Không biết có phải do tui thuộc loại cổ hủ hay không mà khi nhìn thấy một hòa thượng vừa cầm micro một cách điệu nghệ vừa hát, vừa đi xuống tiếp cận khán giả như ca sĩ chính hiệu, tự dưng tui bị rùng mình 😦
Buổi tối cuối tuần vừa qua, tui đi tham dự buổi hội ngộ của một đại GĐPT. Không khí buổi gặp gỡ đầm ấm và tình cảm lắm. Tui không thuộc GĐPT nhưng nhìn cách mọi người mừng rỡ gặp lại nhau, chuyện trò, hỏi han, tui cũng xúc động theo.
Chương trình có nhiều điều khiến tui nhớ khi ra về, nhưng phải công nhận tui nhớ nhất “tiết mục lạ” như lời người điều khiển chương trình giới thiệu.
Mà đúng là “lạ” khi vị hòa thượng còn khá trẻ bước lên sân khấu, cầm micro bắt đầu thả hồn theo tiếng nhạc đệm, chuẩn bị cất cao giọng hát. Tự dưng tui thấy trống ngực đập thình thình. Nhà báo Du Miên ngồi bên cạnh hỏi tôi, “Thầy hát nhạc tình cảm hả?” – “Con không biết,” tui đáp.
Đến khi thầy cất tiếng, tui thở phào: thầy hát một bài hát gì đó có chữ “Quan Thế Âm Bồ Tát.” Ừ, thì cũng được.
Nhưng rồi thầy lại bắt đầu đi dần xuống phía dưới “khán giả.” Thầy đi qua trái. Thầy đi qua phải. Rất tự tin. Rất sành điệu. Chưa hết, giữa đoạn intro, thầy lại còn nói một hơi gì đó, như kiểu “hát ráp, nói ráp” vậy.
Tui đưa mắt nhìn qua vợ chồng chú Du Miên. Họ nhìn tui, cười, ngao ngán.
Thiệt là tình là không có quen với cảnh này.
Chợt nhớ hôm trước, không biết đứa bạn chứng kiến cảnh gì mà hốt hoảng kêu lên trên Facebook “thầy tu có quyền chửi thề lúc bực mình không?”
Ay da da
Hi, Ngoc Lan!
I think monks, regardless of their religion belief and practice (buddhist monks, catholic monks, etc.) are only humans after all. Singing a love song does not neccessarily mean that singer is in love or love-sick. As well as wearing “ao’ ca`-sa” and holding a rosary in one’s hand does not make that person a monk. It all comes from within. Please try to be open-minded and don’t judge a book by its cover 🙂
TinTin
LikeLike
@TinTin:
Hi TinTin,
Thì chắc là phải open-minded rồi, nhưng thiệt tình là khi chứng kiến NL hơi bị “sốc.” Có lẽ tại trong đầu mình hình ảnh mấy thầy luôn thiêng liêng và đáng kính.
Cám ơn TinTin nhiều.
LikeLike
Tôi nhớ là tác giả Huy Phương có viết một bài về đề tài này… Hình như là “Đem Đời Vào Đạo”.
“Đời Tôi Đi Tu”. (http://www.youtube.com/watch?v=yfUbz_gy8xk)
Đời tôi đi tu nên tôi đây phải ăn chay
Đời tôi đi tu nên tôi đây phải cạo đầu
Đời tôi đi tu nên tôi đây mặc áo nâu
Tôi không mặc áo màu và cằm tôi không để râu
Tôi quen Tôi đã quen rồi em
Dưa muối cùng rau cải, cuộc đời mình chỉ thế thôi!
Phần 2/3:
Tôi xin, xin hiến thân đời tôi.
Cho Pháp màu lan khắp, trong nhân gian thôi sầu đau.
Đời tôi đi tu nên tôi đây chẳng yêu đương.
Đời tôi đi tu nên tôi thương mến muôn loài.
Đời tôi đi tu nên tôi đây chẳng ghét ai.
Tôi không hờn ghét người và mọi người rất mến tôi.
Phần 3/3:
Và tôi đi tu, đâu tu riêng chỉ cho tôi.
Cầu mong sao cho bao sinh linh thoát luân hồi.
Đường tu có khổ nhưng tôi đây chẳng thở than.
Xa hoa tôi không màng, cuộc đời tôi luôn thấy ai.
Xa hoa tôi không màng, cuộc đời tôi luôn thấy ai.
Mô Phật.
Thiện tai, thiện tai…
LikeLike
Ðem đời vào đạo…
Huy Phương
Tôi đã trải qua những ngày ấu thơ trong một ngôi làng nhỏ, ngôi làng nhỏ này có một ngôi chùa nhỏ, ngôi chùa có một ông thầy, mà chúng tôi gọi là ông thầy chùa.
Những ngày còn nhỏ, cũng không nghe ai nói, tôi không biết rõ là thầy ăn chay hay ăn mặn, cũng không thắc mắc vì sao thầy có vợ, có con. Thầy có nhiệm vụ giữ chùa, hương khói và thỉnh thoảng chúng tôi thấy có người mời thầy đến nhà cúng kiếng, tụng kinh gõ mõ. Lũ trẻ chúng tôi thường gọi thầy là Thầy Chùa vì thấy thầy ở và coi sóc cho ngôi chùa của làng, thấy thầy thỉnh thoảng đi cúng, nên có đứa gọi thầy là Thầy Cúng. Người Việt Nam vẫn lẫn lộn ba vị, là Thầy Tu, Thầy Chùa và Thầy Cúng, như những ngày còn nhỏ, chúng tôi không hề phân biệt, cứ nghĩ ba người cũng như một, cũng như chẳng hề biết sự khác nhau giữa các môn thể dục, thể thao và tập võ.
Chúng tôi coi ngôi chùa làng là nơi yên tĩnh nhất, ở đó chỉ nghe có tiếng tụng kinh gõ mõ, thỉnh thoảng còn nghe tiếng chuông chùa ngân nga, và vào những buổi trưa mùa hè, thơ thẩn trong sân chùa chúng tôi còn nghe tiếng lá bàng rụng trên sân. Chùa của tôi trong tuổi ấu thơ mê văn chương là ngôi chùa mang tên Ðồi Mai trong “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, nơi thường có người đến xin nước trong giếng chùa để pha trà. Chùa của tôi thời vùi mình trong thế giới của Tự Lực Văn Ðoàn là ngôi chùa Long Giáng trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng. Chùa của tôi của thời mới lớn mơ mộng là ngôi chùa Linh Mụ, mà mỗi chiều nghe hồi chuông, tôi có cảm tưởng như âm thanh của tiếng chuông chùa có thể làm rung động được mặt nước trên dòng sông Hương.
Tôi luôn luôn mang ý nghĩ chùa luôn luôn là nơi tĩnh lặng và vắng vẻ nhất, nên khi lớn lên thấy chùa ở “chốn lao xao”, gần gũi với trần tục, lòng tôi cảm thấy mất mát đi một điều gì. Trên sân khấu “đời” được dựng lên tại một sân chùa mà bối cảnh có ghi là ngày Ðại Lễ Phật Ðản, tu sĩ cùng lên sân khấu trình diễn với ca sĩ. Trong khi một nam ca sĩ hát bài “Ðời Tôi Cô Ðơn” của Nguyễn Ánh 9 thì vị tu sĩ nhại lời bài hát này thành “Ðời Tôi Ði Tu”. Ca sĩ vừa hát xong câu “đời tôi cô đơn, nên yêu ai cũng đớn đau” thì thầy tiếp lời “đời tôi đi tu nên tôi phải ăn chay…” Trong tiếng nhạc xập xình và tiếng reo hò cổ vũ của “thiện nam tín nữ”, tu sĩ này lại “tự biên tự diễn” hát tiếp: “Ðời tôi đi tu nên tôi phải mặc áo nâu”, rồi “đời tôi đi tu nên phải cạo đầu… không để râu!” Một tu sĩ trẻ tuổi khác lên sân khấu choàng cho thầy một vòng hoa, rồi quý tín nữ reo hò: “bis… bis”. Nói theo văn chương bình dân: thiệt là vui hết biết! Hoạt cảnh này được phổ biến trên You Tube khắp nơi cho bà con xa gần biết đến giọng hát của thầy. (http://www.youtube.com/watch?v=yfUbz_gy8xk)
Vị này thích ánh đèn sân khấu đã đành, nhưng lại đem chuyện tu hành lên đây mà diễu cợt để mua tiếng cười của bá tánh, thật khó coi. Người đến chùa lại không ý thức được sự việc, thấy thầy lên sân khấu hát hỏng, mà lại hát tếu thì lấy làm vui như gặp được Bảo Quốc, Tùng Lâm. Có vị nữ tu lại lên sân khấu, mặc áo rằn ri, đóng vai người lính VNCH để hát bài “Tình Anh Lính Chiến”, thật là đem chuyện trần tục vào chốn thiền môn.
Ngày nay nhạc đạo, nhạc thiền không có mấy vì không có ai sáng tác, sáng tác ra không có người hát. Không ai đem nhạc đạo vào khiêu vũ trường hay sòng bài, nhưng nhạc đời bây giờ đem vào chùa chiền quá nhiều, ca nhạc cho người đến chùa vui, chỗ nào vui thì đông người, đông người có chuyện “hùn phước” lớn, phước lớn thì chùa lớn, chùa lớn thì thầy vui mà đệ tử cũng vui. Thói đời, người ta thích lui tới chùa lớn hơn là đi chùa nhỏ. Không có bản nhạc tình ái nào bị cấm hát trong sân chùa, nên từ “anh yêu em”, hay “tình phụ tình lỡ”, những gì than vãn, khổ đau của cuộc đời này đều được các ca sĩ đem vào chùa. Có khi vị trụ trì ngồi chủ tọa buổi ca nhạc, được người MC kính cẩn thưa: -“Thưa Thầy Thầy thích yêu cầu bài gì?” -“Mình ơi!” Thầy đáp, không cần một giây suy nghĩ. Ðám đông reo hò. Xin quý vị một tràng pháo tay! Vui quá là vui! Ca sĩ thì đương nhiên phải phấn son, ăn mặc hấp dẫn, đôi khi thiếu kín đáo, đó là chưa nói chuyện hở hang đang đứng trên bục cao. Vào chùa mà hát nhạc đạo thì ai nghe, người ta kêu buồn ngủ!
Tại một ngôi chùa lớn, trong một ngày lễ lớn tại Texas, tác giả bài viết này có dịp tham dự, đã mục kích chuyện ca sĩ “lơn” nhau trên sân khấu. Nam ca sĩ nổi tiếng này được mời từ Cali sang, sau một màn song ca, đã cao hứng nói với nữ ca sĩ: “Em ơi! Có một việc mà anh làm một mình không được! Em giúp anh đi!” Thế mà đám đông trần tục cũng cười rồi vỗ tay.
Vì sao bây giờ chùa lại gần chợ đông vui, có đốt pháo múa lân, không khác gì đời. Chùa xây gần chợ nghĩa là đem đạo vào đời, để cảm hóa, xây dựng con người nhưng đem nhạc tình ái vào chùa là đem đời ô trọc vào đạo. Thay vì người có lòng với đạo, cổ xúy cho nhạc đạo, hát lên cho lòng thanh thản trong sạch, đó là công đức, còn như lấy điều vui làm trọng là phá đạo. Chùa chiền không phải là nơi thi hoa hậu, dù là hoa hậu áo lam, cũng phải là nơi cổ xúy loại nhạc “yêu em thật lâu, yêu em thật sâu”. Nếu ngày nay lên chùa là vì ham vui, hay làm cho chùa vui để thiên hạ đến chùa cho đông, thì đạo Phật chẳng mấy chốc mà suy vi. Chốn thiền môn mong được nghe tiếng kinh kệ và mùi trầm hương, không phải là nơi đượm mùi son phấn và lời ca hát trần tục. Tại Mỹ, tôi là người đã có dịp, mới đây thôi, gặp gỡ nhiều tu sĩ còn trẻ tuổi, lớn lên sau năm 1975, được đào tạo tại Việt Nam, đã được gửi đi du học ở Ấn Ðộ, hút thuốc và uống bia một cách công khai trước mắt tôi, như vậy làm sao biết được những hành động khác ở chốn riêng tư.
Cảnh và người thay đổi quá nhiều, mà lòng đứa trẻ năm xưa, dù ngày nay đã trở thành một ông già gần đất xa trời, vẫn không có gì thay đổi, vẫn như còn nghe tiếng lá bàng rụng trong sân chùa của những ngày tháng cũ.
LikeLike
Hi hi…nói thì bà con tưởng “nịnh”, nhưng thực sự là tui cũng có cùng cảm giác và nhận xét với cô Ngọc Lan… nhưng mà chỉ khác là kinh nghiệm của tui là với 1 vị linh mục, còn cô NL thì hơi bỡ ngỡ với việc “trình diễn” của 1 vị sư.
Tôi nghĩ là việc các tu sĩ hát xướng là việc bình thường, hình như tôn giáo nào cũng mượn lời ca tiếng hát để đưa hồn vào trầm lắng, hay để ngợi ca Đấng mình tôn thờ.
Nhưng cái việc mà 1 ông cha, mặc áo dòng, mang tràng hạt.. đi qua đi lại trên sân khấu, hát hò, nhận hoa từ khán giả… lảm cho tui ngồi coi mà đỏ mặt vì thấy nó kỳ kỳ…
Có lẽ mình không quen. Tại vì chung quanh bà con vỗ tay tùm lum.
Từ nhỏ tới lớn tôi được dạy là phải trang nghiêm trong Nhà Thờ, và kính cẩn với các Cha … Thật sự thì tôi cho là mình cũng “thoáng” lắm, và nghĩ rằng đôi khi vào nhà thờ công giáo mọi người nghiêm trang “quá mức cần thiết” còn Tin Lành thì vui nhộn hơn, hát xướng, vỗ tay, nâng hồn lên,v..v
Nhưng một xa nhà, đi lễ ở một nhà thờ công giáo Mỹ, họ cũng có 1 số bài hát mà giáo dân cùng vỗ tay…như Tin Lành… Hi hi, thay vì thấy vui…vì giống Tin Lành thì tui đỏ mặt đứng yên.
Thế mới biết, cái thói quen (định kiến) từ tấm bé nó khó thay đổi như thế nào…
LikeLike
Tôi nghĩ mọi chuyện trên đời đều là tương đối. Tùy theo trường hợp mà mình đánh giá đúng sai theo tiêu chuẩn của mình.
Tôi là người Công Giáo. Bên CG có nhiều trường hợp các Linh Mục thành lập bang tam ca, tứ ca, … rất nổi tiếng. Bên Mỹ hình như có bang The Priest, bên Pháp có bang Les Pretres – trong đó có 1 thầy tu người Việt Nam, sau này xuất tu, muốn thành ca sĩ
(xin xem 1 bài họ hát: http://www.youtube.com/watchv=vki1QzSEvaU&feature=artist)
Hồi nhỏ tôi cho rằng trong nhà thờ phải hát 1 cách nghiêm trang, tôn kính. Có lần tôi ngồi trong nhà thờ vừa hát vừa gõ tay xuống ghế, bị Cha bắt gặp liền rầy cho 1 trận, quê thiệt là quê!.
Sau này qua bên Mỹ, thấy trong nhà thờ Tin Lành của Mỹ Đen, họ hát hò nhúng nhẩy tùm lum.
Ai nói họ không kính yêu Thiên Chúa của họ?
Cho nên dùng tâm mà nhìn sự việc, đôi khi quan trọng hơn là dùng lý trí.
My two cent thought.
LikeLike
LikeLike
@ Duy Hữu: bài của chú Huy Phương NL có đọc, còn Youtube thì thiệt là đến giờ này vẫn chưa dám coi, hehehe.
Thank you chú/anh Hữu.
@Q.Trung: đồng suy nghĩ và cảm giác hỏng phải là “nịnh”, hehehe, mà thực ra vì con và chú là những người “khíu khíu chọ” (tức khó khó chịu) đó :p
Cám ơn chú đã chia sẻ. Nhưng có lẽ con và chú cũng phải “open open and open-minded” thôi chú ơi, chứ không thôi người ta kêu mình cổ lỗ sĩ, nghỉ chơi mình ra, đến lúc đó chú cháu mình sẽ thấy “chán như con gián” và “buồn như con chuồn chuồn” :p
LikeLike
@Thuy Nguyen: NL đồng ý với cô Thủy là trên đời này cái gì cũng đều có tính tương đối.
Có thể hôm nay NL nhìn thầy hát như “ca sĩ” NL cảm thấy sờ sợ, nhưng biết đâu chừng, xem chừng chục lần nữa cái thấy bình thường, cô há :p
LikeLike
Ngọc Lan thân mến, đối với Đạo Công Giáo, thì hát Thánh Ca bằng hai lần cầu nguyện, bởi vậy trong thánh lễ thường có hát thánh ca. Các Linh Mục đôi khi hát solo nữa, nếu các vị ấy có giọng tốt, hát hay.
Cô không quen thấy Hòa thượng hát nhạc cho bổn đạo xem, còn các giáo dân bên Công Giáo thì quen nhìn các Linh Mục hát rồi. Nhưng có một điều là tôi cũng không quen nhìn Linh Mục hát và dance trong chiếc áo dòng. Có lẽ tôi cũng phải mở lòng một chút nữa.
LikeLike
@Kathy N: thích câu cuối cùng của cô ghê 🙂
Cám ơn cô Kathy.
LikeLike
Cô Ngọc Lan mến, gửi comment xong, là tôi hiểu ngay rằng, việc các vị tu hành ngày nay truyền đạo có khác hơn xưa một chút. Việc hát và diễn tả âm nhạc qua cử chỉ, tôi muốn nói là dancing, cũng là một phương cách mới của việc đem tôn giáo đến cho giới trẻ, là những người thích sinh động và vui tươi. Tôi nhớ lại các thánh lễ của người Phi Châu, mọi người đều múa và hát trong nhà thờ, đó là cách họ thờ kính và tôn vinh đấng thiêng liêng. Nếu các vị tu hành có dùng âm nhạc để thu hút giới trẻ thì cũng tốt thôi (miển đừng hát nhạc tình cảm ướt át). Như vậy xem như tôi không cần thời gian để làm cái việc “open mind” nữa phải không? Chúc Cô vui mạnh luôn.
LikeLike