Hành trình tìm kiếm ‘người chết sống lại sau 42 năm’ (kỳ 1)

Giữ lời hứa, hôm nay bắt đầu kể lại câu chuyện này.

Tui sẽ kể theo trình tự những gì tui đã làm, để mọi người, giống như tui, có dịp nghiền ngẫm, suy nghĩ những gì xảy ra. Và tui cũng hy vọng là nếu có độc giả nào tình cờ biết được những gì có liên quan đến câu chuyện này, mà tui không biết, thì vui lòng cho tui biết thêm với nha. Cám ơn rất nhiều.

***

Mọi chuyện bắt đầu từ bản tin trên báo Người Việt ngày 11 tháng 7, 2010.

“Liệt sĩ Việt Kiều” trở về sau 42 năm mất tích

QUẢNG NGÃI – Bà Lê Thị Tâm, 59 tuổi, từng là binh sĩ của ‘Việt Cộng’, được xác nhận là đã ‘hy sinh’ năm 1968 và được công nhận là ‘liệt sĩ’ vào năm 1983, nay vừa đột ngột trở về từ tiểu bang Texas, thăm gia đình tại thôn Ðồng Xuân, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, sau 42 năm mất tích.

Câu chuyện kể trên được báo Sài Gòn Tiếp Thị thuật lại hôm 10 tháng 7, dẫn lời ông Huỳnh Xuân Vinh, phó chủ tịch xã Hành Thịnh: “Theo những gì được biết thì sau khi tham gia cách mạng và hoạt động tại địa phương, vào khoảng 1968, sau đó, chị Tâm cùng 2 nữ đồng chí khác được xác nhận đã bị bắn chết. Năm 1983 chị Tâm được công nhận liệt sĩ và hưởng các chế độ theo quy định cho đến nay. Sau khi chị Tâm còn sống và trở về thăm gia đình, ngày 2 tháng 7 năm 2010.”

“Liệt sĩ Việt kiều” Lê Thị Tâm

 (theo lời em gái chị Tâm, tấm hình này chụp gần 10 năm trước khi chị Tâm trở về VN gặp người thân)

Ông Huỳnh Xuân Vinh nói thêm rằng, “Xã đã mời cụ Phan Thị Lương (mẹ của bà Tâm) lên làm việc. Và bà Lương đã trả lại các giấy tờ liên quan đến việc công nhận liệt sĩ. Xã đã tiến hành các thủ tục để đề nghị cấp thẩm quyền cắt chế độ hỗ trợ liệt sĩ theo quy định đối với chị Tâm”.

Vẫn theo Sài Gòn Tiếp Thị, “Tin chị Tâm, con gái bà Lương đã ‘hy sinh’ cách đây 42 năm giờ đã trở về không chỉ ‘bằng xương bằng thịt’ mà còn là Việt kiều Mỹ, lan nhanh đi khắp nơi. Và trở thành ‘sự kiện’ gây nhiều ngạc nhiên cho người dân xung quanh, lẫn sự tò mò.”

Tờ báo nói rằng, tuy không được gặp trực tiếp vì “liệt sĩ” Tâm đã rời quê để trở về lại Mỹ. Nhưng từ lời kể của bà Lương và người em gái ruột là Lê Thị Tính (sinh 1968), hiện là giáo viên trường tiểu học Trần Phú và đang sống tại thành phố Quảng Ngãi, mà báo sài Gòn Tiếp Thị biết được phần nào câu chuyện.

“Theo đó, chị Tâm là chị cả trong gia đình có 2 chị em. Sau khi bị thương vào khoảng năm 1968, chị Tâm được máy bay chở đi, rồi được đưa sang Mỹ điều trị và tái định cư tại Texas cho đến bây giờ. Hồi mới nghe tin chị gái của mình còn sống và là Việt kiều, bản thân chị Tính không tin; đồng thời trong lòng nghi ngờ ai đó nhận nhầm, hoặc có ý định gì xấu. Thế nhưng khi gặp và qua hỏi han, trò chuyện và được người anh bà con, vốn là bạn thân của chị Tâm xác nhận thì chị Tính mới dám tin rằng đây là chị ruột của mình.’

Tuy vậy, tờ Sài Gòn Tiếp Thị không cho biết thêm bà Tâm bị đơn vị nào của quân đội Mỹ hay VNCH bắt và quá trình được đưa sang Mỹ ra sao.

Theo lời kể của bà Tính thì, “Khi nghe hỏi về lý do vì sao chừng ấy năm trời mà không thư từ liên lạc với gia đình, chị Tâm cho biết sau khi được đưa sang Mỹ điều trị xong, do xung quanh toàn là người bản xứ, mà bản thân không biết tiếng Anh, trình độ học vấn lại chỉ mới hết cấp 1. Còn về sau này chị lại không biết tin tức gì ở quê gia đình ai sống chết ra sao. Nhiều lần định về thăm quê, nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép.”

Vẫn theo Sài Gòn Tiếp Thị thì “Riêng việc về quê lần này và hội ngộ được với gia đình, như lời chị Tâm cho biết, cũng là điều ngoài sức tưởng tượng. Bởi lẽ, theo suy nghĩ của chị Tâm thì với chiến tranh khốc liệt như vậy và sau mấy chục năm trời bặt tin như vậy thì rất khó có thể tìm được gia đình.” 

***

Lần theo dấu vết

Một bản tin rất hấp dẫn, nhất là đối với người làm báo như tôi, bởi nội dung câu chuyện còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, khiến người ta phải tò mò, phải thắc mắc. Lý do bởi là nhân vật chính – người “liệt sĩ Việt kiều” – đã trở về Mỹ, nên báo chí trong nước chỉ có thể dừng lại ở chỗ đó mà thôi.

“Mình đang ở Mỹ, mình sẽ có điều kiện để khai thác tiếp câu chuyện lạ lùng này bằng cách phỏng vấn trực tiếp bà Lê Thị Tâm.” Tôi nghĩ như vậy. Thế là sau khi được các sếp đồng ý, tôi bắt tay vào việc đi tìm tung tích “liệt sĩ Việt Kiều” này.

Nhưng mà tìm từ đâu và tìm như thế nào đây?

Bắt đầu từ nguồn cung cấp tin, tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Email và gọi điện thoại hỏi. Không ai trả lời.

Vậy thì bắt đầu từ những người được nhắc đến trong bản tin. Ông Huỳnh Xuân Vinh, phó chủ tịch xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Thành, tỉnh Quảng Ngãi, và chị Lê Thị Tính, em gái “liệt sĩ Việt kiều” Lê Thị Tâm, giáo viên trường tiểu học Trần Phú, Quảng Ngãi.

Tôi lên Google tìm kiếm website trường tiểu học Trần Phú, từ đó hy vọng có số điện thoại hay email của chị Tính. Thế nhưng sục sạo “nát” hết trang web đó, cũng chỉ có được số điện thoại trường, nhưng mùa hè, gọi đến trường chẳng ai nghe hết! Thấy có email của một cô giáo trong trường Trần Phú, tôi chẳng ngại ngần email luôn cho cô đó, nhờ cổ nhắn tin đến cho cô Tính là “có phóng viên NL của báo NV ở California muốn tìm.” Đây là nguyên tắc đầu tiên của nhà báo: phải xưng danh xưng tánh trước khi phỏng vấn.

Có điều, email thì email, tôi không mấy hy vọng sẽ có hồi âm sớm, bởi số lượng thầy cô giáo ở VN sử dụng email, internet thường xuyên không có nhiều. (Mà đúng như tôi nghĩ, hơn một tháng sau, khi tôi đã tạo được mối quan hệ với cô Tính rồi thì tôi mới nhận được email trả lời từ chồng của cô giáo kia – vì cổ không rành sử dụng computer.)

Không tìm được từ trường Trần Phú, tôi quay sang đi tìm ông phó chủ tịch xã Hành Thịnh. Tên thôn, tên xã, tên huyện, tên tỉnh có cả rồi, thì cứ Google mà kiếm thôi.

Nhưng, á à, huyện thì có số điện thoại nhưng đến cấp xã thì không có nha. Tôi gọi cho UBND huyện luôn, xin số của xã. Ngon lành chưa. Nhưng, hệ thống điện thoại xã đang chuyển qua cái gì đó, quên mất tiêu rồi, nên người tiếp chuyện với tôi cũng không có số liên lạc được với xã Hành Thịnh. Cô đó cũng cho tôi một số, nhưng tôi không connect được.

Trời, chẳng lẽ chịu thua ở đây, hay cứ chờ đến khi tựu trường để gọi ngược lại trường Trần Phú?

Vừa khi đó, thấy có đứa học trò cũ đang xuất hiện trên Yahoo!Messenger, tôi nhảy vào hỏi nó có cách nào tìm dùm tôi số điện thoại của UBND xã Hành Thịnh. Nó bảo để nó thử.

Một chốc sau nó nhắn lại cho tôi số tôi muốn tìm. “Ôi, làm sao em tìm được?” Tôi hỏi. “Em cũng thử gọi tùm lum, cuối cùng nhớ ra có đứa bạn ở Quảng Ngãi, rồi bạn này gọi hỏi bạn khác dùm em…” – “Cám ơn em, cám ơn em nhiều lắm. Nhưng hôm khác cô sẽ ‘tám’ tiếp với em, bây giờ cô bận chút chuyện.” (cô giáo này đôi khi “cà chớn” vậy đó!)

Có số, tôi gọi về UBND xã tìm gặp ông phó chủ tịch. “Anh Vinh không có ở đây chị à!” – “Chị có thể cho tôi xin số điện thoại di động của anh Vinh được không, tôi muốn phỏng vấn anh Vinh một vài chuyện.” Có số điện thoại của ông phó chủ tịch xã, người được nhắc nhiều đến trong bài báo, tôi gọi ngay, như kiểu sợ ổng sẽ biến mất.

Cuộc trò chuyện với ông phó chủ tịch xã Hành Thịnh

Điện thoại reng, nghe tiếng “a lô”, tôi xưng danh tánh, và mục đích muốn tìm hiểu câu chuyện về người liệt sĩ bỗng trở thành Việt Kiều sau 42 năm.

Câu trả lời đầu tiên của anh phó chủ tịch xã này giống na ná kiểu trả lời của những người làm việc cho nhà nước ở VN, mà tôi có dịp gọi điện thoại về phỏng vấn những khi cần thiết.

“Nói điện thoại không hết đâu, để khi nào em về Việt Nam thì đến trao đổi trực tiếp đi, được không?” Anh chàng tìm cách né để không phải nói chuyện với “báo chí hải ngoại.”

“Làm sao mà được,” tôi nghĩ bụng, và tìm cách gợi sao cho anh phó chủ tịch chịu nói. Mà rồi anh chịu nói thật.

Anh nói như vầy (tất cả lời trích dẫn đều là nguyên văn hết nghe, vì tính tui hay quên nên tui luôn báo cho người ta biết là tui thu âm cuộc nói chuyện để sau đó ghi xuống cho không bị sót, hay thiếu chi tiết nào):

Anh không gặp chị Tâm, chỉ về ở đây có 3 hôm thôi. Khi anh nghe tin lên gặp gia đình thì chị Tâm đã đi rồi, thành ra chỉ có làm việc với gia đình. Gia đình có kể lại là vào năm 68, chị Tâm bỏ nhà đi, nói với mẹ là không muốn ở nhà với mẹ nữa. Đi cùng với 3 người nữ nữa, lên một vùng trên núi, rồi bị trúng đạn, bị thương, mọi người tưởng là chết. Trong khi đó chỉ lại còn sống, binh lính Mỹ phát hiện thấy chỉ còn sống nên băng bó và chở máy bay đưa thẳng về bên đó, rồi cổ ở miết bên đó luôn, rồi có chồng bên đó. Đến cuối tháng 6 vừa rồi có trở về quê cùng với chồng, về quê chồng ở Bình Định, rồi sẵn đó về quê thăm mẹ của chỉ.”

(À, ra là anh phó chủ tịch xã cũng chưa gặp mặt chị Tâm, anh chỉ nghe kể lại, rồi anh kể cho báo chí nghe)

“Như vậy là chị Tâm bỏ nhà đi rồi sau đó bị thương hay là chỉ đi bộ đội rồi bị thương?” Tôi hỏi.

“Thì khi chỉ bỏ nhà đi là để đi kháng chiến đó, rồi bị thương. Sau đó địa phương mới biết là cổ đi thoát ly nhưng bị mất tích. Mất tích xong rồi mới được chế độ liệt sĩ. Trong kháng chiến, những người thoát ly mất tích, hay hy sinh thì đều được công nhận liệt sĩ hết. Chính vì vậy nên nhà nước ViệtNam cũng làm chế độ liệt sĩ cho mẹ cổ nhận tiền tuất. Bây giờ con bả còn sống trở về thì bả mừng quá và tự nguyện trả lại tiền tuất. Con còn sống thì là mừng nhất rồi. Phần tiền đã nhận rồi thì thôi, nhà nước cho luôn bả, còn thời gian còn lại thì bả trả sổ lại không nhận nữa.” Anh phó chủ tịch xã nói tiếp.

Mà người nhà quê có tính dễ thương lắm, đó là khi họ đã chịu nói rồi là họ nói nhiều lắm, hơn mức mình mong đợi luôn. Anh tiếp tục kể:

“Anh trực tiếp gặp mẹ của chị Tâm, và mọi chuyện là do bà mẹ kể lại. Chị Tâm về cùng chồng và 2 người chị chồng. Lúc chị Tâm đến nhà kêu mẹ thì bà mẹ lại tưởng là người em của chị Tâm, tức chị Tính. Chị Tâm thì ôm mẹ khóc, bà mẹ thì cứ nghĩ là chị Tính giận chồng con nên khóc. Đến khi nghe chị Tâm nói “con là Tâm” thì bà mẹ mới biết là con mình còn sống. Mừng quá báo cho hàng xóm biết.”

Chờ anh ngưng lại, tôi hỏi, “Bản thân anh thấy sao về chuyện này?”

“Sự việc bà mẹ kể lại thì đúng là như vậy, là chỉ bị thương rồi mất tích, rồi mẹ con không liên lạc được. Cũng chính vì lâu quá không về nên cổ không nhớ gì hết, chỉ nhớ cái chợ Vom, mà chợ Vom cách đây cả 2 cây số, rồi hỏi mọi người mới chỉ dần dần lên. Nhà của cổ, cổ cũng không nhớ luôn mà.” Anh trả lời như thế.

Tôi hỏi xin anh phó chủ tịch xã có cách nói chuyện rất chân chất, dễ mến số điện thoại nhà của mẹ chị Tâm thì anh bảo anh không có, nhưng anh lại sốt sắng cho tôi một số điện thoại khác, “Đây là số điện thoại của anh Phan Diễn, là anh em cô cậu với cô Tâm, cũng là người làm ở xã. Em gọi hỏi thì có thể anh Diễn có.”

Mừng quá, đường đến đích của tôi có vẻ ngắn đi một chút.

Tôi tiếp tục thức trong tối hôm đó để gọi điện thoại cho người tên Phan Diễn. Đây là người nhỏ hơn chị Tâm 1 tuổi, nhưng lại là vai anh. Anh là người chơi với chị Tâm từ nhỏ, và biết trên đầu chị có một vết sẹo do té. Anh là người cứ đụng vào chị Tâm “coi là người hay ma,” và cho đến khi nói chuyện với tôi, anh vẫn không thôi thắc mắc về sự trở về một cách đột ngột của người em họ mình, sau 42 năm.

***

Muốn biết anh Phan Diễn đã “bức xúc” như thế nào về chuyện “người từ cõi chết trở về” của em họ mình, xin mời ngày mai đọc tiếp 🙂