Một buổi đi lấy tin

Khuya thứ sáu, trước khi đi ngủ, thấy email của sếp báo sáng thứ bảy đi viết bài về buổi họp mặt của những người làm cho “Sở Mỹ” trước 75; địa điểm: nhà hàng Bolsa Seafood Buffet, liên lạc: chỉ có số không có tên ông A bà B gì hết trơn.

Mỗi lần thấy sếp điều đi làm tin ở nhà hàng mà không đưa thiệp mời thì thiệt tình là nghe chán ngán như con gián.
Lạ lùng lắm, bao giờ đi đến nơi có ăn uống thì dường như người ta sợ mình đi kiếm ăn hay sao á. Đi vòng vòng hỏi ban tổ chức hay ai có thể cho mình phỏng vấn được thì cứ người này chỉ qua người kia, người kia chỉ qua người nọ. Thỉnh thoảng có người lịch sự mình chặn lại hỏi thì họ dừng bước nói với mình dăm ba câu. Nhưng mà đứng nghe, không có mời ngồi nghe. Mình cứ lơ ngơ lớ ngớ như con ngáo.

10 giờ sáng thứ bảy, gọi điện thoại theo số sếp đưa.
“A lô, dạ đây là NL, phóng viên báo NV. Cho hỏi có phải hôm nay có buổi họp mặt của những người từng làm cho MAC V-DAO không ạ?”
“Ờ,” giọng của người trả lời không biểu lộ vui hay buồn. Thoáng nghĩ trong đầu “Hay đây chỉ là số của nhà hàng tổ chức tiệc?”
“Xin lỗi ai đang nói chuyện vậy ạ?”
“Tôi là bác N. đây.”
“Dạ, chào bác N. Vậy bác N. là người trong ban tổ chức buổi gặp mặt này hả bác?”
“Ờ.”
“Vậy lát nữa tới đó con có thể nói chuyện với ai để lấy thông tin ạ?”
“Cô có muốn đến lấy tin thì cứ tới. Hồi đó ông NH bên NV cũng có viết hết rồi. Cô cứ tìm báo cũ giở ra coi thì biết.” (trời ạ, nói vậy chẳng khác nào thôi thì cứ lấy bài cũ sửa lại ngày là xong!)
“Dạ, con được phân công đi viết bài cho buổi này. Lát nữa con tới đó bác có thể giới thiệu ai cho con nói chuyện được không ạ?”
“Thì cô tới thì tới, rồi cô muốn nói với ai thì nói, thì chỉ là gặp mặt thôi mà.”
“Dạ. Cám ơn bác. Lát nữa con sẽ tới đó.”

Tôi thở dài sau khi tắt máy. Người ta miễn cưỡng thiếu điều muốn từ chối thẳng thừng mà cứ phải cố chường mặt tới. Mà không tới thì làm sao có tin.

11 giờ 20, đến nhà hàng buffet. Đứng ngoài nhìn vô lô nhô một số người. Theo chân vài ba vị khách quần áo khá trịnh trọng tươm tất, tôi cũng bước vào bên trong.
Một cô chừng trên dưới 60 bước ra hỏi thăm mấy vị mới vô từng làm ở đâu, đã có bạn ở đây chưa… Nghe cặp vợ chồng hai bác kia trả lời “lần đầu tiên tụi tôi đến dự buổi họp mặt này.” – “Vậy anh chị cứ vô đó rồi tìm ngó xem có ai quen thì ngồi chung cho vui.”
Đến phiên mình, tôi giới thiệu là bên báo chí đến lấy tin.
“Con có thể nói chuyện với ai được ạ?” tôi hỏi
Cô đó ậm ừ, “Ờ ờ…”
Tôi nhanh miệng, “Vậy ai là bác N. ạ?”
“Đó cái người mặc áo dài đằng kia đó.” Cô chỉ.
Tôi hướng đến chỗ “bác N.”
“Chào bác N. Con bên báo NV lúc sáng có gọi cho bác. Bác có thể vui lòng cho con biết vài thông tin về buổi họp mặt hôm nay hay là cho biết con có thể nói chuyện với ai được ạ?”
“Bác N.” tay cầm tờ giấy đi ghi tên những người tham dự, vừa bước đi như cố tránh cục nợ đang tò tò đi theo, vừa lầu bầu “ờ ờ, người ta tới chưa đủ.”
Rồi nhìn thấy người phụ nữ lúc đầu tôi gặp ngoài cửa, “bác N.” nói, “hỏi cô này nè.” Ngó người phụ nữ đó, bác N. tiếp luôn, “cô này muốn hỏi về buổi này nè.”
Cô kia chẳng cần khách sáo, phẩy phẩy tay, “Thôi, biết nói gì đâu.” Rồi le te đi ngay.

Đố ai dám nói là lúc đó mình không quê! Trời ạ, quê đến tê luôn chứ đừng nói là quê quê.

Nhưng mà chẳng lẽ bỏ về? Bỏ về thì ăn làm sao nói làm sao với 3, 4 ông sếp một lúc? Bình thường nói chuyện gì sếp nào cũng cười đến mang tai. Nhưng khi đụng vô công việc đi thì biết! Chỉ cần một ông trực ngày thứ bảy gằn giọng từng chữ rằng thì là “muốn lấy tin thì cái quê cái nhục để lại nhà” là đủ cho mình thiếu điều đào đất mình trốn cho nhanh.

Thế nên, nuốt cái quê tê cho trôi qua khỏi cổ, đưa mắt đảo một vòng, thấy dãy bàn gần cửa có một nhóm vài ông bà ngồi sẵn, tôi sà tới.
Lúc này ghế trống còn nhiều, tôi ghé mông ngồi xuống rồi nói liền, “Dạ, chào bác. Con là NL bên báo NV hôm nay đến để viết về buổi này. Hồi xưa bác làm ở đây hả bác?”
Hỏi bà bác này là ngay lập tức những cặp mắt khác cũng dồn về phía mình. Kệ. Có người mở miệng nói là cứ hỏi tới.
“Nói rằng đi làm ở Sở Mỹ tức là làm gì trong đó hả bác?”, “Bác đi làm ở đây từ năm mấy ạ” “Dạ xin lỗi bác tên gì ạ?”, “Đi làm ở đó có khó không bác? Làm sao mình vô đó làm được hả bác?”, “Rồi bác sang đây từ khi nào? Từng làm ở sở Mỹ thì khi sang Mỹ có được giúp đỡ gì không bác?”…
Cứ trả lời được chừng 1, 2 câu, bà bác lại chỉ “cô hỏi ban tổ chức, hỏi bà N. ấy thì bà ấy rành hơn.” Tôi cứ lờ đi, “dạ, hỏi ban tổ chức thì sẽ hỏi, nhưng con muốn nghe chuyện của riêng bác kìa.” Rồi lại cứ hỏi.
Có 2 ông bác ngồi đối diện xì xào về chuyện “bên báo chí đi lấy tin,” và “hồi tụi mình đi làm cô này còn chưa sanh ra nên không biết gì hết, không biết đi làm sở Mỹ là cái gì cả.”
Nghe vậy, tôi chờ bà bác này nói xong thì quay về phía 2 ông bác kia, nghe răng cười, “Dạ, con không biết nên con mới đi hỏi đó bác.”
Vừa khi ấy, có bác trai ngồi đầu bàn có ý như muốn giải thích điều gì nên tôi đi sang. Đứng nghe ông bác tốt bụng giải thích sơ sơ cho biết lúc đầu cơ quan này là MAC V rồi sau đó đổi thành DAO, trong đó có nhiều cơ quan, nên mang tiếng làm sở Mỹ nhưng lúc còn ở SG họ thậm chí chưa bao giờ biết nhau,… “nhưng cô nên đến hỏi ban tổ chức đó, bác N. đó, họ tổ chức thì họ có cái nhìn tổng quát hơn, họ là tiếng nói chung, chứ cô hỏi lòng vòng ở đây thì tụi tui chỉ biết vậy thôi.” Hỏi tên thì bác trai này nói “tính tôi khiêm nhường không muốn nói tên.”

Vừa lúc đó nghe có tiếng khều nhau, “im lặng, im lặng nghe chị N. phát biểu kìa.”
“Bác N.” cất giọng giới thiệu ngắn gọn đây là “lần họp mặt thứ 19” thì tôi mới biết là lần thứ bao nhiêu. Cầm máy ảnh chạy qua hướng phía bên kia để chụp tấm hình.
Lúc đó, một bà bác ăn mặc áo dài rất đẹp hỏi, “Cô ơi, cô chụp cho hai chị em tôi tấm hình được không?” – “Dạ được ạ.” Tôi mời họ đứng xoay về hướng có tấm vải ghi hàng chữ “Kỷ niệm 35 năm viễn xứ SACPO, MAC V, DAO, USAID, JUSPAO, Embassy…” để sau này xem lại còn biết hình mình chụp ở đâu.
Thế rồi sẵn đó, tôi lại rề đến chỗ mấy bác này để hỏi thăm tiếp. Nhưng ghế nào cũng đã có người ngồi. Thôi thì cứ đứng chen chen đó mà hỏi. Một bác trai khác dễ thương, ngưng ăn để nói cho biết thêm đôi nét về địa điểm cơ quan MAC V và DAO, cũng như thời điểm trước và ngay 30 tháng 4, 75 họ được Mỹ bốc đi như thế nào. Thấy đã đến lúc phải để cho người ta ăn, vì trước mặt người nào cũng một đĩa đầy ắp. Chẳng lẽ cứ để người ta ngồn ngoạm vừa ăn vừa nói với mình cũng kỳ, mà họ chần chừ không ăn, người khác ăn hết phần cũng tội.
Mà đến giờ miệng tôi cũng khát đắng rồi. Tôi cáo từ.

Những mảnh tin không nên đầu không nên đuôi, không đủ để tường trình cho một buổi gặp mặt, mà cũng chẳng đủ để vẽ nên chân dung vui buồn của những người từng làm việc trong một bối cảnh đặc biệt, một không gian đặc biệt, để những người như thế hệ chúng tôi hiểu thêm về những mảnh vỡ của dân tộc mình.

Tôi cũng không đủ cam đảm để đi tìm bác N. trong lúc bác bận rộn với chuyện ăn uống để mà nhì nhằng thêm một vài câu lấy lệ.

Thì thôi tôi viết một vài dòng, như một “tin hình” đúng nghĩa. Còn những vụn vặt lượm lặt được trong ngày hôm đó, tôi để dành lại, hy vọng lần khác, mình có cơ hội hoàn thành một bài viết đẹp hơn, với trọn vẹn cảm xúc của những người đã chịu nhín chút giờ cho tôi những thông tin.