Thương vay khóc mướn

 Trên báo Người Việt hôm nay có đăng bài “Có người mẹ 26 năm ngóng tin con”

Sáng, vừa vô chỗ làm, đã thấy trên bàn có những số điện thoại để lại, rồi những cuộc điện thoại gọi đến, cả những email, những lời chia sẻ trên FB.

Người ta gọi đến, hỏi han, chỉ dẫn, như thể là chuyện của mình, của người nhà mình. Không cần câu nệ, không cần khách sáo. Chỉ mong, người mẹ tìm được con, vậy là vui, cho tất cả.

Người gợi ý nên tìm từ hồ sơ cảnh sát, người lại chỉ có “đấng vô hình giúp về tâm linh,” người cất công lùng sục trên Net xem thử có người trùng người, tên trùng tên, người tự mang link bài báo về treo trên “tường FB” nhà mình biết đâu có người nhìn thấy, tìm ra,…

Họ chẳng hề biết người mẹ đó là ai. Họ chẳng hề biết người con trai kia là ai. Quan hệ giữa họ và những người có tên trên báo chỉ có thể nói một cách bình dân nhất là “người dưng.”

Nhưng, “người dưng” ở đời lạ lắm.  

Những “người dưng” chẳng cùng máu mủ ruột rà, chưa một lần chào hỏi quen sơ, nhưng khi “người dưng” này nghe “người dưng” kia gặp nạn, là họ thấy, mình cần phải ra tay, làm được gì thì làm, trong khả năng mình có.

Không biết đã bao nhiêu lần, tôi cứ ngồi tần ngần trước những email, hay sau những cuộc gọi. Suy nghĩ. Cuộc đời này, có nhiều chuyện kỳ lạ quá. Và, có nhiều người tốt quá.

Chính từ lòng tốt của biết bao người tôi chưa từng một lần gặp mặt, đã giúp tôi có thêm tự tin và khả năng để tiếp tục ngồi nghe những câu chuyện, những mảnh đời chưa có hồi vui. Vì tôi biết, tôi sẽ không là người duy nhất lắng nghe họ. Mà sau tôi, sẽ có những tấm lòng mở ra, đón nhận, sẻ chia. Nỗi buồn, niềm đau, từ đó mà vơi đi. Và, “người dưng” này vô tình giúp “người dưng” kia tiếp tục sống, trong hy vọng được đồng cảm, yêu thương.

Nói vậy, nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy mình hoang mang. Như khi đọc email này. (Email gửi vào không bỏ dấu, nhớ có độc giả nào đó từng nói “viết tiếng Việt làm ơn bỏ dấu” nên tôi mạn phép bỏ dấu thay):

“Tôi rất quý Người Việt. Người Việt đăng những bài như vầy thì cũng ok. Tuy nhiên, tôi nghĩ phóng viên Người Việt nên viết những bài phóng sự có giá trị 1 chút. Những bài viết của cô Ngọc Lan có vẻ như ‘thương vay khóc mướn’ quá. Nói ra thì thấy tôi tàn nhẫn nhưng đây không là những bài có giá trị. Xin cám ơn ban điều hành. Thomas”

Tôi đọc lại email.

Rồi tôi nhìn xung quanh.

Đồng nghiệp tôi đang miệt mài với các mảng công việc được giao. Có ai nghĩ họ đang làm một việc không có giá trị, như tôi, không nhỉ?

Không, nhất định là không.

Liên hiệp quốc bị kiện vì gây ra dịch tả ở Haiti. Nổi cơn ghen, cụ bà 87 bắn cụ ông 88. Bão tuyết hoành hành duyên hải Alaska. Ông giám đốc tự tử vì trầm uất. Ấn Độ đắn đo giúp Việt Nam phát triển hải quân. Luật sư Hoàng Duy Hùng tái đắc cử nghị viên Houston. Chuột cống lên bàn nhậu. Không ai muốn thất nghiệp mãi. Jessica Simpson: tin tức nóng hổi về em bé sắp ra đời….

Tất cả đều là những bài có giá trị. Không có giá trị với người này, nhưng có giá trị với người khác.

Chỉ có “người mẹ tìm con” – ờ, cũng lạc lõng quá nhỉ. Đúng là “thương vay khóc mướn.”

Phải chi đó là tin “người mẹ chém con” hay “con băm mẹ” để là “hận vay thù mướn” thì có lẽ bản tin sẽ có giá trị hơn, cho những độc giả khó chịu khi chứng kiến người ta thương nhau, nhớ nhau, giúp nhau.

Nói vậy, chứ khi người dưng này còn quan tâm đến người dưng kia, độc giả này còn sốt sắng tìm đường giúp cho nhân vật nọ

thì, sau khi bàng hoàng, sau khi hoang mang,

ngày mai, ngày kia, và ngày sau

tôi cũng sẽ tiếp tục ‘thương vay khóc mướn’ cho nhiều người khác nữa 

bởi khi niềm vui được nhân lên, thì nỗi buồn cũng nên chia ra.

Như thế mới là

Sự sòng phẳng, của cuộc đời.