Không thể nghĩ một mình

Tuần này, tự dưng nghe đầy lỗ tai những chuyện liên quan đến dịch vụ và khách hàng.

Nghe một mình rất mệt. Bởi mình nghe thì mình phải suy nghĩ. Mà một mình suy nghĩ thì làm sao biết nên như thế nào là đúng, nên như thế nào là hay. Nên thôi, ai vào đọc blog này, chịu khó nghe dùm tui luôn một miếng, và nghĩ dùm tui luôn một chút. Cám ơn nhiều.

1. Một chị đến một tiệm food-to-go mua một ly trà sữa boba cho con gái. Mang về nhà, đứa nhỏ uống đến nửa ly thì phát hiện bên trong ly chình ình một tấm receipt. Đứa nhỏ lợm giọng. Chị cũng lợm theo.

Tức mình, chị gọi điện thoại đến tiệm yêu cầu cho gặp manager để nói chuyện. Nhân viên tiệm bảo không có manager, và cứ gặng hỏi chị chuyện gì. Chị không muốn nói với nhân viên. Chị chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với người quản lý. Chị gọi đi gọi lại mãi cho đến sáng hôm sau, trước giờ đi làm, chị mới trút được nỗi ấm ức của mình với người chị cần tìm.

Người quản lý xin lỗi, nhiệt tình xin lỗi và nói sẽ cho người nhân viên đã làm rơi tờ receipt vào ly boba nghỉ việc. Tiệm sẽ trả lại cho chị tiền mua ly boba, cùng với “bonus” thêm 10 ly miễn phí. Đồng thời, chị muốn gì thì cứ nói cho manager biết để xem họ có đáp ứng được không.

Nhưng chị vẫn ấm ức. Có cho tiền cũng không dám uống thêm ly nào. Chị gọi cho tui để trút nỗi ấm ức. Nỗi ấm ức dồn nén từ việc chị đã rất khó khăn mới “trình bày được vấn đề” của mình với người manager. Chị ấm ức khi không biết rằng người ta nói đuổi nhưng có thực sự đuổi việc người nhân viên đó không.

Hay là mình đến đó mình canh đi! Tui định đề nghị như vậy, nhưng sợ chị quay sang trút cục bực qua tui. Nên tui nín.

2.

Chị làm nhân viên quảng cáo. Mỗi mẫu quảng cáo trước khi cho đăng báo, chị email cho khách hàng, yêu cầu họ dò lại, xem lại coi có đúng ý chưa, có bị sai thiếu chi tiết gì không. Khi nào khách trả lời “ok” thì chị mới cho lên báo.

Khách đến đăng cáo phó, nguyên một trang. Như bao lần, khách đồng ý. Báo lên.

Khách gọi lại, té tát, “Đăng sai rồi. Phải đền.” – “Sai gì?” -“Tại sao ghi ngày giờ thăm viếng mà không ghi năm, người ta tưởng năm ngoái hay năm sau thì sao?”

Hahahaha, má ơi.

Chị ôm đầu. Nhưng mà anh cũng đã dò lại và đồng ý rồi mà.

“Không, cô là người có trách nhiệm sau cùng. Tôi không đồng ý.” Tang gia bối rối thì bối rối nhé, nhưng anh đủ kiên nhẫn để nhất định buộc phải đăng lại cho anh thêm một ngày, đền cho anh một ngày anh mới bằng lòng.

Thì đền. Cáo phó đăng hai lần, chỉ bởi không có cái năm.

3.

 Chị là nhân viên một nhà thuốc. Một thiếm tới đưa toa “refill” 2 loại thuốc. Chị xem toa, coi hồ sơ và cho biết chỉ có thể refill một loại, còn một loại đã “expired” nên thiếm phải trở lại gặp bác sĩ để họ cho toa khác.

Thiếm nhất định không chịu. Thiếm bảo, “Expire sao được mà expire, thuốc đang uống mà expire cái gì.”

Giải thích thế nào thiếm cũng không thủng. Thiếm chỉ đổ quạu mà quăng luôn cái chai thuốc vừa refill kia lại và lệnh, “Tui không lấy cái này nữa. Tui lấy thứ khác.”

Chị hỏi thiếm muốn lấy thứ nào thì thiếm bảo, “Mở máy tính ra. Trong đó có.”

Chị dò trong máy thấy có tới nhiều loại thuốc thiếm dùng. Mà thiếm thì lại chả thèm nói tên hay cho biết một đặc điểm gì của thuốc thiếm muốn. Chị đành phải lò dò kiếm từng thứ xem loại nào có những tính chất giông giống cái chai thiếm quăng lại. Chị phải hỏi, phải mô tả, có phải loại đó uống mỗi lần nửa viên, uống này 2 lần không, nó có màu như vầy như vầy phải không…

Nghe hỏi, thiếm càng nổi giận, “Cô có biết đọc chữ không? Đã nói trong máy tính có mà sao cứ hỏi?”

Chị cười, cái cười giả lả của người miền Tây, giải thích, “Em phải hỏi cho chắc chứ không thôi lấy lộn chị lại không bằng lòng?”

A, tình huống điên tiết thế này mà còn cười là sao? Cười khi dễ à? Cười khinh thường à? Thiếm hét lên.

Người Việt Nam không có thói quen cười với khách. Mà khách này đang nổi điên thế mà chị lại cười thì chị đáng tội chị lắm rồi! Không chấp nhận được!

“Đuổi ngay cái cô này! Cổ không biết làm việc. Mướn nhân viên mà có biết training không? Tại sao cổ không biết đọc mà cứ hỏi là sao? là sao?” Thiếm thượng đế như nữ tướng thét giữa trận tiền. Chị đứng chết trân như Từ Hải.

Mà cao trào vẫn chưa đến hồi đỉnh điểm. Một người manager chạy ra, vuốt lấy vuốt để, “Ai có làm lỗi gì thì cô bỏ qua. Mong cô bỏ qua!”

Trời ạ, chị tự hỏi hình như người quản lý chưa từng học qua lớp tìm hiểu về tâm lý khách hàng hay giải quyết tình huống. Tại sao trong lúc thiếm thượng đế hét như xung trận giữa chốn ba quân mà lại không biết mời thiếm ấy vào văn phòng để cho thiếm hạ hỏa và nghe thiếm trình bày câu chuyện, trả lại chốn bình an cho những người đầu đang muốn lên tăng xông, tim đang muốn nhồi máu vì tiếng la mắng vang dội của thiếm.

Người ta không biết rằng những lời ve vuốt trong lúc đó càng khiến nữ tướng thiếm tưởng mình là thượng đế thật, “Đuổi việc cổ. Đuổi ngay lập tức. Người không biết làm việc, lại còn cười khi dễ!”

Chị cười chua chát, “Bỗng nhiên mình trở thành một ‘stupid person’ giữa mắt thiên hạ.”

Chị bỗng hỏi, “Xưa giờ chắc Lan chưa bao giờ bị chửi như thế hả?” Tui “ừ”. Xong chợt nhớ, “À, có, nhưng bị kiểu khác. Không bị chửi thẳng vô mặt, vì có giáp mặt độc giả đâu.”

“Chửi gì chứ?” Chị ngạc nhiên.

“Đồ Việt cộng!” Chị nghe câu trả lời của tôi, bật cười khanh khách.