Hành trình tìm kiếm “người chết sống lại sau 42 năm” (kỳ 7)

Sau 6 chặng đường dài lê thê, xin tóm tắt một chút trước khi quý vị xem tiếp:

1. Từ chặng 1 đến nay, toàn bộ là những ghi chép của tui trong quá trình đi tìm hiểu để thực hiện bài phóng sự về chuyện một người tên Lê Thị Tâm mất tích năm 1968, đến sau năm 1975 thì gia đình nhận giấy báo tử và đến năm 1983 được nhà nước công nhận là “liệt sĩ.” Tuy nhiên, tháng 6 năm 2010, người liệt sĩ đó bỗng trở về thăm gia đình trong tư cách một Việt kiều Mỹ, đang định cư tại tiểu bang Texas.

2. Theo những ghi ghép đó, tui đã phải trải qua nhiều lần “dò la” sau cùng mới có được số điện thoại để liên lạc với chị Lê Thị Tính, em gái “LSVK” Lê Thị Tâm, một cô giáo đang dạy học tại trường tiểu học TP ở thành phố Quảng Ngãi. Những tưởng chuyện hỏi xin số điện thoại, địa chỉ để liên lạc với chị Lê Thị Tâm là điều dễ dàng, thế nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.

3. Qua các cuộc điện thoại trò chuyện với chị Tính, với những điều lạ lùng mà chị Tính – người em gái được sinh ra sau khi chị Lê Thị Tâm mất tích – là người trong nhà cũng thấy khó hiểu, cùng với sự xuất hiện bất ngờ của “thầy tuyên úy H.” – người cho rằng chị Tâm là người ông đã cứu từ năm 70, 71 – đã khiến cho câu chuyện càng có vẻ “quái quái.”

4. Tuy nhiên, điều quái dị và khó hiểu nhất không chỉ ở chỗ: không ai biết chị Tâm sang Mỹ bằng cách nào, mà còn ở việc người LSVK này cứ lần lữa không cho người em xin số điện thoại để liên lạc khi cần thiết.

5. Thế nhưng, có công mài sắt có ngày nên kim 🙂

Bây giờ thì xin mời đọc tiếp!

***

Tôi không nhớ rõ là sau cuộc gọi lần thứ 5, lần mà chị Tính kể rất nhiều chuyện, từ chuyện có người chứng kiến chị Tâm chết, có cả ngôi mộ, chuyện chị Tính đi bốc mộ rồi về không, đến chuyện chị Tâm được người anh họ nhận ra qua vết sẹo thuở nhỏ, chuyện một người từng ở chung đơn vị, chung làng với chị Tâm còn sống và nhận ra chị, thì tôi có gọi điện thoại thêm cho chị Tính lần nào nữa không, vì tôi không thấy mình “take note” lại. Cũng có thể vì tôi nản quá cũng nên!

Chỉ nhớ ngày tôi có được “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” là ngày 26 tháng 3 năm 2011. Như vậy, tức hơn cả nửa năm sau cuộc trò chuyện kia, tôi mới có được điều tôi chờ đợi.

Cuộc điện thoại ngày hôm đó rất nhanh gọn. Chị Tính, vẫn thái độ và giọng nói vui như mọi khi, kêu tôi đợi chị đi lấy tờ giấy có ghi số điện thoại của chị Lê Thị Tâm.

“Em ghi nghe. Số mã vùng thì em tự ghi nghe. 743-861-xxxx”

Tôi vừa ghi xuống vừa đọc lại cho chị Tính nghe. “Số này là số chị thường gọi cho chị Tâm đó phải không?” Tôi hỏi lại sau khi ghi.

“Ừ, chị gọi theo cái số này á. Chỉ còn một số nữa mà không bao giờ chị gọi được, nó cứ có cái tiếng gì ở đâu, họ nói liên tục như là tiếng Mỹ tiếng gì á, chị nghe không có được, không có hiểu nên chị tắt không có gọi. Bây giờ mà em gọi thì hình như chắc là ban đêm rồi.” Chị Tính cho hay.

Tôi bảo sẽ gọi lại khi thuận tiện. Chị Tính dặn kèm:

“Chỉ ít khi nghe điện thoại lắm. Thường là anh bốc máy. Anh bốc máy xong rồi mới gọi chỉ chứ hầu như chỉ không nghe điện thoại.”

Cám ơn chị Tính xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không thể nói là tôi không vui khi thấy công mình bỏ ra bấy lâu đã có kết quả. Và chẳng bao lâu nữa, thì phóng sự “đang xếp xó” của mình sẽ được thò mặt lên báo.

Sau khi tận hưởng niềm vui không lời, tôi ngó đồng hồ, khi đó California đã gần 11 giờ đêm thì “Texas” cũng phải 1 giờ sáng. Đương nhiên không thể nào bấm số điện thoại gọi người ta vào cái giờ lãng nhách như vậy được. Đành mong cho mau tới sáng.

Có điều, không ngăn được tò mò (viết cái này lại nhớ chị Hà Giang, suốt ngày chỉ cứ nói “tò mò là một trong những đặc điểm của đám phóng viên!”), tôi lên Google gõ cái số mà chị Tính vừa cho xem coi nhà chị Tâm ở nơi mô.

Nhưng

Những ai đã phụ tôi một tay ngày hôm nay đi tìm xem số điện thoại có area code “743” là ở đâu thì có lẽ đã hiểu phần nào.

Tôi gần như bị “sốc” khi đọc những câu này:

“The 743 area code appears to be a invalid, it may be ‘spoofed’.”

What? Sao lạ lùng vậy? Trong nguyên cái list dài ngoằn mà website này liệt kê ra những số điện thoại “không có thực” có một số y chang số tôi đang có trong tay. Chưa kể, nó còn nói rằng mã vùng 743 là không có thực.

Tôi lại dò, tôi lại tìm. Những gì hôm nay độc giả gửi cho tôi là những gì tôi đã tìm qua hết rồi 😦

Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bực, lẫn vừa… sợ! Cứ nghĩ đi, mình đang làm bài tìm hiểu về một người được cho là chết từ mấy mươi năm trước, nay bỗng lù lù trở về, bảo đang ở Mỹ. Tìm trần ai luôn mới ra được số điện thoại. Giờ lại bảo số đó không có thực! Giữa đêm hôm khuya khoắc, thiệt là tình là tôi muốn nổi da gà, lạnh xương sống chứ chẳng chơi!

Nhưng vì tức, nên tôi lại dò dò, tìm tìm, thấy được 1 số điện thoại có mã vùng là 743. Đó là một nơi dạy con nít “Child Day Care Center” ở Michigan! Má ơi! Mình đang đinh ninh chị này ở Texas, đùng cái bây giờ nói ở Michigan là sao?

Dù khuya lắm rồi, nhưng biết chắc là sếp Nhiên và sếp Giao chưa đi ngủ, tôi gửi ngay message hỏi, “số điện thoại 743-861-xxxx là ở đâu?”

Lát sau, cả hai ông đều nhắn lại “Michigan.” Rồi ngay sau đó hai ông lại nhắn, “số đó là Fraud!”

Tôi gọi luôn cho anh Giao, chủ bút của tôi, ảnh cũng lấy làm ngạc nhiên, cứ “kỳ hén! Kỳ hén!” Xong ổng kêu, thôi đi ngủ đi, mai gọi thử thì biết.

Tôi thử đổi mã vùng thành “734” thì cũng là Michigan, nhưng khi gõ tiếp 7 số sau vô thì vẫn là số ma nha!

Dù bực, dù sợ thì cũng đành phải nhanh chân chạy tót vô phòng, không có tắt đèn!

Sáng hôm sau, thức dậy là từ nhà tôi đã gọi ngay số điện thoại mà tôi có. Chỉ vừa bấm nút gọi thôi, không cần một tiếng chuông nào, đã nghe ngay giọng một người đàn ông “Cuộc gọi này không có complete. Vui lòng kiểm tra lại số và gọi lại.” Gọi chục lần như 1.

HỪ!

Vô đến sở làm. Tôi chìa cái số ra cho mấy sếp tôi. Ai cũng thử gọi. Và kết quả y chang như nhau.

Anh Hạo Nhiên đề nghị, “Cô giáo gọi lại cho chị đó, nói chỉ đọc nguyên cái số từ VN chỉ gọi đi thì chỉ gọi như thế nào?”

Thế là đến tối, tôi lại gọi ngược về VN lần nữa. Chị Tính đọc lại cho tôi “0017-743-861-xxxx.”

Tôi hỏi đi hỏi lại, “chị gọi cho chị Tâm được phải không?” Chị Tính bảo, “ừ, mỗi lần gọi thì thằng con trai chị nó dùng máy vi tính để gọi cho chị. Có khi gọi thì gặp anh bốc máy liền. Có khi thì nghe tiếng gì đó. Chị phải gọi lại. Nghe nói đây là số điện thoại ngoài tiệm.”

Theo cách chị Tính gọi đi như vậy thì lại càng quái!

Vì từ VN gọi qua Mỹ thì sẽ phải bấm số 001 rồi đến 10 số tiếp theo. Tôi đoán, như vậy có thể mã vùng sẽ là 774. Mà nếu thế thì người “chết đi sống lại” này ở Massachusetts! Chưa kể là số điện thoại này lại dư ra một số, vì nó có tới 11 số!

Lại đến ngày hôm sau, tôi thử gọi theo số 774-386-xxxxx, tức là tôi bấm dư 1 số so với bình thường, vì anh Hạo Nhiên bảo tổng đài nó sẽ nhận đủ những số đầu, còn phần dư sau thì kệ!

Gọi theo số này có người bốc máy!

Nhưng không phải là người Việt Nam. Mà cũng không phải người nói tiếng Anh!

Đến phiên anh Hạo Nhiên nghe. Tiếng Mễ. Sếp Nhiên xác định đó là tiếng Mễ.

“Nhờ Bảo Anh gọi cho. Bảo Anh biết tiếng Mễ.” (Bảo Anh là sếp lớn nữa trong NV, con gái của ông Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập tờ NV)

Chị Bảo Anh rất sẵn sàng gọi. Có điều, máy reng nhiều lần không ai bắt! Chị lại kiên nhẫn gọi, đến cuối cùng có “một đứa bé” bốc máy. Nó bảo không có người lớn nào ở nhà, và cũng không có người VN nào ở đó!

Suốt mấy ngày, tôi cứ nghĩ mãi, sao lại kỳ lạ như vậy? Theo lời chị Tính nói thì đây là số điện thoại chị Tâm cho chỉ, chứ không phải là số điện thoại người khác gọi đến hiện lên trên phone của chỉ, vậy thì tại sao lại không gọi được? Tại sao nó lại là một số “spoofed”?

Mà tôi thì lại ngại chuyện gọi lại để hỏi là có chắc chắn là số điện thoại đó không? Có chắc là chị Tính không đọc nhầm không?

Rồi tôi chợt nhớ ra có một người có thể giúp tôi.

Tôi email cho L.T, một cộng tác viên của báo NV, cũng đang ờ Quảng Ngãi. Hôm đó là ngày 1 tháng 4. LT nhận lời ngay không chút đắn đo.

LT gọi cho chị Tính, xin lại số phone một lần nữa, đương nhiên là L.T nói xin cho tôi, vì số tôi có không gọi được.

Nhìn email của LT có title “Wow wow wow có số rồi” tôi muốn rụng tim.

Nhưng, hic. Vẫn là số đó L.T ơi!

Nghe tôi nói vậy, LT chưng hửng. Ủa, không đúng hả chị? Rồi LT cũng thử từ VN gọi đi, cũng dùng thẻ gọi qua máy vi tính. Kết quả cũng chẳng hơn gì.

Có điều

Một tháng sau, “Em sẽ chạy luôn ra nhà chị Tính để lấy cho bằng được cái số điện thoại về cho chị NL,” LT viết email cho tôi.

Và LT đi thật.

Ngày LT hẹn gặp chị Tính, LT mở webcam cho tôi và chị Tính nói chuyện với nhau. Cũng rất vui. Sau đó, LT theo chị Tính về nhà chị để lấy lại số điện thoại mà chị ghi xuống.

Vũ như cẩn.

Tôi nản không thể tưởng tượng được. Nhưng rồi công việc này công việc khác cuốn tôi đi. Tôi đành gác lại chuyện người “LSVK” dang dở chỗ đó.

***

Như đã nói với mọi người ngay từ entry “Những bài viết dở dang” trước khi bắt đầu loạt bài này, đây là một trong những bài viết tôi chưa hoàn tất. Có bài chưa viết xong là vì tôi lười. Có bài thì sau khi phỏng vấn thấy không có điều gì nổi bật để viết. Riêng bài này thì đường đến với nhân vật chính bị ngắt ngang giữa đường.

Tôi chưa biết đến khi nào thì tôi mới hoàn tất phóng sự này. Nhưng tôi tin là nó sẽ phải xong, một ngày nào đó, không xa.