Chuyện làm báo (1)

1.

“Phải đính chính”

Hội XYZ chuẩn bị tổ chức buổi hội ngộ thường niên. “Báo mình là báo ‘cộng đồng’ nên phải đưa tin em à!”

Theo lời sếp, dò tìm số điện thoại mà hội XYZ ghi “Muốn biết thêm chi tiết, liên lạc với 123-456-7890 hay 098-765-4321” để gọi đến hỏi xem người đại diện hội XYZ này có thể cung cấp ít nhiều thông tin gì  để mình có thể viết một bản tin ngắn giới thiệu về buổi hội ngộ đó, cho những ai chưa biết thì có dịp tìm đến, hiểu thêm. Đa phần các hội sẽ ghi nhiều hơn 1 số điện thoại để khi mình gọi không có người này thì mình gọi người khác. Và các vị được chọn đưa số phone lên báo như vậy cũng toàn là “có máu mặt” trong các hội đoàn đó không à, để lỡ khi người ta gọi đến hỏi thì biết đường trả lời, giải thích chứ.

Thông thường, khi những bản tin kiểu này lên báo, người đại diện của những hội như kiểu hội XYZ đó sẽ “cám ơn đã giúp đưa tin cho đồng hương biết trước để còn sắp xếp đến tham dự.”

Tuy nhiên, đôi khi có những chuyện rất “ngộ nghĩnh” xảy ra, dù rất hiếm.

Mình gọi đến số điện thoại họ ghi, hỏi chuyện và viết tin theo những gì mà ông/bà đại diện XYZ đó cung cấp.

Báo ra. Đùng một cái, ông/bà LKJ nào đó “quăng” cho cái email: “Đưa tin trật lất! Hội chúng tôi tổ chức ngày giờ này nè…” hoặc khi thì bà/ông HGF gọi thẳng đến toàn soạn “phán”: “Phải đính chính lại là hội chúng tôi bao gồm bla bla bla….”

Trời đất! Quý vị tưởng tờ báo là nơi quý vị giỡn chắc! Tụi tui làm việc với người đại diện của quý vị, thì bây giờ nếu vị đại diện ấy có cung cấp thông tin “trật lất” thì phải chính vị đó email hay gọi điện  hoặc đến gặp chúng tôi nhờ đính chính chứ!  Đằng này đùng một cái quý vị ở đâu nhảy ra cái độp, bắt tụi tui sửa cái này đính chính cái kia là nghĩa làm sao! Nếu quý vị nắm hết mọi chuyện của hội quý vị thì sao quý vị không phải là người đại diện đứng ra làm người liên lạc?

2.

“Tại sao không nhắc tên tôi trên báo?”

Đây mới lại thêm là một “vấn nạn” cho người đi viết tin cộng đồng.

Phải chi ông/bà là người đứng ra tổ chức buổi ủy lạo đó, hay ít ra là người lên nói được một câu gì đó thật hay ho do chính mình cảm nhận tự đáy lòng chứ không phải những lời sáo rỗng có thể dùng để nói được trong đám cưới lẫn đám ma, khai trương hay dẹp tiệm, thì nếu không nhắc đến tên quý vị, việc quý vị làm, lời quý vị nói thì cũng xem như một sơ sót đáng trách.

Đằng này, người ta tổ chức, quý vị đến dự, như bao người tham dự khác, ngồi – nghe – về. Vậy mà lại đỏ mặt tía tai ngồi tuôn ra cho đầy một email “tôi đã chịu lạnh/chịu nắng ngồi cho đến suốt buổi cạnh bên ông X, bà Z, em Y mà sao lại không nhắc đến tên tôi?”

Trời ạ! Mà phải chi em Y, ông X, bà Z đó có được nhắc mà bỏ tên quý vị ra thì cũng có chuyện cho quý vị kiếm. Đằng này không tên ai được nêu cụ thể trong số khách tham dự thì cớ gì quý vị lại phiền lòng, tủi thân?

3.

“Bớt cho em $100”

Số là năm trước tui mua vé về VN có chút chuyện. Vé mua đi dịp cuối năm, giá mắc gần chết. Chọn tới chọn lui, nhích qua nhích lại 1, 2 ngày là đã chênh nhau vài trăm. Cuối cùng chọn đi ngay tối 25/12 là ngày có giá rẻ nhất so với những ngày gần gần đó. “$1,450.” Một chỗ bán vé trên đường Bolsa ra giá.

“Dạ, em mua.”

Đưa thẻ để cà,  cầm lấy receipt, và nghe dặn “khi nào có visa thì tụi chị sẽ gọi em ra lấy, rồi lấy vé luôn.” Vừa dợm bước ra cửa thì một chị hỏi, “Em là NL làm bên báo NV phải không?” – “Dạ.” Nói xã giao 2, 3 câu xong thì tui về.

Leo lên xe, chạy chưa đầy 2 phút thì điện thoại reng, “Em ơi, tụi chị bớt cho em $100, vậy chỉ charge trên thẻ em có $1,350 thôi nghe.” – “Wow, cám ơn chị. Mà sao tự dưng được bớt vậy chị?” – “Ừ, mấy anh chị nói bớt cho NL $100.” Hehehe, sướng chưa 😛

4.

“Ghé nhà ăn cơm với vợ chồng bác!”

Đây cũng là chuyện liên quan đến nghề nghiệp nữa.

Đi ra chợ hoa Phước Lộc Thọ làm một phỏng vấn ngắn. Sau khi ngắm nghía nam phụ lão ấu đi qua đi lại, chọn/xin phỏng vấn được một anh, một chị, một gia đình từ tiểu bang khác đến. Xong, phần cuối xin phỏng vấn một cặp vợ chồng lớn tuổi đang nắm tay nhau đi chợ Tết.

Xong phần “trình diễn,” hai ông bà hỏi, “Tết cháu có đi đâu chơi không?” – “Dạ, chắc cũng có đi lòng vòng cùng gia đình.” – “Ừ, nếu cháu có đi đâu tiện ghé ngang nhà ăn cơm với vợ chồng bác cho vui, nhà bác ở Garden Grove nè, gần lắm!” hehehehe, dễ thương gì đâu.