Viết trong ngày tình yêu: Em quyết định bỏ chồng!

Nghe tựa thấy “sốc hàng” ghê nơi!

À, mà phải nói ngay là tui viết chuyện người ta, không phải tui! Phải đính chính ngay lập tức không thôi “bồ cũ” tui đọc được mà mừng húm thì tội lắm!

Entry chỉ có tên là “Em quyết định bỏ chồng” thôi. Nhưng vì viết trong ngày này nên quýnh thêm cái khúc đầu nghe cho giật mình thiên hạ 🙂

Ngày Tình Yêu, tui vui từ sáng sớm, khi nhận được email, e-card, nhạc của độc giả gửi tới.

Vào đến tòa soạn, lại thấy thư, quà độc giả gửi nhân ngày Valentine. À, lại có thêm một trái táo, một trái quýt của sếp Đỗ Dzũng và Khôi Nguyên tặng nữa 😛

Xin cám ơn tất cả mọi người. Đối với những người làm công việc như tui, đó là niềm vui không gì đánh đổi.

Nhìn lại những điều mọi người viết trong bài “Làm gì trong ngày Valentine” thấy vui quá. Mỗi người mỗi ý, rất ngộ nghĩnh, rất dễ thương, và cũng rất mắc cười 🙂

Hôm nay, mấy ông trong tòa soạn cũng nhốn nha nhốn nháo, “Chết cha, hôm nay Valentine hả? Chưa làm gì hết, chưa mua gì hết!” Nghe nổi giận hông! Hình như chỉ có nhà tui là mần lễ sớm từ hôm qua nên không ồn ào ầm ĩ. Heheh, nói thì nói vậy, nhưng đến giờ này, gần 7 giờ tối, thì hình như ai cũng đã tìm ra cách nào đó để chữa cháy hết rồi. Hy vọng tối nay nhà nào cũng có Happy Valentine để sáng mai vô chỗ làm không thấy mặt ai bị sưng hết, hehehe

Nhưng mà hôm nay tui bận te tua, dù lúc trưa sếp Đỗ Dzũng đã nhờ người đỡ dùm tui một chuyện. Ngày nào mà trong giờ làm việc mọi người không thấy tui thỉnh thoảng lọ dọ lên còm tới còm lui, đía qua đía lại với mọi người thì biết là hôm đó tui xấc bấc xang bang với bài vở rồi đó.

Ngày Valentine, mà viết một bài buồn như con chuồn chuồn vậy nè. Mọi người vui xong rồi hẵng đọc nha.

***

Em quyết định bỏ chồng!

Thanh, Kiều, và tôi là ba người bạn cùng học chung nhiều lớp tại một trường college qua nhiều mùa nên đủ thân để kể cho nhau nghe nhiều vấn đề liên quan đến gia đình, công việc cuộc sống của những người định cư tại quê hương thứ hai này chưa bao lâu.

Trong khi Kiều và tôi là những người ít gì cũng có hơn 10 năm sống đời vợ chồng và người nào cũng có con cái để cưu mang chăm sóc ngay từ những ngày còn ở Việt Nam, thì Thanh nhỏ hơn tụi tôi gần 10 tuổi, lấy chồng là một Việt kiều, từng là bạn của Thanh thời trung học. Sang Mỹ, Thanh sống chung với gia đình chồng gồm cha mẹ, và 3 cô em chồng. Những xung đột, bất hòa của vợ chồng Thanh, cũng bắt đầu từ đó.

Thanh luôn kể về những chuyện Thanh cho là vô lý như tại sao khi ăn cơm xong, Thanh phải là người đi rửa dọn chứ không phải là các cô em chồng, cũng trạc bằng tuổi Thanh, trong khi Thanh cũng phải đi làm, đi học như mọi người, hay chuyện em chồng hỗn láo mắng Thanh, Thanh “chửi” lại thì bị chồng la. Để tránh những xung đột như vậy, Thanh chọn cách né hết mọi người trong gia đình chồng, về đến nhà là chỉ vô phòng riêng, đóng cửa. Điều này lại bị cha mẹ chồng Thanh phàn nàn là Thanh không biết quan tâm, ngó ngàng đến ai. Thanh muốn chồng phải dọn ra ở riêng, nhưng chồng Thanh lại không muốn điều đó. Hơn nữa, ngôi nhà đó là do chồng Thanh bỏ tiền, đứng tên mua,… Thanh loay hoay trong những chuyện như vậy, không tìm thấy lối ra, nên lúc nào cũng có vẻ như bực bội, hậm hực.

Hôm tối thứ ba tuần trước, trong lúc chờ cô giáo sửa bài viết cho từng đứa, tôi và Kiều “thuyết pháp” về vấn đề “tình yêu hôn nhân gia đình,” cách gìn giữ và duy trì các mối quan hệ trong gia đình mình và gia đình chồng cho Thanh nghe, khi hay tin Thanh có ý định sau khi kết thúc mùa học này nó sẽ trở về Việt Nam và ở lại luôn, chia tay hẳn với anh chồng kết hôn được hai năm rưỡi và chưa có con.

Nghe tôi và Kiều thay nhau chia sẻ kinh nghiệm làm vợ, làm dâu, làm mẹ, Thanh cứ nói, “Phải chi trước đây em nói chuyện với hai chị sớm hơn.”

Nghe Thanh nói thế, Kiều và tôi tiếp tục “ca” về “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” của những “vấn nạn” khi mới lấy chồng, làm dâu theo truyền thống của người Á Đông.

Kiều kể chuyện phải làm sao để chu toàn bổn phận dâu con, đôi khi mẹ ruột mình ốm mình còn chần chừ chưa đi thăm nhưng nghe tin mẹ chồng bệnh đã phải lo chạy đến viếng ngay; hay chuyện có thời gian chồng Kiều “có vẻ như có mèo,” về nhà “đá thúng đụng nia,” Kiều đã phải tìm cách nói chuyện ra sao để vợ chồng yên ấm, hay chuyện “đừng bao giờ để cho chồng được cớ đánh mình, bởi họ đánh được một lần sẽ có những lần sau,”….

Tôi lại tỉ tê kinh nghiệm làm sao ứng phó với các chị chồng, bởi ba mẹ chồng tôi đều đã khuất núi, nên tôi không có bổn phận làm dâu. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu làm dâu mẹ chồng có dễ hơn làm dâu chị chồng không? Tôi kể với Thanh về thái độ cam chịu và nhẫn nhịn trước những lời không hay của các chị, cũng như chả bao giờ tôi hằn học với chồng những điều như tại sao chị anh thế này, tại sao chị anh thế kia… Và kết quả của những điều tôi “cam chịu” sau những năm tháng đó, là giờ đây tôi có được tình thương yêu, sự quý mến mà các chị chồng dành cho tôi…

Chung quy, tôi và Kiều muốn Thanh hiểu rằng, mỗi gia đình đều có những chuyện này chuyện nọ, có thể chẳng ai giống ai. Từ một kẻ độc thân sung sướng, muốn ăn muốn ngủ muốn đi muốn đứng lúc nào cũng được, bỗng chốc về “làm dâu xứ lạ,” đối diện với bao nhiêu là vấn đề kinh điển của một gia đình bình thường vốn phải có, thời gian đầu ai cũng phải có lúc cảm thấy hoang mang, dễ so sánh, dễ tủi thân, dễ chán nản, và luôn muốn buông trôi.

Nhưng, mình cần phải tỉnh táo để mà vượt qua. Làm cho người ta ghét thì dễ, làm cho thương mới khó. Khó nhưng mình phải làm cho bằng được, nếu mình còn yêu chồng và biết rằng chồng cũng yêu mình. Hãy thử hết sức bằng tình yêu thương, sau hết tất cả mới đặt lên bàn cân mà chọn lựa.

***
Hôm nay gặp lại, nhìn vẻ mặt Thanh có vẻ tươi tỉnh hơn.

Chờ đến cuối giờ, trong lúc cho sách vở vào túi chuẩn bị ra về, tôi quay sang Thanh, hỏi, “Sao rồi? Mọi chuyện tốt chưa? Hôm nay thấy vui rồi đó!”

Thanh cười, “Nói nghe nè, hôm rồi sau khi nghe hai chị nói chuyện xong, em về suy nghĩ và em quyết định dứt khoát là em sẽ bỏ chồng.” – “Trời, thiệt hả?” Cả tôi và Kiều đều tròn mắt nhìn Thanh, sửng sốt.

“Em nghĩ rồi, tự dưng sao phải cực đến như vậy. Nghe cách hai chị phải làm, em thấy chả có gì hứng thú với chuyện làm vợ nữa. Thôi, bỏ cho nó khỏe.” Thanh nói trong một vẻ rất đắc chí.

Trên đường ra parking lot, tôi lại hỏi, “Suy nghĩ kỹ rồi hả?”

“Ừ, em thấy phát mệt quá! Bộ phải có chồng mới sống được hả chị? Nếu bây giờ mình không có chồng thì có sướng hơn không?” Thanh hỏi lại tôi, giọng vừa có vẻ tò mò, vừa có vẻ rất dửng dưng, thách thức.

“Tùy Thanh thôi. Mình cũng không biết. Có thể tự do bây giờ đối với Thanh là trên hết. Nhưng rồi đây, sau tất cả những tự do mà mình có, muốn đi đâu đi, muốn làm gì làm, sẽ có lúc Thanh ngồi trên xe và hình dung mình sẽ trở về nhà một mình, không có bất kỳ sự mong đợi, ngóng trông nào, không có ai quan tâm xem giờ này mình đang ở đâu, làm gì, mình có an toàn không,… tự dưng Thanh sẽ cảm thấy cô đơn đến cùng cực.”

“Cũng có thể.” Thanh lưỡng lực trả lời. Nhưng ngay lúc đó Thanh hỏi ngược lại, “Vậy chứ có bao giờ chị to tiếng với chồng chị không?” – “Không. Cũng có lúc bực quá thì la lên 1, 2 câu gì rồi thôi. Mà thường khi giận hay tức lên thì mình không nói gì cả. Riết quen rồi.” – “Còn chồng chị có to tiếng không?” – “Có, đàn ông mà, cũng la um sùm.” – “Nhưng có chửi thể không? Có đập đồ không?” Thanh tiếp tục hỏi dồn. “Không.” Tôi đáp.

Thanh cười nửa miệng, “Chồng em không chỉ chửi thề mà còn đuổi em ra khỏi nhà nữa kìa, mà không phải chỉ một lần đâu chị. Thôi, kỳ này em quyết định rồi, bỏ đi cho khỏe. Khỏi thấy mình bị xúc phạm.”

Nói đến đó thì mạnh đứa nào đứa nấy lên xe ra về.

***
Tôi chợt nhớ lời một người bạn nói trên Facebook, “Mình rất bực mình khi có nhiều người sao vẫn cứ cố bám lấy những cuộc hôn nhân không đáng!”

Đáng hay không đáng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Nên buông ra hay níu giữ, có thể dễ với người này nhưng rất khó với người khác.

Người ta ví gia đình như một con thuyền nhiều lúc phải vượt trên sóng. Nhưng vượt như thế nào, mỗi người sẽ có cách riêng của mình.