Hành trình tìm kiếm ‘người chết sống lại sau 42 năm’ (kỳ 2)

Cuộc trò chuyện với anh Phan Diễn, anh em cô cậu với “liệt sĩ Việt Kiều” Lê Thị Tâm
Có được số điện thoại người anh em họ với “liệt sĩ Việt kiều” Lê Thị Tâm, tôi tiếp tục thức trong tối hôm đó để gọi về Quảng Ngãi.

Sau khi nghe tôi giới thiệu là “phóng viên báo Người Việt ở California, nơi có rất đông đồng hương Việt Nam đang theo dõi câu chuyện này,” anh Phan Diễn cũng giới thiệu, “Tôi là anh em nhà cô cậu với Tâm.”

“Tôi có gặp Tâm rồi, hôm nó về nó thăm.” Anh tiếp.

Nghe anh nói vậy, tôi cảm thấy mừng mừng trong bụng, vì nếu không, cứ gặp phải những người “nghe kể là, nghe nói lại” thì còn nên nước non gì nữa cho bài phóng sự của mình.

Không chờ tôi hỏi, anh Diễn bắt đầu tóm tắt liền câu chuyện:

Câu chuyện này thật là bức xúc với gia đình. Trong thời buổi loạn lạc mà. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhỏ hơn Tâm 1 tuổi. Khoảng năm 65-68, cô tôi, tức là mẹ Tâm, bị địch bắt, chở đi khai thác, do phát hiện trong nhà có súng. Trong hoàn cảnh chim chậu cá lồng thời buổi loạn lạc, máy bay trực thăng chở Tâm đi hồi nào mình cũng không biết, chỉ biết mất tích là từ năm 1968. Mãi đến tháng 6 năm 2010 Tâm mới trở về thì gia đình mới biết là nó còn sống.”

Người đàn ông từ phía đầu dây điện thoại bên kia tiếp tục nói, giống như ông đang tự nhìn lại câu chuyện lạ lùng mà ông may mắn được chứng kiến:

“Chính bản thân tôi cũng cảm thấy lạ kỳ nữa, cô Ngọc Lan à. Trong thời gian nó đi tham gia cách mạng thì mình cũng biết là nó đi, nhưng không biết nó ở đơn vị nào. Sau khi có giấy báo tử về thì mới hay nó tham gia cách mạng và biệt tích. Đơn vị nó báo về thì gia đình mới làm thủ tục. Giờ thì họ cắt rồi.”

“Khi chị Tâm trở về như vậy thì mọi người có ngạc nhiên không anh?” Tôi gợi chuyện.

“Ui, rất là ngạc nhiên. Thậm chí cô tôi cứ rờ thử xem là người hay là ma. Chính tôi tôi cũng rất là ngạc nhiên. Bởi 42 năm cách biệt rồi, mà mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã cởi mở mấy chục năm rồi, nhưng tại sao nó ở Mỹ mà nó lại không liên lạc gì về với gia đình để hỏi thăm thử coi anh em thân hữu bà con cật ruột gì còn hay mất? Vì thế cho nên đây cũng là một sự nhọc lòng và có dấu hỏi của anh em chúng tôi.” Anh Diễn kể.

Dừng một chút, anh nói luôn câu trả lời của người em họ:

“Chúng tôi hỏi qua thì Tâm nói nó cũng có bệnh hoạn trong lúc mới bị bắt qua gì đó, cho nên có hồi nó nhớ, có hồi nó không.”

Thấy anh ngưng nói, tôi hỏi tiếp, “Anh hay mẹ chị Tâm và gia đình khi gặp lại chị Tâm thì cảm xúc như thế nào?”

“Bây giờ tôi báo cáo cô là trước hết tôi cám ơn cô Ngọc Lan với tinh thần người Việt Nam ở Mỹ đã làm công việc thông tin cho mọi người biết. Đó là việc làm rất tốt. Nhưng bấy nhiêu đó có đủ điều kiện để mình nói chuyện tiếp qua điện thoại không hè?”

Câu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu tôi hỏi làm tôi vừa “hết hồn” vừa mắc cười. Hết hồn là vì sợ anh “đề cao cảnh giác” tắt ngang cuộc nói chuyện thì uổng công. Mắc cười là vì nghe giọng điệu anh nói “ngộ ngộ, lạ lạ.”

Tôi nhanh nhảu, “Quá đủ luôn chứ sao mà hỏng đủ hả anh! Em không nói chuyện với anh qua điện thoại thì anh nói với em qua cái gì bây giờ?”

Không biết do nghe tôi “lanh” quá hay nghe tôi cười giòn quá mà anh Phan Diễn cũng cười thoải mái.

Dứt nụ cười, tôi hỏi lại, “Anh có thắc mắc về việc chị Tâm sao trong chừng ấy thời gian không liên lạc về nhà không?”

Anh cho biết:

“Đó cũng là điều rất bức xúc. Ở gia đình, cứ vào ngày 27 tháng 7, ngày thương binh liệt sĩ, thì cứ cúng miết, bởi tưởng nó chết rồi. 42 năm như vậy. Không có tin tức gì hết, mãi cho đến tháng 6 năm 2010 thì một phát nó về. Tụi tui thì người đang làm ngoài đồng, người đang đi làm nơi khác, nghe tin bất ngờ cũng chạy về.”

“Được tin nó có chồng cách đây 10 năm. Chồng ở Qui Nhơn, Bình Định. Rồi mọi người cũng động viên nó về Việt Nam để nhớ dần quê hương. Nó cũng không ngờ là mẹ còn sống, hay là anh con cậu như tui còn sống. Chiến tranh mà, gia đình tôi 6, 7 liệt sĩ mà, chết hết. Nó cũng được ghi vào sổ vàng liệt sĩ ở đây là hy sinh rồi. 42 năm xa cách rồi còn gì.”

Không khí cuộc nói chuyện càng lúc càng có vẻ chùng xuống. Không còn tiếng cười xen vào câu chuyện. Cho dù là ở chiến tuyến nào, nỗi mất mát người thân đều rướm máu như nhau.

“Anh có gặp chồng chị Tâm luôn không?” Tôi tò mò.

“Vâng. Về địa phương thì hoàn cảnh nó cũng éo le. Nó không hề biết là về mẹ còn sống. Nó còn thậm chí không biết là còn có cô em gái nữa mà, cô em gái sau khi nó mất tích rồi mới được sinh ra. Nó mất tích miết, tính đến ngày về là 42 năm, từ lúc nó 17 tuổi đến khi về là gần 60 tuổi mà.”

“Vậy là từ ngày chỉ đi đến giờ là không có liên lạc gì hết, phải không?” Tôi tiếp tục cuộc chuyện trò.

Anh nói có vẻ như hãy còn bực bội lắm, “Không có một tin tức gì hết. Hằng năm cứ giỗ miết, cứ coi như nó chết rồi. Đâu có ngờ là nó còn sống và trở về. Mà trong 42 năm, tôi cũng đánh dấu hỏi là tại sao nó ở Mỹ mà quan hệ giữa Mỹ-Việt là một quan hệ rất tốt đẹp, thì trong thời mở cửa nó có thể liên hệ qua điện thoại này kia tìm người thất lạc hay là tìm mẹ ở Việt Nam, rồi nó trở về cũng được mà?”

Người anh họ hỏi trống không, “Mà tại sao nó lại không về trong chừng ấy năm, mà đùng một cái nó về rất đột ngột như vậy?”

“Vậy anh có hỏi chỉ điều đó không?” Tôi hỏi ngược lại.

Giọng anh vẫn còn đầy vẻ nghi hoặc, “Có hỏi chứ. Nhưng nó nói là nó không có nhớ. Lúc nó tỉnh lại thì nó chỉ biết là máy bay đang chở nó đi. Khi xuống thì thời gian đó cứ ngày đi làm, rồi có khi quên ăn thì chị em làm cùng công ty hãng xưởng đó người ta lo cho nó ăn. Rồi cứ đi làm như vậy. Rồi nó bệnh, cho nên không nhớ được hết. Mà chẳng có đường nào mà nghĩ vì cả một khung trời xa lạ đó ở đâu về đâu, rồi quê hương mình ở đâu. Cho nên nó nói thật tình báo cáo vậy đó.”

Những chữ cuối cùng của anh lại khiến tôi xém bật cười (quái, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tại sao tôi lại dễ khóc và cũng dễ cười đến như vậy!)

Chuyện này rất là thảm thiết, như người về từ cõi chết.” Anh Phan Diễn kết thúc cuộc nói chuyện kèm theo tiếng cười xòa.

Anh không quên cho tôi số điện thoại nhà của chị Lê Thị Tính, em gái chị Tâm.

Ngó đồng hồ, đã quá nửa đêm. Dù có nôn nóng lắm vẫn phải chờ qua ngày mai mới có thể gọi cho em gái người “liệt sĩ Việt kiều,” người có thể cho tôi biết thêm nhiều điều hơn nữa về câu chuyện này.

***

“Ngày mai” tui mới gọi nên muốn biết người em gái chuyên lo việc làm đám giỗ chị gái hằng năm cảm thấy thế nào khi gặp người mình từng gặp “trên bàn thờ” bao nhiêu năm qua, nay trở về bằng xương bằng thịt là như thế nào,

Thì

Mời xem tiếp vào ngày mai 🙂