Hành trình tìm kiếm “người chết sống lại sau 42 năm” (kỳ 4)

Hôm nay tui quyết định đổi tên loạt bài này, vì nhìn lại tên cũ nghe có vẻ “nghiêm túc” và “chính trị” quá, tui không thích 😛

Kế nữa, lúc viết xuống từng hồi, tui mới có dịp điểm lại hết trình tự các sự kiện. Cho nên có thể có đôi chỗ trong lúc giới thiệu tiếp phần sau ở cuối mỗi kỳ, tui có hơi nhầm lẫn tí xíu, tí xíu thôi chứ không có gì “nghiêm trọng”  về thời gian.

Vậy thôi, bây giờ thì bắt đầu mở màn xem tiếp 😛

 

Cuộc chuyện trò lần 2 với người em gái: có thêm vài đặc điểm về “liệt sĩ Việt kiều”

Ngày hôm sau tôi gọi lại cho chị Lê Thị Tính, em gái chị Lê Thị Tâm-người được công nhận là ‘liệt sĩ’ từ năm 1968, nay bỗng từ Mỹ trở về thành Việt kiều – vì chị Tính hứa sẽ cho tôi số điện thoại mà chị Tâm gọi về từ Mỹ và chị Tính có “lưu lại” trong máy, dù biết là số đó gọi bằng thẻ. Chị Tính có vẻ rất vui khi nói chuyện và cho tôi thêm vài thông tin về người chị gái của mình.

Chị Tính kể lại đã lên Internet xem các bản tin viết về chuyện “chị hai của chị” và chị tỏ ra ngạc nhiên là không chỉ có trên trang mạng của tờ SGTT mà còn những 6 tờ báo khác cũng đưa tin này, “thấy họ sao chép qua 6 hình thức lận.” Chị nói.

“Chị thấy họ viết có đúng không?” Tôi hỏi.

“Thì nội dung vậy là đúng rồi. Chỉ có điều là Vinh, phó chủ tịch xã, là thế hệ đàn em, Vinh còn nhỏ lắm, đâu có biết chị hai của chị đâu, mà Vinh cũng không có hỏi từ gia đình chị mà nghe ai kể đó rồi lại nói với báo chí, nên có vài chỗ không chính xác. Chị của chị đi từ năm 14 tuổi, rồi đến năm 68 mới mất tích, chứ không phải đi từ năm 68 rồi mất tích năm đó luôn.” Chị Tính đính chính.

Chị Tính nói thêm, “Những bức hình họ đăng trên báo đều là hình lấy từ nhà chị, do chị chị mang về. Nhưng hình đó là chỉ chụp từ hồi lâu rồi, từ hồi trẻ á, từ hồi đám cưới chỉ lận, chứ bây giờ chị già rồi.”

“Vậy chị có hình nào chụp hôm chị Tâm về không?”

“Có nhiều lắm, nhưng mà nằm trong máy phía bên nhà chồng chỉ á. Họ nói khi nào rửa rồi mới chuyển cho chị, nhưng từ hôm về đến giờ vẫn chưa chuyển.”

Tôi gợi ý, “Hôm qua chị có coi lại thử số điện thoại chị Tâm gọi về không chị?”

Chỉ gọi bằng số thẻ ‘xanh’ gì đó nên số đó chị không gọi lại được. Họ cứ bảo là ‘cuộc gọi không thực hiện được,’ chứ không nói là số máy sai.”

“Từ hôm chị Tâm về đến nay chỉ gọi điện cho chị mấy lần rồi?”

“Từ hôm về chỉ chỉ gọi cho chị một lần thôi, nói là ‘chị về tới nơi rồi nhưng chị cảm quá để hôm nào khỏe chị sẽ gọi cho em, chứ em đừng có gọi qua mắc tiền, để chị chủ động gọi.’ Hôm chỉ về bên này xong lúc chỉ đi chỉ ‘khàn’ lắm!” Chị Tính nhiệt tình trả lời.

“Chị Tâm nói là chỉ ở Texas nhưng mà có là chỗ chỉ ở có đông người ViệtNam không chị?”

“Chị không hỏi đến cái đó. Chị chỉ hỏi là sao lâu quá mà chỉ vẫn còn nhớ tiếng Việt, nói tiếng Việt. Mà chỉ nói tiếng miền Namkhông à, trong khi tiếng miền Trung của xứ chị rất nặng. Chị là người Trung nhưng do chị sống ở Đà Lạt nên tiếng của chị có nhẹ đi đó. Chứ nếu đúng tiếng miền Trung của chị thì em không nghe được đâu.”

Đúng là nhiều chữ chị nói tôi phải nghe đi nghe lại mới hiểu chị nói gì!

Chị Tính nói chuyện với tôi như kiểu kể chuyện với bạn bè. Chị Tính kể rằng báo Tiền Phong và nhiều tờ báo VN khác đã gọi phỏng vấn chị rất nhiều, “nhưng họ hỏi nhiều quá, chị còn công việc, đôi lúc chị không có đủ thời gian, cho nên có hồi chị tắt điện thoại để đi về quê chơi.”

Tôi lại nhẹ nhàng nhắc lại chuyện là bên này tôi sẽ có cơ hội gặp chị Tâm để nói chuyện với chỉ nhiều hơn nên cần có số điện thoại hay địa chỉ của chị Tâm. “Nên khi nào chị Tâm có cho số điện thoại thì chị Tính nhớ báo cho em biết cái nghe.”

Nghe tôi nói vậy, chị Tính bảo:

“Mà em nè, bên này họ nói họ ‘giữ kín,’ (không biết tai tôi có nghe sai không),  tức là theo thông tin chị cảm nhận được từ những phóng viên khác họ tìm hiểu về chuyện hội ngộ thì chị không nói gì rồi, nhưng họ có những câu hỏi, thắc mắc, mà buộc chị phải dùng từ là ‘nổi điên.’ Chị nổi điên lên, vì họ cứ hỏi vì sao mà một người đang định cư ở Mỹ mà lại là một liệt sĩ? Cái đó là do nhà nước công nhận chứ có do bản thân gia đình chị tự huyễn hoặc được đâu! Nhà nước làm sai thì nhà nước phải chịu chứ, tại sao lại cứ đi hỏi lung tung như vậy. Thành ra có khi họ hỏi lung tung, chị chỉ ngồi chơi vậy chứ hỏi chị không thèm trả lời nữa.” Chị kể lại mà giọng thể hiện được đầy đủ sự bực bội khi đó.

Chị lại tiếp tục “phân trần”:

“Lúc chỉ ở Qui Nhơn, họ cứ chạy đi chạy lại, hỏi những câu hỏi mà làm cho mình bực bội đi, nhiều lúc chị cáu lên là chị không trả lời. Họ cứ bảo là muốn tìm chỉ, mà chỉ có ở nhà chị đâu mà hỏi, chỉ về chỉ đi liền mà.

Từ bao năm nay, năm nào mà không giỗ không cúng, cả xóm ai lại không biết. Nếu biết người nhà mình còn sống thì điên gì mà giỗ mà cúng chứ, mà còn đi mời hàng xóm tới ăn cúng. Thành ra khi họ hỏi như vậy tức là có niềm thắc mắc nên chị cáu lên và không trả lời. Có rất nhiều tờ báo Việt Nam hỏi rất lung tung nên bực lên là chị cáu thôi.”

Tôi và chị nói chuyện linh tinh bên ngoài một chốc. Chị hỏi tôi có thường về VN không? Sao nghe giọng tôi như giọng người Bắc? Nào là chắc tôi hên nên chị mới bắt điện thoại chứ hổm rày là chỉ mệt lắm rồi…

Xong, chị nói một cách rất thân tình, sau khi nghe tôi thật sự muốn phỏng vấn chị Tâm:

“Mà thôi em nói vậy thì chị nghe vậy nhưng mà chị nói em nghe là chị của chị tính trầm ngâm lắm! Theo chị nhận định thì có lẽ do tuổi tác, hai là do chỉ bị thương, ba nữa là chỉ bị áp lực là qua đó từ nhỏ, không người thân nên chị nhận xét là chỉ trầm ngâm là một, thứ hai là không tiếp xúc nhiều với bên ngoài cho nên là không nắm bắt được các thông tin. Chị thì nghĩ vậy nhưng do thời gian ít quá, chị và chỉ nói chuyện không nhiều, nên chỉ có thể hiểu được vậy thôi. Cho nên nếu có dịp nào mà gặp được chỉ thì em cũng nói cởi mở, vui vẻ chứ nếu không là chỉ không nghe đâu!”

Rồi chị Tính nói thêm:

“Chỉ sống bó buộc lắm! Chỉ bảo là chỉ ở trong cái xưởng của chỉ, chứ không đi làm thuê cho người ta, chỉ mấy năm đầu chỉ đi làm thuê, còn mấy chục năm nay là chỉ tự đặt máy giặt đồ tự làm. Hồi nào muốn nghỉ thì chỉ đi xuống biển câu cá chơi vậy thôi. Còn lại lâu lâu thì hòa nhập với cộng đồng Việt một tí vậy thôi. Còn hầu như chỉ không có bạn bè rủ nhau đi chơi, nói chuyện quê hương gì lắm. Chị thấy có vẻ như chỉ rất ít mối quan hệ bên ngoài.”

Kết thúc cuộc nói chuyện này, tôi cho chị Tính số điện thoại để liên lạc trực tiếp với tôi, cũng không quên nhắc là “nhớ xin số điện thoại chị Tâm.”

***

Trong thời gian chờ đợi cuộc gọi kế tiếp, một ngày kia, anh Thiện Giao, chủ bút tờ NV, kêu tôi đến nói, “Có một người biết rõ câu chuyện về cô Tâm này!”

Tôi gần như “rú” lên, “Thiệt hả? Ai vậy?”

Anh nói bằng vẻ vừa “bí mật” vừa đắc chí:

“Người đó hiện đang ở rất gần đây. Ổng là người giúp cổ lúc cổ bị thương. Ổng là một thầy tu, một ‘cao tuyên úy’.”

“Sao anh biết?” Tôi nôn nóng.

“Anh vừa mới uống cà phê với ổng, ổng kể anh nghe.”

Không cần chờ tôi xin, trong lúc vừa nói, anh Giao cũng vừa lần tìm số điện thoại của ‘thầy H.’ để đưa cho tôi.

“Em gọi cho ổng đi.” Tôi cầm số điện thoại mà tim nghe thình thịch.

Trở về bàn, lấy điện thoại, mang theo giấy viết, máy thu, tôi biến ngay vào góc phòng họp để có chỗ yên tĩnh thực hiện cuộc phỏng vấn hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Mà quả nhiên, tôi không thể hình dung có lúc câu chuyện lại chuyển qua một hướng lạ lùng như vậy.

***

Chắc không cần nói, mọi người cũng biết tui định ghi câu gì ở đây 😛