Bệnh để được ăn phở

Hôm rồi nhóm biên tập rủ nhau đi ăn phở, lần này ăn phở “đàng hoàng”, chứ không phải phở “Rón Rén” nữa

Tô được bưng ra trước, tô được bưng ra sau. Trong lúc ngồi chờ tô phở của mình, nhìn tôi ngắt rau quế, ngò gai, rồi cho giá, tương đen tương đỏ vào tô, anh Đỗ Dzũng bỗng nhớ chuyện đời xưa, “Trời, nhớ hồi đó mỗi lần bệnh thì mới được ăn phở! Mà đứa bệnh được ăn thì cả đám anh em đứng bu xung quanh nhìn…”

Cứ vậy mỗi người một câu, góp vào cái chuyện ngày xưa của những đứa con nhà nghèo như anh Đỗ Dzũng, như Khôi Nguyên, như tui; còn những đứa nhà giàu như Hạo Nhiên thì ngồi đó nghe cho hiểu cái sự đời của “tầng lớp lao động cần lao” là như thế nào.

Có người nhớ mỗi lần bệnh thì được ăn bánh mì chấm sữa Ông Thọ. Sữa đặc Ông Thọ rót tí tẹo ra ly, rồi châm nước sôi vô, chấm bánh mì vào cho mềm để ăn rồi uống cái sữa nóng đó vô cho ấm bụng.

Tôi thì nhớ hồi đó mỗi lần bệnh thì được má cho tiền, dù tiền chỉ đủ ăn sáng, nhưng với con nhà nghèo, cha mẹ chỉ biết đó như là một cách để an ủi, vỗ về, và cũng cầu mong sao cho đứa nhỏ đang nóng sốt hầm hập đó mau chóng lành bệnh.

Rồi cũng chỉ có lúc  bệnh mới được dỗ dành cho ăn, muốn ăn cái gì cũng cho, nhưng ngặt nỗi người thì sốt, miệng thì đắng, có muốn ăn cái gì đâu, thế nên mắt cứ lim dim, lờ đờ và đầu cứ lắc lắc…

Mà qua cơn bệnh rồi thì đứa nào cũng như đứa nào. Khác chăng là đứa vừa lành bệnh có được tí tiền “kiếm được” khi nằm đắp khăn nóng trên đầu, thì mua cục kẹo, mua cái bánh gì đó bên quán ông Chín ăn cho thỏa thuê cái cảm giác được mua và ăn quà vặt giống con nhà bác Hai hàng xóm, giống cháu ông Hai Xe Hàng… Khi hết tiền, lúc cơn thèm ăn ào đến, lại ao ước, “phải chi mình bệnh…”

Tôi không có “diễm phúc” được ăn phở mỗi lần bệnh như nhà anh Đỗ Dzũng. Hình như cả tuổi thơ tôi không có hình ảnh của tô phở trên bàn ăn trong nhà (nói “bàn ăn” cho ra dáng văn chương, chứ hồi nhỏ, tôi nhớ nguyên đám anh em tôi mỗi đứa bưng một tô cơm, hoặc tụm lại ngồi chồm hổm dưới bếp, hoặc mỗi đứa kiếm góc nào đó mà ăn cho hết phần mình). Tôi cũng không biết vì sao. Tôi biết món “hủ tiếu” trước khi biết phở.

Lần đầu tiên tôi biết đến cái món gọi là “phở” là khi tôi học lớp 6. Tôi chơi thân với một nhỏ bạn tên MK. Má nó mất sớm, hai chị em nó ở với ông bà ngoại và hai dì, cũng là hai cô giáo dạy trong trường. Còn ba MK thì sống một mình ở khu chợ thuốc lá Học Lạc, ngay nhà thờ Cha Tam. Hằng ngày ba MK cứ ghé thăm chị em nó. Cuối tuần thì chị em nó về nhà ba chơi.

Tôi nhớ lần đó là một ngày Chủ Nhật, ba MK chở nó xuống nhà tôi, xin ba má tôi cho đi ăn với họ. Đó là lần tôi biết phở. Nhưng thực sự mùi vị nó như thế nào, giờ này tôi quên rồi, chỉ nhớ được là tôi biết trên đời này có một món gọi là Phở, trong đó có một đống thứ kêu là nạm, gàu, gân, sách,…

Lần thứ hai tôi ăn phở cũng là năm học lớp 6. Lần này là thầy dạy tiếng Anh dẫn tôi đi. Thầy có 5 người con trai, nên thầy thương tôi như con gái thầy. Thầy cũng chạy xe xuống nhà xin ba má chở tôi đi ăn (giờ ngẫm nghĩ lại tôi đã hiểu vì sao lúc nào tôi cũng tròn quây!). Chỗ ăn phở cũng là chỗ ba MK đã chở tôi đi. Lần này, tôi nhớ thêm được rằng có món gọi là “Phở tái.” Và thầy dặn, “Ăn phở rồi nên uống trà nóng cho tan mỡ!” Dù vậy, thầy vẫn kêu cho tôi chai nước ngọt.

Cho đến năm học lớp 8, tôi mới thật sự nhớ được mùi phở nó thơm ra làm sao và trên cõi ta bà này có thêm cái người ta gọi là “bò viên.”

Đó là lần tôi đi ăn với TT, một đứa bạn gái thân suốt thời cấp 2 cấp 3.

Không nhớ là đi học cái gì về, mà hai đứa đạp xe ngang chợ Phú Lâm, lúc đó còn rất cũ kỹ, nằm đối diện với trường Phú Lâm. Tôi nhớ cái hàng bán đồ ăn ngó ngang cái cổng trường, mà bà ngồi bìa là bà bán phở. TT rủ vô ăn hàng. Tôi có đủ tiền cho ăn 1 ly chè ba màu. TT thì chỉ muốn ăn phở. Thế là ngồi ở hàng phở, và gọi chè sang, đồ của đứa nào đứa nấy ăn.

Không biết là do tôi đói hay là mùi phở đó đặc biệt thơm mà nó khiến tôi nhớ. Tôi nhớ TT kêu, “Cho thêm chén bò viên.” Người ta mang ra cái tô nhỏ thì đúng hơn, bên trên đầy hành, ngò rí, ngò gai xắt thật là nhỏ, bên dưới là nước súp và những lát bò viên. Người ta mang kèm theo cái chén nhỏ xíu có trong đó tương đen, tương đỏ và sa tế. TT trộn đều cái chén tí teo đó rồi rủ, “Ăn chung đi Lan!”

Tôi chẳng bao giờ màu mè khách sáo trong chuyện ăn. Tôi bắt chước TT dùng cái nĩa xiên lát bò viên, rồi chấm vào chén tương. Cho vào miệng, xong, lấy cái muỗng nhỏ, múc nước súp nóng hôi hổi và đầy hành ngò đó, húp một cái.

Trời ạ! Bây giờ mà tôi vẫn không quên được cái mùi thơm ngát của ngò, cái nóng rát đầu lưỡi của nước, cái cay cay của sa tế, cái mằn mặn ngọt ngọt của tương, và cái dai dai miếng bò viên ngày đó. Nó ngon mê tơi. Giá mà bây giờ có một tô…

Kỷ niệm về phở thời thơ ấu, tôi chỉ nhớ đúng 3 lần như vậy.

Sau này đi học đại học, có tiền học bổng, tôi cũng cùng bạn bè vào ăn phở bên trong căn tin trường Cao Đẳng Sư Phạm, đối diện với trường tôi học. Đó có lẽ là nơi bán phở dở nhất trên thế gian này. Nhưng tôi ăn vì nó rẻ, và vì có bạn bè mình. Nên ăn phở ở đó vui.

Ra trường đi làm, phở đã chẳng còn là một cái gì xa lạ. Tôi ăn phở từ trong xóm ra đến thành phố, từ Xa Cảng cho đến Phú Lâm B, từ quận 5 cho đến Bình Thạnh, rồi vòng về quận 1… Ăn từ phở tái miếng cho tới tái bầm bằm, từ chín nạm gầu cho đến bò viên, rồi có khi chuyển sang phở gà.

Sang đến Mỹ, tôi vẫn ăn phở nhiều hơn bất cứ món gì khác khi đi ăn ngoài.

Và, những ngày rồi, khi cơn bệnh tràn tới, tôi vẫn thòm thèm một tô phở.

Có điều, cho đến giờ, ngon nhất với tôi  vẫn không phải là tô phở, mà là tô bò viên ngày đó, món tôi hiếm khi ăn lại bây giờ…