Hành trình tìm kiếm “người chết sống lại sau 42 năm” (kỳ 5)

 Thầy H. tuyên úy và cô ‘du kích’ bị thương

Có được số điện thoại anh Thiện Giao cho, tôi tức tốc gọi ngay cho “ông thầy H.” (thầy ở đây là “thầy tuyên úy”)

Vừa nghe tôi hỏi thăm, chú H. (tôi gọi bằng “chú” theo thói quen) nói ngay:

“Chuyện đó lâm li bi đát lắm! Nhưng làm sao cho chú số điện thoại để chú liên lạc với cô Tâm cái đã.”

Tôi nói cho chú H. biết là tôi chưa có được số điện thoại. Tôi đề nghị, “Chú có thể kể lại câu chuyện đã xảy ra như thế nào không để con kể lại  với em gái chị Tâm, rồi khi chị Tâm gọi điện thoại về, chị Tính kể lại thì biết đâu chị cũng nhớ lại điều gì?”

Chú H. bắt đầu từ từ kể:

“Lúc đó chú bị thương nằm ở bệnh viện 1 Dã Chiến ở Quảng Ngãi. Chuyện này chú đã có kể qua với anh Giao rồi đó. Thực sự nếu đúng là chỉ thì câu chuyện này lâm li bi đát lắm. Nhưng phải hỏi là có phải chỉ nằm ở bệnh viện 1 Dã Chiến không? Nếu chỉ không chấp nhận nằm đó thì coi như thôi. Còn nếu có thì phanh phui được nhiều chuyện lắm.”

Chú H. nói xong kèm theo tiếng cười có vẻ rất đắc ý.

“Làm sao chú ngợ ra đó là người quen của chú lúc nằm ở bệnh viện?”

“Thì khi xưa chú nằm bệnh viện đó, nên chú có linh cảm. Chú giúp cho chỉ đi ra ngoài ‘đệ thất hạm đội ‘đó. Trước khi đi chỉ viết cho chú một cái thơ nói là sau này khi yên phận hết rồi thì chỉ sẽ viết thư về cám ơn, liên lạc. Nhưng chuyện thật là chỉ không hề biết đưa chỉ ra ‘đệ thất hạm đội’ đâu, chỉ chỉ nghe nói là đưa ra Sơn Trà thôi, ra chỗ nhốt tù binh đó. Chỉ thì biết vậy thôi nhưng mà mình giúp liên hệ để đưa chỉ đi ra ‘đệ thất hạm đội’ chữa bệnh.”

Tôi nghe lỗ tai mình lùng bùng, chưa hiểu gì hết. Nhưng chú H. nói tiếp:

“Thực sự là chỉ tự tử chứ không phải bị thương. Lúc đó trung đoàn 4 của ông Lê Bá Khiếu bắt chỉ và 2 người nữa, nhưng 2 người kia chết rồi. Cô này bị thương thôi, sau đó lính gác cổ ngủ trưa sao đó mà chỉ lấy được súng và tự bắn chỉ, trúng phổi. Lúc đó chú cũng bệnh, cũng nằm ở đó, bữa đó chú… Mà chuyện đó để bữa nào gặp rồi nói chuyện cho nghe, vui lắm, chứ nói qua điện thoại thì không rõ nhiều đâu.”

Ông lại nhắc:

Bây giờ nói với cô em đó là hỏi cô Tâm xem hồi đó cổ có nằm ở bệnh viện 1 Dã Chiến hay không?”

“Nhưng lúc đó chị đó có biết tên bệnh viện đó là bệnh viện 1 Dã Chiến không chú? Sợ lúc đó chỉ còn nhỏ quá,, mới mười mấy tuổi nên không biết…”  Tôi hỏi ngược lại.

“Đâu có, cổ biết chứ! Lúc đó cổ cũng chừng 20 tuổi rồi!”

“Chừng 20 hả chú?” – Tôi hỏi lại vì nhẩm tính trong đầu xem có đúng với tuổi của chị Tâm không.

“Ừ, chỉ là con gái mà! Vì khi đó chú nằm bên, chỉ nằm bên. Chú cũng bị bất tỉnh vô đó nằm, sau 2, 3 ngày gì tỉnh lại thấy có chỉ nằm bên kia mà không có quần áo gì bận hết á. Chỉ bị thương nặng lắm, bị ngay phổi mà. Chú nói mấy bà đem đồ giúp chỉ, chú ở đó nửa tháng rồi liên lạc với tướng Toàn xin ông cố vấn Mỹ cho chỉ ra đệ thất hạm đội chữa bệnh.

Rồi không biết vì sao ra ngoài đó rồi họ đưa qua Mỹ luôn cũng không hiểu nữa. Từ lúc đó về sau thì chú không biết, không liên hệ được. Chứ trước đó thì lâm ly bi đát, hay lắm, nhiều chuyện lắm.”

Nói đến đây, ông tuyên úy lại cười một cách khó hiểu.

Tôi cũng cười theo ông và hỏi, “Lâm ly bi đát là lúc trong bệnh viện đó hả chú?”

Ừ, chuyện đó hay lắm, có nhiều chuyện “action” lắm. Nếu chỉ nói cổ có nằm ở bệnh viện đó và có người giúp đỡ thì chính xác là chỉ rồi đó.”

Ngừng chút xíu, chú H. tiếp, “Hồi đó sau khi đi tù về, chú có về Quảng Ngãi tìm, chú tưởng đâu bà đó đi ra Sơn Trà rồi sau này, sau 75 bả làm lớn lắm, nhưng mà kiếm tìm bả không có.”

“Bệnh viện 1 Dã Chiến là ở Quảng Ngãi hả chú?”

“Ừ, ở Quảng Ngãi, bệnh viện đó lớn lắm. Còn Sơn Trà là trại tù binh nhốt cộng sản lớn lắm ở Đà Nẵng. Tức là phao tin đưa chỉ ra Sơn Trà, nhưng thực ra là đưa xuống đệ thất hạm đội.

Khi chú nói chuyện nhờ ông tướng Toàn giúp đỡ, thì ổng gọi ông bác sĩ Hải hỏi thăm. Bác sĩ Hải cho biết bệnh chỉ rất nặng, có thể không sống nổi, nên chỉ còn cách thử xin đưa xuống đệ thất hạm đội chữa thử xem, nhưng không có nhiều hy vọng.” Chú H. giải thích

“Lúc đó đệ thất hạm đội đậu ở đâu?”

Đậu ở ngoài Thái Bình Dương á. Để máy bay vô yểm trợ cho quân lực VNCH, ngoài đó có cái tàu bệnh viện.”

“Khi đó là năm 68 hả chú?”

“Ừ, từ năm 68, 69, 70, 71, 72 gì cũng còn chiếc hạm đội đậu ngoài đó.”

“Lúc đó chỉ bị thương nặng nhưng chỉ tỉnh táo hay không biết gì hết hả chú?”

Sau này mới tỉnh. Thời gian nửa tháng ở đó, chú nói chuyện tâm sự với chỉ rất nhiều. Vì hồi trước quê chú cũng ở đó, ở làng của chỉ, nhưng sau này làng đó mất an ninh rồi. Mà mấy cô này hình như là lính đi xuống mua lương thực, mua thuốc men, kiểu như du kích chứ không phải lính chính quy.”

“Theo chú nghĩ thì chỉ không có bị mất trí, đúng không?”

“Không, không có đâu.” Chú H. cười khẳng định, rồi nhớ lại:

“Hồi trước chỉ đẹp lắm, con gái mà, đẹp lắm.  Khi đọc báo thấy bức hình, chú nhớ mang máng…”

“Chú nhìn hình thấy có gì giống không?”

Thấy hơi giống giống, cặp mắt hơi giống giống. Hồi đó trẻ mà học thức thì cũng lớp 2, 3 gì thôi, viết cho chú cái thơ chữ cũng méo qua méo lại, thơ đó chú còn để ở lại Sài Gòn, ở đường Lý Chính Thắng, vợ con chú còn bên đó mà.”

Tôi lại thắc mắc, “Phải có linh cảm gì thì chú mới nhìn hình, đọc bài báo mới nghĩ, mới nhớ đến chuyện đó phải không?”

“Chú chắc 80% là cô đó. Khi đọc bài tự dưng cứ tin chắc là như vậy, chứ không có ai khác. Vì viết cái thơ cho chú là Lê Thị Tám hay Tâm gì đó, vì chữ bị méo nên không rõ.

Hồi đó chú đi tu nên lấy tinh thần cứu khổ độ sinh nên thấy người ta sắp chết nên mình muốn cứu họ thôi. Sau này đi tù về thì cũng về đó hỏi thăm, mà không ai biết hết. Tôi quên luôn, đến khi đọc bài báo tự dưng giật mình luôn đó.”

“Vậy là đọc bài báo đó là chú nhớ liền hay sao?”

“Nhớ liền, nhớ liền, vì nó ở trong tâm trí mà” Ông lại cười khó hiểu. “Chuyện đó hay lắm. Nếu mà cô có viết bài chắc cũng phải 2, 3 bài lận

Ngừng một xíu, ông nói tiếp:

“Tại sao khi đó chỉ có súng mà chỉ không giết hai người lính mà lại tự tử? Mình thấy tinh thần đó hay chứ!”

“Lúc đó chú có hỏi chỉ chuyện đó không?”

Lúc đó có hỏi sơ sơ, không hỏi nhiều.”

“Rồi chỉ nói sao?”

“Thì chỉ nói là không muốn sống nữa. Chỉ nói 2 người bạn chết rồi, mà khi chỉ bị bắt thì vết thương cũng nặng lắm nên chỉ không muốn sống nữa. Chỉ cũng nói nhiều chuyện lắm.”

Tôi cười “chọc quê”, “Vậy ra chỉ cũng chịu nói chuyện với chú quá chứ!”

Chú H. cười giòn tan, “Ừ, thì trong đó toàn là đàn ông không à, chỉ có mình chỉ là đàn bà thôi à, không nói thì nói với ai.”

Chú H. lại nhắc là phải hỏi xem có phải chị Tâm từng nằm ở BV 1 Dã Chiến không, trước khi kể tiếp:

Lúc còn ở bệnh viện, khi thấy chỉ đã tỉnh hơi khá khá rồi thì chú có kêu mấy bà quen mua đồ cho cổ mặc. Khi chỉ gần đi, chú cũng có nói mấy bà vô thăm và biếu quà cho chỉ, riêng chú thì không tới đưa được. Khi đó chú đã xuất viện trước, thỉnh thoảng có tới thăm, nhưng hôm chỉ đi thì chú lánh mặt, bởi nói là đi Sơn Trà nhưng mình lại vận động đi đệ thất hạm đội chữa bệnh nên dù sao thì chuyện sắp xếp cho chỉ đi như vậy cũng không phải là hợp pháp, sợ tình báo tùm lum.”

Chú H. kết luận, “Vì chú lánh mặt nên cổ mới ghi lại lá thư đưa cho ông y tá, chuyển lại cho chú.”

Tôi chú ý đến đoạn chú H. kể:

“Lúc đó, chú có hỏi cổ, ‘con có muốn về hồi chánh không?’ thì cổ hơi ngần ngừ, ‘Nếu thầy giúp đỡ được thì con về.’ Vì thế chú mới vô nói với tướng Toàn. Tướng Toàn hỏi bác sĩ và nói, cổ không sống được lâu thì xin làm chi. Sau cùng chú nói thôi người ta sắp chết rồi, thiếu tướng có giúp đỡ đưa ra đệ thất hạm đội để chữa bệnh được không. Ổng nói thì muốn thì ổng nói với ông cố vấn Mỹ đưa đi. Thì tuần sau là đưa chỉ đi.”

“Chú có nhớ chính xác năm chú và chỉ nằm ở bệnh viện đó là năm mấy không?”

Khi đó là năm 70, 71 gì đó, không nhớ chính xác lắm.”

“Ông tướng Toàn chú nhắc bây giờ còn sống không?”

Nghe nói ổng chết rồi. Nhưng ông Khiếu còn, nhưng chuyện này chắc ông Khiếu không biết đâu. Lúc đó chú chỉ nói trực tiếp với ông Toàn, vì chú với ông Toàn thân lắm nên nói trực tiếp luôn.

Lúc đó nếu chỉ khỏe mạnh thì đã xin hồi chánh được rồi. Có điều giấy tờ hồi chánh thì bên tỉnh lo chứ không phải bên tướng Toàn lo.”

Ngẫm nghĩ một lát, chú Hải bỗng nói:

Tại sao Mỹ đưa đi lại không báo cho VN biết, đó là chuyện rất đáng đánh dấu hỏi? Nếu có như thế nào cũng phải báo, đằng này không nói gì hết, lỡ cổ chết rồi thì sao? Mà thực tình lúc đó đưa xuống hạm đội hay đưa qua Mỹ luôn thì thực tình chú cũng không biết luôn.”

“Vậy, tức là khi đọc bài báo, ngờ ngợ ra đó là cô gái hồi xưa chú biết thì chú cũng cảm thấy có điều gì không bình thường?”

“Ừ, không bình thường. Đáng lẽ nếu có đưa sang Mỹ thì địa phương phải biết.”

“Có khi nào người ta báo mà chú không biết?”

“Không có đâu. Xưa giờ không thấy trường hợp nào như vậy. Chỉ có nghe bà Thanh Hải Vô Thiện Sư là trong trường hợp đó thôi, tức là đi mà hỏng ai biết hết á.”

“Thôi, để từ từ rồi cũng có tin tức là.” Chú H. nói như an ủi tôi trước khi tắt máy.

***

Bão tuyết giữa tháng 8

 Nghe câu chuyện lạ lùng của ông tuyên úy, ngay tối hôm đó, sau khi đi làm về, tôi lại gọi điện thoại cho chị Tính. Vừa muốn kể cho chị nghe tin này, vừa nhân đó làm cái cớ gọi để nhắc chị vụ xin số điện thoại của chị Lê Thị Tâm.

Chị Tính cho biết, “cách đây ít ngày chị Tâm có gọi về, chỉ nói ở bển đang có bão tuyết nên cây nhà trụi lá. Chỉ vẫn không cho số điện thoại nói là để chỉ dùng thẻ ‘xanh’ gì đó gọi về rẻ lắm.”

Khi nghe chị Tính nói, tôi cảm thấy ngạc nhiên kinh khủng, “bão tuyết? Giữa tháng 8 có bão tuyết ở Texas?” Để chắc là mình không nghe nhầm, tôi hỏi lại, “Chỉ nói có bão tuyết hả chị?”

Chị Tính vẫn trả lời rất tự nhiên, “Ừ, chỉ nói là bão tuyết quá nên cây ổi sau nhà rụng hết trơn.”

Giữ sự thắc mắc đó trong lòng, tôi quay qua nói kể cho chị Tính nghe câu chuyện trên, tức nhiên là kể sơ lược rồi.

Nghe xong, chị nói, “chưa bao giờ nghe chị Tâm nhắc đến chuyện này. Nhưng khi nào chỉ gọi về chị sẽ hỏi.”

Chị Tính cho tôi biết thêm là “chị Tâm bảo nếu chị muốn du lịch sang Mỹ thì chỉ bảo lãnh cho đi. Vậy khi nào chỉ gửi giấy tờ có địa chỉ về đầy đủ, chị sẽ cho Lan biết.”

Như mọi lần, tôi lại nhắc chị Tính nhớ xin số điện thoại của chị Tâm trước khi tắt máy.

***

Chừng 10 ngày sau tôi lại gọi cho chị Lê Thị Tính. Lần này đến phiên chị Tính kể rằng chị “không biết đâu là đâu” vì bởi cách đây 2 năm, chính chị đã đi vô Gia Lai Kong Tum, nơi có mộ chị Tâm, để định bốc mộ chị Tâm đem về Quãng Ngãi.

Hehe, muốn biết chuyện người ta chứng kiến chị Tâm chết nằm sấp như thế nào và chuyện người bạn ở cùng đơn vị ngày xưa nhận ra chị Tâm trong lần về nước vừa rồi ra sao thì…. hehehehe “biết rồi khổ lắm, nói mãi!”