Quét lá

Tết Mỹ, dù muốn dù không, vẫn khác lắm Tết Sài Gòn.

Tết Mỹ, cả mùa, nhà không một người khách. Hủ hạt dưa nằm lặng lẽ trên bàn, miếng keo dán quanh miệng hủ vẫn chưa được gỡ. Bánh mứt cúng xong, cứ lần lượt trút vào hộp, mang vào sở làm, mỗi người đi qua đi lại, nhón cọng mứt bí, bóc hột mứt sen, cầm lấy cục thèo lèo, không nói không rằng, tự nghe Tết đến, trong chính mình. Tự mình, gặm nhấm.

Chiều Mùng Hai, Vũ nhắn, “Tối nay Denny’s. Nhớ kêu Nguyên.” Nhìn tin nhắn, cười một mình, ừ, thì ra cũng có được một cuộc gặp gỡ, hay cứ nói cho sang là có “đi chơi ngày Tết,” dù rằng chỗ đi chơi – quán Denny’s – chẳng ăn nhập gì đến cái Tết Nguyên Đán. Nhưng như vậy, với tôi, đã là hay lắm rồi. Cho bớt đi cái trống trải bộn bề bủa kín.

Bạn bè ở đây nhìn đi ngó lại, hình như chỉ có vậy. Không biết thực sự vì tính tôi khó có bạn, hay bởi nơi này người ta cũng không cần lắm những người bạn, đúng nghĩa.

Thỉnh thoảng thấy trên điện thoại xuất hiện dòng tin nhắn “Tối nay Denny’s” là hiểu bạn bè đang cần có nhau. Cũng chẳng để làm gì. Gặp chỉ để nói những chuyện đôi khi rất ấm ớ, nhưng mà cười, không lần nào mà không cười. Mà cười rồi, thì những phiền muộn gì cũng ít nhiều bay đi mất. Cũng có khi gặp để nói, nói những sự bực bội về những điều xảy ra xung quanh. Rồi thì xong. Ra về, thường khi đã bước sang 12 giờ đêm. Mỗi người trở về với lo toan, trăn trở của riêng mình.

Gặp gỡ “Denny’s” tối Mùng Hai lần này có hơi khác, bởi trong câu chuyện, bất chợt có nhắc đến một người, H.

Vậy là hẹn, “Mùng Ba mình đến nhà H. đi. Cứ ‘xông’ tới, không chừng ổng đã bán nhà rồi hỏng hay.” Vũ đề nghị. Tôi hưởng ứng. Nguyên rút lui, “Tôi không đi đâu. Tai tôi điếc, nên tôi hay nói lớn. Mà ổng không thích người nói lớn.” H. là người “lập dị.”

Chiều Mùng Ba, tôi sang chở Vũ đến nhà H. “Nhớ con hẻm. Đến đi rồi sẽ tìm được nhà.” Vũ nói. Mà đúng là nhìn ngay ra được ngôi nhà tôi từng đến một lần duy nhất, cách đây hơn 2 năm, một ngày cuối tháng 7. Lần đó, tôi cũng đi cùng Vũ, và một người nữa.

Vũ bấm chuông. Nhà có xe, không có người. Chỉ có tiếng chó sủa. Hết Vũ, rồi đến tôi gọi điện thoại cho người có tên bắt đầu bằng chữ H và kéo dài 3 chữ. Chuông điện thoại reng, rồi lại tắt. Chẳng ai thèm nhấc máy. Người ta không muốn trả lời, bởi nhận ra người gọi, hay bởi tránh né điều gì, chẳng biết.

Nhưng lỡ tới rồi, cơn lì cũng đổ ra. “Thôi, đứng đây chờ luôn.” Tôi đề nghị. Hình như lần đầu tiên, tôi đứng trước nhà chờ một người, mà không gọi báo trước.

Vũ đi tới đi lui, chọc con chó trong nhà sủa, cho bớt đi cái tĩnh lặng của một chiều Tết không ra Tết, đi làm không ra đi làm, cứ lắt lay của những điều gì đó  mỗi người giữ riêng cho mình.

Tôi khi không có gì làm, thì lại thích lôi cái phone của mình ra để chụp hình. Hình nhà của “ông quét lá”, với những cảnh thiền đến ngẩn ngơ.

Tôi chụp lại cái góc của lần gặp gỡ trước. Nơi có những chiếc ghế ngồi, giờ đã bị dẹp đi mất rồi. Hơn hai năm, tôi vẫn nhớ buổi chiều đó, buổi chiều làm chúng tôi thay đổi rất nhiều, cũng tại góc này.

Và đó cũng là buổi chiều cuối cùng, tôi còn có dịp nói chuyện trực tiếp với H – người tôi vẫn gọi bằng chú, mặc cho sự ngạc nhiên của nhiều người. Sau đó chỉ còn email, thưa dần, thưa dần và mất hẳn.

Tôi rút ra mảnh giấy, ghi mấy dòng, “N, V đến nhà chú H. Chờ một tiếng, chỉ có tiếng chó sủa, rồi đi về” và bỏ luôn vô trong túi quà Vũ đã có ý mang theo, đặt trên chiếc bàn cạnh cửa, nơi có sẵn chậu cúc vàng. Rồi về.

Hơn tiếng sau, tôi nhìn thấy email “Lời xin lỗi chiều mùng ba Tết.” Rất H.

Bất giác tôi mỉm cười.

Bởi, nhớ H., tôi lại luôn nhớ đến cảm giác “tôi vẫn cứ như trôi đâu đó rất mông lung, rất mơ hồ, đôi khi rất gần, lúc lại như chấp chới ‘giữa hai miền mưa nắng’  – tên gọi một tác phẩm của người có tên bắt đầu bằng chữ H.