Khi “Bụi Đời” thấp thóang trong mỗi ngôi nhà

Cuối tuần rồi nói chuyện với Tùng Nguyễn, một nhân vật trong bài viết của tôi. Tùng Nguyễn là người tù chung thân duy nhất được thống đốc tiểu bang California ký lệnh ân xá trong năm 2011, sau 18 năm ở tù.

Rất nhiều điều đã thay đổi trong cuộc sống của Tùng kể từ sau khi Tùng ra tù, và nhất là sau khi bài báo đó được viết ra. 

Trong lần nói chuyện này, Tùng kể tôi nghe một vài câu chuyện mà nhiều độc giả đã tìm đến để chia sẻ, tâm sự với Tùng.

Nghe chuyện Tùng kể, tôi lại nhớ đến bài viết này, có lẽ vài người đã từng đọc trên blog tôi trước đây.

****

 Cảm giác chông chênh và hoang mang. Một điều gì đó thật đáng thương và cũng thật đáng sợ. Một hình ảnh nhập nhòe khó phân định giữa lằn ranh tốt và xấu, hay và dở. Nhưng vượt lên hết là một tâm trạng day dứt đến nặng nề về một thực trạng đang diễn ra ngấm ngầm trong mỗi gia đình người Việt trên mảnh đất tự do này. Ðó là những gì tôi có được sau khi xem phim “Dust of Life – Bụi Ðời” của đạo diễn Lê Văn Kiệt.
Bụi Đời” trong phim
“Bụi Đời” mở ra bằng thước phim tư liệu về hình ảnh của đoàn người lam lũ, đau thương lênh đênh trên những con tàu đi tìm tự do, chưa biết đâu là bến là bờ.
“Bụi Đời” kết thúc bằng cái chết của người thanh niên ngay trên mảnh đất được mệnh danh là thiên đường của tự do, khi trong lòng còn đầy những hoài nghi cho tương lai.
Bối cảnh diễn ra câu chuyện phim là một Sài Gòn nhỏ, nơi con đường Bolsa chạy dài qua, ở những năm đầu thập niên 90, khi mà người dân tị nạn Việt Nam đang chập chững bước đầu hình thành một cộng đồng mới.
Trên bức nền đó, “Bụi Ðời” đề cập đến thân phận những người trẻ lạc loài trong một xã hội còn quá nhiều xa lạ. Họ xung đột với nguồn gốc chính mình, cô đơn ngay trong gia đình mình và không ít trong số đó đã lún chìm trong guồng quay của băng đảng và tội ác.
 “Trong tiếng Việt, những đứa trẻ như chúng tôi được gọi là ‘bụi đời.’ Đời chúng tôi khác gì như bụi bậm, không ai thèm, không ai muốn, mặc gió có thể cuốn bay dạt bất cứ nơi nào. Chúng tôi là những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị quên lãng. Chúng tôi được sinh ra từ một thế giới chỉ thấy có nỗi buồn và sự khổ đau.” Như một lời tự sự, Johnny, nhân vật chính, bắt đầu kể cho người xem câu chuyện của mình.
Hai nhân vật chính của “Bụi Đời” là Johnny và Mai, đại diện cho hai hoàn cảnh gia đình hoàn toàn khác nhau. Nhịp sống mới, cách sống mới nơi đất lạ đã cuốn đi tất cả thời gian đáng ra bậc phụ huynh phải dành cho gia đình và con cái. Không người quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ đúng mực, những người trẻ như Johnny, như Mai dễ dàng sa chân vào những trò ngông dại và phải trả cho những nông nổi của mình bằng cái giá thật đắt.
Bụi đời thấp thoáng trong mỗi gia đình
Tôi không ở Little Saigon vào thời điểm của câu chuyện, tôi không hình dung ra “phố bụi Bolsa” từng như thế nào, con người Bolsa trong giai đoạn định hình ra sao, ngoại trừ những gì được gợi lên trong phim và qua những lời kể.
Có điều, tôi nhận ra diện mạo “bụi đời” của nhiều gia đình di dân mới thấp thoáng trong bộ phim này.
Tâm trạng hoang mang, lạc lõng, phải hứng chịu những ánh mắt kỳ thị khi đối diện với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ của Johnny là điều hầu hết mọi đứa trẻ di dân đến Mỹ đều gánh chịu trong thời gian đầu hòa nhập vào cuộc sống mới.
Đáng ra đây phải là giai đoạn những người như Johnny cần nhất sự quan tâm đặc biệt của gia đình, của những bậc làm cha mẹ, anh chị. Thế nhưng, điều khắt nghiệt ở chỗ người lớn cũng phải lao vào cuộc mưu sinh, lao đao với những bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, gồng gánh những khoảng lo cơm áo,… Những nhọc nhằn, vất vả đó, đôi lúc lại trút xuống cả cho những đứa con trong nhà. Vì thế những đứa trẻ tự mình xoay trở, tự mình tìm lối đi. Để có thể chống chọi lại với những kẻ thích gây hấn, kiếm chuyện thì việc gia nhập vào một băng nhóm để có người bảo vệ mình là sự lựa chọn cho những đứa trẻ như Johnny. Nhưng chân lỡ bước xuống bùn, rút lên liệu có dễ dàng chăng?
 Tôi nhớ cảnh người thầy giáo trong phim nói chuyện với đám học trò Việt Nam đã tham gia đánh ‘hội đồng’ một “thằng trắng” khi nó dám gây sự với Johnny, “Các em hãy biết trân trọng những kỳ vọng của cha mẹ mình. Các em có biết vì sao họ muốn mang các em sang đây không? Các em có hiểu điều đó không?”
Và thật bất ngờ khi câu trả lời của những đứa trẻ là cái lắc đầu!
Đúng. Có thể chúng chưa đủ tuổi để hiểu ý nghĩa của hai chữ “tự do” theo cách cha mẹ chúng hiểu.
Chúng khó chịu với cách nói ra rả về công ơn, sự hy sinh của cha mẹ dành cho chúng, như cách nói của mẹ Mai.
Chúng không hiểu những điều đó. Chúng khó chịu về điều đó. Chúng chỉ biết chúng có cách làm theo kiểu của mình, để tự bảo vệ mình không bị kẻ khác bắt nạt, trước khi người lớn kịp nhận ra để chở che cho chúng.
Những điều đó có phải là cá biệt với những gia đình di dân nơi đây?
Hình ảnh Mai tựa chú chim non bị nhốt trong lồng, không tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu từ bố mẹ, để rồi Mai phải tự tìm sự chia sẻ ở Johnny, người bạn từ thời thơ bé, về những cảm giác mới lạ của người thiếu nữ đang lớn, về những suy nghĩ cuộc sống bên ngoài.
Điều đó có phải cá biệt với mọi đứa trẻ trên xứ sở này?
Cảnh Mai tự mình cố gắng trút bỏ bào thai trong nhà vệ sinh, với tôi, là cảnh khủng khiếp nhất trong bộ phim. Nó đau đớn, nặng nề và khiếp hãi đến vô cùng so với những cảnh bắn giết khác. Tại sao Mai phải chịu đựng cảnh đó? Ai là người có lỗi trong chuyện này. Là Mai? Là Johnny? Hay mẹ Mai?
Ðó là kết quả của một sự chông chênh trên con đường định nghĩa cho 2 chữ “tự do,” là sự xung đột gay gắt của vấn đề thấu hiểu và cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Việc coi trọng sĩ diện hảo huyền, sợ điều tiếng với chòm xóm, thích áp đặt, thiếu sự chia sẻ cũng là điều dễ dàng tìm thấy trong mỗi gia đình Việt Nam. Tuổi trẻ không có tội, tình yêu không có lỗi. Tất cả chỉ là vấn đề của nhận thức. Yêu thương không chưa đủ, hơn hết phải có sự thấu hiểu và cảm thông. Khi ấy, chuyện của Mai sẽ không trở thành một thảm kịch.
Và những thông điệp mở ra
Như nhà phát hành phim Trần Dần có nói, “Cuốn phim này không thuộc về một cá nhân nào, nó thuộc về cả cộng đồng.” Vâng, “Bụi Đời” là vấn đề của cả cộng đồng di dân này, là sự xung đột của ý thức hệ Ðông-Tây, là sự tìm kiếm một cách hiểu về hai chữ “tự do” của hai thế hệ.
Tôi hỏi diễn viên Devon Duy Nguyễn, người đóng vai Johnny, những suy nghĩ của anh về nhân vật trong phim. Devon chia sẻ, “Tôi cảm thấy hoang mang về thân phận của họ, những nỗi sợ hãi, những sự xung đột, những điều không định hướng.”
Cho nên, kết thúc bộ phim, Johnny bị chính người bạn trong băng đảng của mình bắn chết khi tìm cách thoát ra vòng tội lỗi, “theo tôi là một kết thúc hay,” Devon nhận xét. “Bởi vì nhân vật đó đôi khi không biết mình sẽ phải nên làm gì, đôi lúc muốn từ bỏ, nhưng rồi lại quá trễ để có thể làm điều gì đó.”
“Giữa phim và đời có nhiều điều khác nhau không?” Tôi hỏi.
“Tôi không nghĩ có sự khác nhau. Tôi cũng lớn lên trong bối cảnh giống như những gì đã diễn ra trong phim. Có nhiều điều quái dị trong cuộc sống đang diễn ra. Như diễn viên Mai Khanh trong phim có nói, ‘Mỹ là xứ sở của tự do.’ Nhưng thực sự đôi lúc chúng ta không có quyền lựa chọn sự tự do cho mình. Bậc làm cha mẹ vẫn có thể tống cổ chúng ta ra khỏi nhà nếu chúng ta không như ý họ mong muốn.” Devon trả lời tôi như thế.
 Cô Kiều Chinh, một diễn viên kỳ cựu, nhận xét, “Lúc đầu người ta nói đây là một bộ phim gangters, nhưng tôi thấy đằng sau đó là một thông điệp bi thảm của xã hội. Trong phim có cả vấn đề về gia đình, vấn đề những người trẻ, vấn đề người ta đối xử với nhau… tất cả đều khiến cho mình phải suy nghĩ.”
Từ “Bụi Đời,” tôi chợt nhớ một câu chuyện có thật.
Một người mẹ trẻ tất bận, hối hả với công việc làm nail nuôi sống gia đình. Một tối trở về, chị phát hiện ra đứa con gái 13 tuổi của mình đã thu dọn hết quần áo bỏ nhà ra đi.
Con đi đâu, với ai, để làm gì, chị không hề biết?’
Tìm con ở đâu đây? Chị không hề biết.
Không một thông tin, không mối liên lạc.
Chị khóc, báo nhà trường, báo cảnh sát và chờ đợi.
Ðến một ngày, bất chợt chị nhận cú điện thoại với giọng thảng thốt của con gái từ đầu dây bên kia, “Mẹ ơi cứu con!” Chỉ vậy và im bặt.
Chị điếng người.
Năm năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, chị không dám dời nhà, vẫn mòn mỏi chờ con quay về. Con chị nếu còn sống, giờ đã 18.
Bi kịck, tôi cho đó là một bi kịch, sẽ không là thiểu số cho những gia đình Việt Nam nơi đây, nếu chúng ta không kịp nhìn lại.
 Hy vọng, từ bộ phim này, một tiếng chuông cảnh báo về sự quan tâm cần có nơi phụ huynh được gióng lên. Và ai đó sẽ không phải chùng lòng khi nhìn thấy hình ảnh một cậu bé, tuổi như Johnny, như Mai, mặt cúi gầm, lầm lũi, cô độc bước đi trong một buổi lễ ra trường middle school hay high school, khi mà quanh nó, bạn bè tay hoa, tay bong bóng, miệng cười rạng rỡ bên người thân.
Bụi hay không bụi có trong mỗi gia đình, chính từ cách chúng ta đã quan tâm đến ngôi nhà của mình ra sao.
Vâng, “Bụi đời” của Lê Văn Kiệt, có thể còn một cái gì đó “chưa tới ở khâu kỹ thuật,” hay chưa thỏa mãn sự đánh đấm bắn giết như thường thấy trong những bộ phim gangster kiểu Mỹ, nhưng thật sự là một bộ phim hay, có chiều sâu, bởi “đằng sau nó là một thông điệp bi thảm,” như diễn viên Kiều Chinh nhận xét.