Mừng… hụt

“Chị Lan ơi, có người này nói biết tin tức của đứa con thất lạc nè!” “bé” N. vừa bận bịu tiếp khách nơi “front desk,” vừa dúi vào tay tôi mảnh giấy ghi số phone của một người tên S, ngay khi thấy tôi vừa ló mặt vô tòa soạn.

Tôi nghe tim mình đánh thót. Hổm rày có nhiều người gọi đến, nhưng nói là “biết tin của đứa con thất lạc” thì chưa có ai.

Không chờ phải vô đến bàn làm việc, đứng ngay quầy tiếp khách đến đăng rao vặt, quảng cáo, tôi móc phone ra gọi ngay.

“Tôi biết hai người trong tấm hình đó, họ ở chung trại tị nạn hồi ở Thái Lan với tôi. Tấm hình đó là chụp hồi ở trại tị nạn Thái Lan. Người đàn ông trong hình tên là BXC, còn cậu con trai kia tên NĐP là đúng rồi.” Người đàn ông từ phía bên kia điện thoại, tên S., cho tôi biết.

Theo lời ông S., nếu tìm ra ông C thì có thể biết tin của NĐP, “vì hồi đó, cậu P. đi một mình, nên hay qua trại của ông C chơi, và kêu ông C bằng bố. Hai người đó thân với nhau lắm.”

“Nhưng tôi nhớ không lầm thì hình như khi phỏng vấn cậu này bị bác đơn đi Mỹ,”ông S. nói thêm.

“Làm sao tìm ra ông C.?” tôi thắc mắc.

Ông S. cho biết cách đây hơn 10 năm, khi ông còn ở Texas, một lần ông sang Cali, tình cờ có gặp ông C, khi đó ông C. làm ở chợ V.Đ.

Ồ, hy vọng có manh mối.

Tôi cám ơn người đàn ông tốt bụng. Dự định trong đầu, vào tìm hỏi ngay ở chợ V.Đ xem có người nào tên BXC từng làm ở đó không. Nhưng vừa lúc đó, ông S nói tiếp, “Cô chờ tôi chút xíu. Tôi nhớ ra là có một người bạn có thể biết hiện giờ ông C đang ở đâu. Cô cho tôi 15 phút.”

Trong 15 phút chờ đợi, tôi vào lùng hỏi mọi người chợ V.Đ cách đây hơn 10 năm giờ là chợ nào, ở đâu.

Chị L và bé N cho tôi biết chợ đó bây giờ là T.P. Chưa kịp gọi điện đến chợ T.P hỏi thì ông S. gọi lại.

“Cô NL ơi, ông C. bây giờ làm ngay bên cái chợ Đ.L cạnh báo NV của cô đó.”

Tôi “á” lên một tiếng.

 Ông S. tiếp tục, “Một người quen của tôi nói cách đây chừng 4 tháng có gặp ông C. Ông C. nói đang làm cho Đ.L. Cô sang đó hỏi thử đi. Chúc cô may mắn.”

Tôi chạy vào bàn làm việc, vớ tay lấy áo khoác, vừa đi vừa nói với sếp N., “Em sang chợ Đ.L hỏi cái này chút.”

Chân bước chưa ra khỏi phòng, sếp N. hỏi với theo, “Cô giáo qua hỏi cái gì?”

À à, thì ra sếp cũng nôn nao, tò mò, chứ xưa giờ tôi đi đâu có bao giờ sếp quan tâm. Tôi phải dằn cảm giác náo nức như thể chỉ cần bước vài bước sang nhà hàng xóm của mình là có thể gặp ngay được đứa con mà mẹ trông mong hai mươi mấy năm nay, để tóm tắt lại những chuyện vừa xảy ra cho sếpN. nghe.

“Ừ, ừ đi đi, Đ.L ngay bên cạnh mình đây hả?” sếp muốn khẳng định lại một lần nữa.

“Yes, sir.” Tôi vừa nói vừa dọt.

Ra đến cửa, tự dưng thấy hồi hộp lạ. Bé N nhắc, “chị Lan cầm theo tờ báo qua đó đi.” Tôi lấy tờ báo, rồi rủ, “Chị L đi với em đi.” Tội nghiệp chị L. vừa mang hộp cơm ra định ăn, cũng bỏ xuống đi cùng tôi.

Chỉ trong mấy bước chân sang nhà hàng xóm, trong đầu tôi chờn vờn câu hỏi, “Nếu chú C đó có làm việc ở đây thì chú đã phải biết chuyện này chứ!”

Vào đến nơi, nhìn thấy một chị đẹp đẹp, tôi hỏi, “Chị ơi, em là NL bên NV. Em muốn hỏi ở đây có chú nào tên là BXC không hả chị?”

“Có, ổng làm ở đây.” Chị đẹp đẹp trả lời.

Tôi lại nghe tim mình đánh thình thịch.

“Nhưng mà ổng nghỉ rồi. Nghỉ cũng lâu rồi. Ổng bị bệnh.” Chị nhìn tôi, nói tiếp.

“Chị có cách nào liên lạc với chú đó không?” Tôi hỏi sau khi kể sơ lại câu chuyện.

Nhìn bức hình, chị đẹp đẹp đó không nhận ra “chú C.” Chị kêu mấy người đàn ông làm trong đó ra nhìn thử. Hai ba ông đều khẳng định, “ổng chứ ai.”

Chị đẹp đẹp gọi phone cho tôi nói chuyện với ông BXC.

Sau khi hỏi tới hỏi lui để xác định chính xác là NĐP nào, câu trả lời của ông C làm tôi choáng váng, “Thằng P đâu có được qua Mỹ đâu! Nó khai làm sao đó mà khi phỏng vấn người ta bác hồ sơ đi Mỹ của nó. Nó chỉ có thể ở Canada hoặc ở Úc thôi, vì khi đó ngoài Mỹ thì chỉ có 2 nước đó nhận.” Ông C khẳng định chắc nịch.

Tôi quay trở về tòa soạn, thoáng buồn như vừa mất mát cái gì. Tôi kể cho sếp N. nghe. Sếp bảo, “Cô giáo gọi lại kể cho bà mẹ nghe, biết đâu bả có nhớ ra một chi tiết gì đó, rồi sau đó  mình sẽ viết một bài chuyển hướng qua nhờ tìm bên Canada hoặc Úc.”

Tôi tìm chỗ yên tĩnh để gọi lại cho người mẹ (phải nói thật lớn vì bà cứ bảo là nghe không rõ). Nghe xong, bà nói, “Thằng P ở Mỹ cô à. Ông nội nó có nói là nó bị từ chối mấy lần, nhưng cuối cùng bà nội nó bảo lãnh nó được sang Mỹ.”

Rồi bà kể tiếp, “Cách đây mấy năm khi tôi về VN, một bà hàng xóm của tôi có con trai ở Mỹ cũng nói là có gặp thằng P. Hai đứa có lúc làm chung một hãng nữa, tụi nó ở Cali.”

“Người bạn của con trai bác tên gì? Bác có xin số điện thoại không?” tôi hỏi dồn.

“Nó tên là T. Tôi có xin số của nó nhưng mà mấy người ở VN sao lạ lắm cô ơi. Làm như họ sợ mình sang đây gọi để hỏi xin tiền, mượn tiền hay sao mà bả không có cho.” Người mẹ nói bằng giọng từ từ, nhẹ nhẹ của bà.

“À, hôm qua có người gọi đến nói có thể con bác đang ở tù. Nhưng khi con gọi lại, người đó hỏi có phải con bác nói giọng Bắc không thì con nói không biết, nhưng mẹ người Nam, chắc anh đó nói giọng Nam.” Tôi kể.

“Con tôi nói giọng Bắc cô à!”  – “What? Con bác nói giọng Bắc sao?” – “Ừ nó nói giọng Bắc chứ không phải giọng Nam.” Bà từ tốn nói.

Tôi nghe mình nổi da gà. Sáng hôm qua, thấy có lời nhắn để lại trên điện thoại rằng “hình như tôi biết người này. Anh ta đang ở tù,” tôi đã gọi lại cho người khách đó. Nhưng vừa bốc máy a-lô, thì người phía đầu dây kia hỏi ngay, “Người này nói tiếng Bắc phải không cô?” – Tôi ấm ớ, “À, em cũng không rõ nữa. Nhưng má ảnh người Nam, mà nghe nói sống ở SG từ xưa giờ, chắc ảnh nói giọng Nam.”

“Vậy thì không phải rồi. Không phải rồi.” Người kia trả lời, và tỏ vẻ muốn chấm dứt ngay cuộc gọi.

Tôi có cuộc phỏng vấn ngay sau đó, rồi lại họp, quên mất tiêu chuyện gọi lại cho bà mẹ.

Tôi vào lục lại số điện thoại sáng qua. Gọi. Không có người trả lời. Tôi để lại lời nhắn. 5 phút sau, tôi lại gọi. Cũng không có trả lời. Vừa thở dài thì chuông điện thoại reng.

“Đúng là anh P. đó nói giọng Bắc. Anh gặp ảnh ở đâu?” tôi hỏi.

“Nó vô ra tù mấy lần rồi. Tôi chỉ biết vậy, chứ tôi không biết nó ở đâu, chỉ biết là quanh quanh đây thôi. Nếu cô tìm trong hồ sơ cảnh sát, có thể biết. Lần cuối tôi gặp nó cách đây chừng 3, 4 tháng.” Người đàn ông có tên là K. cho tôi biết như vậy.

Vậy chắc chắn là người có tên NĐP đó là có thật. Ở Cali cũng là thật. Chỉ có điều bây giờ anh ta có đang ở trong tù không mà sao chưa lên tiếng?

Sếp N. bỏ ra  một lúc tìm kiếm người có tên NĐP trên các trang mạng “tội phạm” nhưng chưa có.

Tôi lại tiếp tục hy vọng, chắc chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, là người mẹ sẽ có tin tức của con trai mình, cho dù là nó có phạm tội hay khùng điên gì thì bà cũng muốn biết tin nó, để an lòng.

Cám ơn tất cả những người tôi chưa hề biết mặt đã chung sức cùng tôi trong những ngày qua để tìm kiếm, một đứa con – cho – một bà mẹ.