôi còn gắn bó được với họ cho đến tận ngày hôm nay, một phần tư thế kỷ.

Qua dòng nhật kí “Ngày 31/5/88: hôm nay nhận được tin Cẩm Hồng mất…” tôi thấy hiện lên rõ ràng gương mặt xinh xắn, giọng nói, nụ cười tinh nghịch của cô bạn cùng lớp 10 ngày nào, “Lan ơi! Tí nữa Hồng chở Lan về,” “Lan ơi, hồi sáng Hồng thấy Lan đi chợ nè…” Tôi nhớ ra rồi. Bạn đi vượt biên cùng anh trai mình và cả hai anh em đều chết khi chiếc tàu ra khơi và bị bắn. Tôi nhớ ngày hè năm đó, những đứa con gái 15, 16 tuổi chúng tôi, ngồi lại, sững sờ, khi một người đàn ông mang đến nhà N.H quyển nhật ký của Cẩm Hồng – mà trang đầu tiên được viết sẵn “Nếu ai nhặt được quyển sổ này, xin mang đến cho N.T.N.H, địa chỉ….” Người đàn ông vớt được quyển nhật ký ở Mỹ Tho. Ông tìm theo địa chỉ…

Tôi đọc trong đó có cả ngày mà hai đứa bạn trong nhóm tôi phải “chia tay lần đầu” (nói lần đầu vì sau này tốt nghiệp ÐH, hai đứa lại chia tay lần nữa), và tôi đã dỗ dành hai đứa ra sao. Tôi cũng bật cười khi nhớ lại, vì chuyện hai đứa bạn mà tôi “đối đầu” với cô chủ nhiệm, khiến cô phải giữ tôi lại nói chuyện một buổi trên sân trường sau giờ tan học vì thái độ “ngầu đời” tôi dành cho cô.

Cứ vậy, tôi đi tìm lại tôi và bạn bè tôi, của một thời thơ ấu.

Với chiếc vé quay về tuổi thơ đó, tôi nhớ lại rất rõ tôi đã từng “rung động”như thế nào về một người bạn trai cùng lớp. Và đương nhiên, người đó vẫn chiếm nhiều nhất những trang viết trong đó.

Lạ một điều, đọc hết quyển nhật ký vàng úa, tôi không tìm ra được dòng chữ nào tôi viết rằng tôi “nhớ” hay “thương” hay “yêu” bạn cả! Chỉ là tôi viết về bạn, tôi nhắc đến bạn, tôi nghĩ về bạn qua những công việc học tập, sinh hoạt, cắm trại, và những gì diễn ra xung quanh đời sống học trò của tôi, của bạn.

Tôi đọc và tôi thấy thì ra là tôi và bạn đã nói với nhau rất nhiều về những ước mơ, những suy nghĩ, cũng như tôi và bạn đã từng có nhiều kỷ niệm về những buổi cắm trại, những ngày dùi mài kinh sử trong các đội tuyển HSG, những hôm tôi và bạn đạp xe song song từ trường về nhà… Mà nếu không nhờ nó, chiếc vé tuổi thơ này, thì tôi chỉ nhớ được mỗi chuyện là tôi mến bạn! Còn sự mến đó hiện hình cụ thể như thế nào thì… hehe, chỉ nhớ 1 chút thôi.

Rồi hình như cũng như nhiều “mối tình học trò” khác, không còn chung trường chung lớp, tình cảm cũng nhạt dần. “Ngày CN 21/2/88: gửi trả lại S. những mảnh giấy chuyền tay trong giờ học.”  Tôi lại bật cười. Những mảnh giấy chuyền tay, những “thư tình học trò” ép trong vở, chỉ dăm ba câu, nói những điều rất ấm ớ “Làm bài tập toán xong chưa?” “Lát về, nhớ đưa quyển truyện lại cho L mượn”… Đại loại là vậy, mà tôi đã giữ chúng suốt từ năm học lớp 7, cho đến khi đó, cũng gần 5 năm. Và ký ức cũng nhắc tôi nhớ: à, tờ thứ 2 của quyển nhật ký quăn góc bị cắt ra cũng chỉ vì tôi muốn trả luôn cho bạn những gì bạn viết về tôi! Giờ thì lại thấy tiếc, bởi chẳng nhớ bạn đã viết gì trong đó.

Mà cũng sau đó vài năm, khi đã lớn thêm lên một tí, tôi nhận ra rằng, đừng bao giờ mang trả lại những kỷ niệm. Đừng bao giờ, bởi khoảnh khắc làm nên kỷ niệm đó, có thể, không bao giờ lặp lại trong đời.

Ðọc những dòng viết về bạn mà trước mắt tôi cả ngôi trường P.L, với dãy lớp mà tôi đã học, chỗ mà tôi và bạn đã ngồi, cả trái banh màu cam để chơi banh đũa mà bạn cho tôi… Tất cả cứ hiện lên thật rõ ràng, thật dễ thương.

Chiếc vé đi tuổi thơ, thực tình cờ mà tôi còn cất giữ, trong thoáng chốc, cho tôi quay về cả một thời thơ ấu.

Giờ đây, ở tuổi tròn ba con giáp này, tôi đã nghĩ khác rất nhiều so với tôi trong “cái lẩu nhật ký” ngày ấy.

Tôi cười tôi, cười những suy nghĩ ngây ngô, khờ dại của mình. Nhưng cũng có đôi chỗ, tôi lại chùng lòng: ồ, sao bây giờ mình lại không nghĩ được điều thánh thiện như thế!

“Chiếc vé đi tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này, để bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào… để tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ, để gội rửa đi những bụi bặm của thế giới người lớn… ’ ’

Và, để nhớ lại một thời vụng dại cứ thích thốt lên “buồn ơi là sầu!” mà chả biết thực sự sầu là gì, buồn là gì cả.