Người chứng kiến cô Tâm chết, người lại xác nhận được vết thẹo ngày xưa nơi cô Việt kiều
Ngày 25 tháng 8, 2010, lần thứ 4 tôi gọi điện thoại về nói chuyện tiếp với cô giáo Lê Thị Tính, em gái người “LSVK” đang làm xáo trộn suy nghĩ của nhiều người, trong đó có cả tôi.
Cũng như mọi lần, sau vài câu hỏi xã giao, tôi hỏi ngay “chị Tâm có gọi điện thoại về không chị?”
Chị Tính bảo rằng chị Tâm không gọi, chỉ có chồng chỉ là anh “Nam” gọi về “nói rằng chỉ chuẩn bị đi mổ hở van tim.”
“Nghe vậy thì chị hỏi cách thức mổ như thế nào, vì nghe mổ tim thì bên này mình rất sợ, vừa lo sức khỏe vừa rất tốn kém, nhưng anh bảo là không sao, vì bên đó anh chị có giấy tờ ‘phi.’ Chị không biết ‘phi’ là cái gì nhưng nghe anh bảo vậy. Anh bảo là ‘phi’ nên mọi chuyện người ta lo hết, mình chỉ ra vào trông nom vậy thôi.” Chị Tính, như mọi khi, kể chuyện rất rành rọt và chi tiết từng câu từng chữ.
“Chồng chị Tâm gọi về nói vậy hả chị? Vậy chị có xin số điện thoại không?”
“Số điện thoại là không có rồi. Hôm trước hỏi chỉ thì chỉ bảo vậy. Chỉ nói tự ở là ở trong nhà riêng, rồi cái xưởng là riêng nữa, ‘cho nên số điện thoại là không cố định nên em không gọi được. Nếu em gọi ban ngày thì chị thuộc về ban đêm, mà ban đêm thì chị lại về nhà nên không gọi được.’ Hôm anh ‘Nam’ gọi thì chị không hỏi cái đó. Cho nên chị không có nói chuyện gì được hết. Không nói về chuyện bệnh viện dã chiến gì hết vì anh đó ảnh không biết gì đó mà.”
Có một điều tôi hơi làm lạ là khi nghe lại recorder, tôi nghe rõ ràng là chị Tính nói tên anh kia là “Nam,” nhưng khi tôi hỏi lại, “chị nói chuyện với anh Long phải không” thì nghe giọng chị” ờ ờ,” vừa có vẻ như chị nghe không rõ nên ừ đại, vừa có vẻ như chị ngạc nhiên xem tôi đang nói cái gì. Mà nhớ hôm hỏi tên chồng chị Tâm, tôi cũng phải hỏi đi hỏi lại, cuối cùng chỉ đánh vần tôi mới biết tên là Long, Lâm Quang Long. Nhưng hôm nay thì lại nghe ra là “Nam.” 😦
Tôi quay sang nhắc lại chuyện thầy H., “thầy có nói rằng nếu có gặp chị Tâm thì chỉ cần hỏi là có phải hồi đó chị Tâm nằm ở bệnh viện 1 dã chiến không, rồi chị Tâm có ra Sơn Trà không. Nếu chị Tâm ừ thì đúng chính xác là chú đó biết chuyện chị Tâm.”
Chị Tính nghe xong, rồi nói với giọng rất thân tình:
“Rồi để chị nói nghe, sau khi nghe Lan kể, chị về hỏi ông xã chị bệnh viện dã chiến là bệnh viện nào thì ông xã chị bảo bệnh viện đó chính là bệnh viện B21 bây giờ, đối diện với bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị lại hỏi Sơn Trà thì ở đâu, ảnh bảo ở Quảng Ngãi không có Sơn Trà mà Sơn Trà là ở Đà Nẵng, nó thuộc về tỉnh khác rồi.
Nhưng mà chị và ông xã chị nghĩ là chị của chị đi ở Gia Lai Kon Tum mà nếu bị thương thì làm sao đưa về Quảng Ngãi được? Vì Quảng Ngãi cách Gia Lai KongTum rất là xa, đi một ngày đường không đến, nếu đưa về tới đó thì chết mất còn gì! Cho nên ông xã chị nói nếu mà bệnh viện dã chiến tại Gia Lai KongTum thì đúng, chứ nếu ở Quảng Ngãi thì không phải rồi.”
“Ủa, mà sao chị biết là lúc đó chị Tâm ở Gia Lai Kon Tum?” Tôi ngạc nhiên trước một chi tiết mới nữa.
“Ờ, thì chỉ đi trong đó, đơn vị trong đó, có giấy có tờ hết mà.”
“À, nhưng mà chị Tâm có nhớ chuyện đó không hay là giấy tờ để lại thôi?” Tôi hỏi dồn.
“Chỉ thì cái gì chỉ cũng không nhớ hết á.” Chị Tính nói với giọng như bực bội với trí nhớ của chị mình, chứ không phải bực với tôi. “Hỏi chỉ đi bộ đội, chỉ cũng không biết. Hỏi chỉ đi chăn bò, chỉ cũng không biết. Chỉ có là trên giấy tờ với cái người đi cùng với chỉ hồi xưa còn sống. Mẹ chị có đi vô Gia Lai Kon Tum đi tìm chỉ. Cái năm chỉ 14 tuổi mà chỉ đi chăn bò rồi đi luôn á, thì cách 2 năm sau, những người có thân nhân ở Gia Lai Kon Tum về nói ‘thấy con Tâm trong đó.’ Nên mẹ chị đi tìm chỉ, thì chỉ có ở trên đó, mẹ chị có găp chỉ trên đó. Chỉ có đưa áo với vải gì đó cho mẹ chị mang về, nói là về đi lo Tết rồi Tết chỉ về. Nhưng Tết thì chỉ có người ở trong chỗ chỉ về mà chỉ không về, và cuối cùng là chỉ đi luôn, mất tích luôn á. Tức là mất tích ở quê hương là năm 14 tuổi, còn mất tích luôn tại Việt Nam là năm 16 tuổi, năm 68.”
Qua lời kể này của chị Tính, tôi cảm thấy dần dần câu chuyện về người “LSVK” có vẻ như rõ ràng hơn, có đầu có đuôi hơn
Tôi kể lại chuyện chú H. khẳng định năm xảy ra cuộc gặp gỡ với chị Tâm là khoảng năm 70, 71. Và chú H. cho rằng đó là một cô gái 18 đến 20 tuổi. “Vậy chị thấy có khớp không? Nếu năm 68 chị Tâm mất tích lúc 16 tuổi, thì năm 71 chị Tâm 19 tuổi?”
Chị Tính đồng ý là tuổi tác thì trùng nhau, nhưng chị tiếp nói điều chị thấy không hợp lý:
“Nhưng về Quảng Ngãi thì không đúng, vì nếu mang chỉ từ Gia Lai Kon Tum về đến Quảng Ngãi thì chỉ chết mất rồi. Mà trong khi người cùng đơn vị với chỉ, người ở với chỉ lúc ở Gia Lai Kon Tum, thì hiện còn sống ở đây. Cái thứ hai nữa là hồi mẹ chị lên gặp chỉ ở Gia Lai Kon Tum là chính xác.”
Chị Tính nói rằng chị đã “chuẩn bị tinh thần khi chị Tâm gọi qua thì chị sẽ hỏi chuyện này nhưng chỉ không gọi, mà là anh Lâm báo tin chị đi mổ van tim.”
Lần này thì tôi lại nghe ra tên chồng chị Tâm là “Lâm.” Haiza L
“Hôm trước chị Tâm gọi về có nói chuyện đi mổ không chị?” Tôi hỏi.
“Không, chỉ chỉ nói là sao từ hôm về cứ bị tuột huyết áp mãi nên định đi khám mà không đi được vì bão tuyết nên chỉ không có đi chứ không nói gì đến chuyện mổ xẻ hết.”
“Mà như vầy nữa, ngoài này còn nhiều vấn đề lắm. Có người chứng kiến nói là chỉ đã chết rồi, mà lại chứng kiến là có cái mộ nữa. Chính vì có cái mộ đó nên bốn năm trước là chị đã định đưa mộ chị chị về, nhưng mà khi chị lên thì họ cứ bàn miết. Ý họ nói chị là con gái có chồng, còn mẹ chị thì già quá rồi mai mốt chết thì ai sẽ là người đốt nhang cho chỉ. Nên thôi cứ để chỉ nằm yên luôn một chỗ, đừng có đưa về. Thế là chị đi mấy ngày, thuê nhà ở mấy ngày cuối cùng về không, trong khi giấy tờ huyện xã đã xác nhận cho chị được đem mộ về rồi. Không đem về là lý do như vậy. Rồi bây giờ đùng một cái không biết đâu là đâu hết!”
Chị cười ngất.
Tôi nói chị nghe điều tôi thắc mắc:
“Em là nhà báo, em muốn tìm hiểu câu chuyện này. Chị là người trong gia đình, chị cũng thấy không hiểu câu chuyện này. Mà điều lạ nhất là sao chỉ có xin cái số điện thoại thôi mà cũng không cho?”
“Ừ, chị cũng không hiểu gì hết. Cứ mỗi ngày nghe thêm mỗi chuyện. Có người trong đơn vị chị Tâm thì bảo là rõ ràng là nó chết! Mà tại sao giờ lại qua ở bên đó. Nhưng cái ngày mà chỉ về thì cái người đó lại không có ở đây, chứ phải chi lúc chỉ về mà cái người chứng kiến chỉ chết có ở đây, thì nói cụ thể ra rồi. Người này chứng kiến chỉ chết, chết nằm úp, người đó cũng là người chỉ mồ chỉ mả cho chị đi mang về mà rồi không mang đó.
Nhưng còn cái người mà ở cùng chỉ, người hẹn Tết về cùng chỉ, thì ở cùng xóm chị luôn, cô đó tên là cô Loan thì gặp chỉ ngay trước nhà mẹ chị nè. Cô Loan nhận ra chỉ, mà chỉ cũng nhận ra cô Loan. Chỉ còn nói ‘bà là hút thuốc nhiều lắm, giờ đã bỏ thuốc chưa?’ nữa! Chỉ cũng có cho quà cô Loan đó. Giờ không biết luôn là người nào!”
Chị Tính lại cười thành tiếng như bày tỏ một sự khó hiểu, bất lực không sao giải thích được.
Theo lời chị Tính, người chứng kiến chị Tâm chết tên là Liêm, chị Tính gọi là “chú Liêm” cũng ở cùng quê với mẹ chị Tính, nhưng hiện giờ thì sống cùng con cháu ở Gia Lai Kon Tum.
Khi người nhà chú Liêm gọi điện thoại báo cho chú Liêm hay rằng “chị Tâm về”, thì “chú ngỡ ngàng, bảo là sao không hiểu gì hết.” Chú Liêm muốn nói chuyện qua điện thoại với chị Tâm nhưng “khi đó chỉ đã đi rồi.”
“Đó, cô Loan còn đó, chú Liêm còn đó. Nên chị cũng không hiểu làm sao nữa.” Chị Tính lại tỏ ra khó hiểu.
“Ghê quá!” Tôi kêu lên. Chị Tính cười, “ờ, không biết sao hết.”
“Chị nghe nhiều quá rồi nên chị nghĩ hay là chuyện “hồn Trương Ba da Hàng Thịt,” tại mẹ chị đi cúng nhiều quá rồi cho nên chỉ nhập vào một người khác!”
Chị lại cười khanh khách mà không hề biết là bên này tôi đang ngồi phải đưa mắt ngó xung quanh mình xem có ai không, vì tôi toàn là nói chuyện với chị vào buổi tối, lúc cả nhà đi ngủ hết rồi.
Và
Tui là chúa sợ ma
You must be logged in to post a comment.