Ói hay ‘train my heart’

(Đổi tựa một chút theo yêu cầu của ban kỹ thuật, vì tựa có 2 ký tự nó không chịu hiện lên trang bìa :p)

Đó là chữ tôi lặp đi lặp lại khá nhiều lần hồi tối qua, lúc chat với đứa bạn.

Lâu lắm lắm rồi, tôi mới chat. Dạo này có những lúc thỉnh thoảng log in vào Yahoo Messenger, ngồi nhìn vào màn hình đó, xem ai đang xuất hiện trên đó, và đoán xem ai cũng đang như tôi, ẩn hình.

Tình cờ rủi như ai đó “thấy” tôi, nhảy vào “say hi” thì tôi lại nhảy ra, hoặc chơi trò “tình vờ”.

Ngồi đó ngó một chút, nhìn một vài cái blast để đoán xem bạn bè, người quen vui buồn thế nào. Rồi log out. Vậy thôi.

Lười. Nói chung, lười xã giao, là một trong những tính xấu của tôi. Tôi có thể im lặng cả vài ngày mà không nói 1 tiếng nào cũng được.

Tối qua, định viết một entry mới, nhưng nghĩ sao lại vào YM, lần này đứa bạn trông thấy,” túm” liền, “Lâu lắm mới thấy online nhà bạn hiền.”

Dắt dây từ chuyện này qua chuyện khác, từ lúc chưa tới 10 giờ, đến khi nàng bảo, thôi, đi ngủ, ngó đồng hồ đã qua rạng ngày hôm sau.

Nàng kể chuyện nàng đi apply một job trong lúc theo học master về xã hội học.

“Định làm cho mấy người mental disable and cognitive disable đó Lan.”

Nhưng chỉ sau  10 phút vào apply, nàng chạy ra. Muốn ói. Nàng bảo, “Không biết làm sao mà làm social worker được.”

Hỏi tại sao. Nàng kể:

“Tụi nó mướn một cái nhà riêng cho 6 người mental disable and cognitive disable ở. Tụi nó không làm gì cho người ta hết, cũng không có interact gì, chỉ canh chừng thôi, thấy tội nghiệp quá. Bởi mình tưởng tượng ra khác. Họ cứ đi tới đi lui như trong bệnh viện tâm thần vậy đó, nhưng phía ngoài thì như vẻ là một family. Mấy người đó đâu có biết gì đâu! Đúng là lợi dụng người ta làm tiền đó Lan, 3-4k/tháng/người đó Lan.”

Nàng là họa sĩ. Lấy master về hội họa chưa đã. Nàng lại bon chen học tiếp cái master về ngành xã hội học. Dạo mới vào học, nàng than phải đọc sách nhiều quá. Mà đọc cái gì thấy cũng hay quá nên nàng mê! Xã hội Mỹ và thế giới tại sao lại như vậy, tất cả trong sách vở, nói hết rồi.

Nhưng tối qua thì nàng bảo, nàng đã bớt đọc sách rồi. Vì đọc nhiều chỉ thấy mình khùng thêm. Rồi lại thấy nản, thấy “quải”.

Và thấy mình muốn ói thêm.

Nàng mang cái khao khát của người họa sĩ và của người làm “social worker” đúng nghĩa để mong đi làm việc chữa trị tinh thần, chữa trị tâm hồn của người bệnh tâm thần. Nhưng thực tế nàng đối diện không như thế.

“Tụi nó” không cần những điều đó. Tụi nó chỉ cần nàng có mặt, không cần làm gì, chỉ ngó mấy người khùng, đừng để họ làm gì nguy hiểm và đừng để họ chết, thì nàng lãnh lương.

“Mình mang tiếng là social worker để giúp người ta nhưng chính là đang lợi dụng người ta để lấy tiền.” Nàng nghĩ vậy và nàng muốn ói.

Tôi nói nàng sẽ còn ói tiếp tục, nếu nàng vẫn là đứa đa cảm và suy nghĩ thánh thiện như thế.

Nàng kể chuyện về VN hôm trước Tết, cho một project mà nàng đeo đuổi vài năm nay. Project dành cho những họa sĩ khuyết tật. Nàng là người gốc Việt duy nhất và cũng là người duy nhất không khuyết tật có mặt trong nhóm này.

Về VN nàng cũng muốn ói.

Khi những đứa trẻ câm điếc trong trung tâm nuôi dạy người khuyết tật lẻn ra ngoài để nhờ những người trong nhóm nàng mua dùm chúng một số món đồ mà chúng làm, “để có thêm tiền, vì trong đó họ trả thấp quá, sống không được.”

“Nhìn 2 bà professors, 2 bà cô của mình, lẻn ra đứng mua dùm tụi nó một đống đồ, rồi nhìn những đứa trẻ câm điếc đó, mình muốn khóc.”

Nàng kể nhiều chuyện, rồi kết luận, “Từ Mỹ tới Việt Nam, nuôi người tàn tật là một cách làm tiền. Làm tiền rất vô liêm sĩ. Làm tiền mà được tiếng thơm, tiếng từ thiện. Không học social worker thì mình dek có biết vụ này. Nhục ghê!”

Tôi hỏi: bây giờ làm sao thì nàng không thấy nhục?

“Ai biết.” Nàng trả lời trụi lũi, như kiểu tôi cũng hay trả lời cho nàng, “I don’t know.”

“Người ta sao mình vậy. Mình muốn vô cái system của tụi nó thì mình phải nhắm mắt theo, rồi ai biết phải làm sao. Ở đâu cũng có abusive, thì mình abusive less or more thôi. Tham thì more, không tham thì less. Ai biết sau này như thế nào. Gone with the wind thôi Lan.”

Bởi vậy muốn sống ở đời làm người tốt không có dễ, đúng không? Tôi hỏi nàng, mà cũng hỏi mình.

Nàng cũng như tôi, chưa đến lúc thực sự thấy mình cần tiền. Nên cứ muốn ói. Nên cứ thấy nhục. Nên cứ muốn khóc.

Một lúc nào đó, khi niềm mơ ước về  cái Mercedes mãnh liệt hơn, khát vọng nhìn thấy cái hột xoàn lấp lánh trên tay mình mãnh liệt hơn, hay không cần những thứ xa xỉ đó, mà chỉ muốn có một cái studio lớn hơn để tung hoành cọ bút, để sắp đặt nghệ thuật

thì

Cần phải biết nuốt cái ói vào. Bớt cảm thấy tội nghiệp đi. Và đừng vừa viết bài vừa chùi nước mắt.

Nàng bảo “mình đang train my heart. Lan làm được thì chỉ mình cách làm đi.”

Ừ, để thử, Lan cũng chưa làm – chuyện tập cho trái tim mình – bớt nhạy cảm, bớt tào lao.