Khi tui ngu ngơ

Đến khi nghe cái “bum” tui mới giật mình nhận ra là trong lúc lùi xe ra khỏi parking nhà hàng tui không hề nhìn phía sau. Thì ra nãy giờ mắt tui cứ dán thẳng vào cái xe phía trước, bận rộn những suy nghĩ chẳng nên dáng chẳng nên hình, lừ lừ một mớ.
May là tui chạy rất chậm, và chiếc xe mà tui vừa đụng nhẹ cũng chẳng phải ai xa lạ – anh bạn vừa cùng tui ăn tối, cùng người ngồi trên chiếc xe phía trước kia.
Từ từ cho xe chạy vô parking trở lại. Tui bước xuống ngó xem xe mình và xe bạn có sao không. Đồng thời bụng bảo dạ, “sao hắn cũng không nhìn vậy kìa?” Mà xuống xe rồi tui lại lấy làm lạ là sao hắn không xuống, chỉ ngồi trong xe nhìn tui cười, lắc đầu, rồi từ từ chạy luôn.
Nghĩ, “chắc hắn không sao.” Nhìn xe mình, hình như là không có gì. Trời tối thui, nếu có trầy móp chút chút chắc cũng chả thấy.
Tui lên xe bắt đầu chầm chậm lùi ra. Lại một thoáng nghĩ, “ủa, sao hắn không hỏi han gì mình vậy?”
Chỉ có chiếc xe phía trước lúc nãy vẫn còn dừng. Người trên xe bước xuống, hướng về xe tui. Nhưng thấy tui đã cho xe lăn bánh. Người đó quay trở lại xe mình. Cũng từ từ chạy.
“Em có sao không?” Người ngồi trên xe trước, chồng tui, gọi điện hỏi.
“Không sao.” Tui trả lời.
“Ừ, vậy thôi hén.” Chồng ngập ngừng, hình như cũng đang dằn co với suy nghĩ, “hôm nay mợ này làm sao vậy” – “Dạ.” Tui đáp gọn lỏn.

Đầu tui vẫn mông lung một điều gì đó trước khi quay lại với câu hỏi, “Tại sao mình bất cẩn vậy?”
Chuông điện thoại reng.

Hắn gọi.
“Cái bà này, sao lùi xe mà không nhìn phía sau vậy?” Hắn hỏi, giọng vừa cười cợt, vừa trách móc, lẫn ngạc nhiên.
Tui cũng ngỡ ngàng không kém:
“Vậy chứ sao ông lùi xe mà không nhìn?”
“Sao lại không nhìn! Có nhìn nên tui mới thắng lại rồi, chứ nếu không thì đụng mạnh rồi.”
Tui vẫn ngơ ngác,
“Vậy sao ông không bấm kèn?”
“Trời ơi tui bấm kèn quá trời mà bà nói sao vậy?” Hắn sửng sốt.
“Không nghe. Thiệt tình là tui không nghe gì hết!” Tui nghĩ hắn đang đùa.
“Ông kia còn nghe mà cái bà này. Tui bấm kèn quá chừng mà thấy bà cứ lùi ra. Sao vậy?” Hắn thật sự ngạc nhiên.
“Kèn xe ông hư rồi. Tui không hề nghe gì hết á.” Tui thành thật. Hắn chẳng buồn cãi nữa.

Một khoảng lặng im.
Đầu tui trôi đi đâu? Hình như nó trống rỗng.
“Bây giờ ông đi đâu vậy?” Tui quan tâm.
Hắn đáp nhỏ, “Có hẹn.”
Lại lặng im.
“Có chuyện gì hả?” Hắn lên tiếng – “Ừ.”
“Hôm nào ra Dennys đi.” – “Ừ”
Lại lặng im.
“Thôi, ông đi đâu đi đi. Tui tới nhà rồi. Hôm nào rảnh gặp.”
Đến phiên hắn “ừ.”

Tui vào nhà, hỏi chồng, “Hồi nãy anh có nghe hắn bấm kèn không?”
“Sao không! Ổng bấm quá trời luôn đó.” Chồng khẳng định.
Tui lẩm bẩm, “Sao lạ vậy, em không hề nghe cái gì hết. Không hề nghe tiếng kèn nào hết. Đến lúc nghe cái ‘bum’ em mới biết là đụng hắn. Mắt em nhìn vào xe anh.”
Đúng là mắt tui dán chặt vào xe chồng, như thôi miên.
Nhưng đầu tui trống rỗng.
Tại sao vậy?
Tui cứ thấy mình bồng bềnh, lẩn thẩn.
Cầm lấy quyển tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư lên, đọc vài trang, rưng rưng buồn.
Thôi, đúng rồi. Cái bần thần từ sáng giờ.

Trên bàn làm việc của tui sáng nay có phong thư đặt sẵn. Có lẽ thư đến từ hôm qua, ngày tui nghỉ.
Lá thư của người không lạ, bởi đây không là lần đầu tui nhận thư của người này. Tui có cả một xấp thư cùng tên người, cùng địa chỉ, đặt trong góc bàn.
Nhưng thư này cũng không phải người tui quen. Tui chưa từng gặp mặt ngoài đời, hay nói chuyện qua điện thoại bao giờ. Tui chỉ biết người gửi thư cho tui là một người tù. Những lá thư gửi từ trong một nhà tù ở Orange County.

Trước lá thư hôm nay, tui đã có một món quà bất ngờ từ người tù này. Một bức tranh vẽ bằng màu nước trên chiếc khăn vải màu trắng. Tui ngạc nhiên lắm. Tui mang khoe. Sếp tui ngắm rất kỹ rồi nói, “Dễ thương quá hén! Hay quá hén! Dễ thương thật.” Tui biết, sếp khen thiệt tình. Sếp bảo, “Xin tiền mua cái khung rồi treo lên trong office. Nhưng nhớ ủi thẳng rồi hãy treo.”

Bức tranh gửi theo đường bưu điện, được gấp lại làm bốn, hằn nếp.
Mỗi lần nhận được thư, không chóng thì chầy, trong dăm bảy bữa, thế nào tui cũng đánh máy thư trả lời. Người ở trong tù, không có người thân. Cũng tội. Thư tui viết, chỉ đôi dòng. Nhưng thư người tù hồi đáp, bao giờ cũng dài, đầy cảm kích.
Thế nhưng lần được tặng tấm tranh, tui lại lần lữa cả tháng, chưa hồi âm. Tui định bụng mua xong cái khung, ủi tranh, bỏ vào, treo lên, chụp lấy tấm hình, rồi tui sẽ gửi kèm theo thư cám ơn.

Nhưng việc níu việc. Tui cứ lần lữa, chưa bước vào tiệm để đặt lấy cái khung cho đúng kích thước tấm tranh trên vải. Một anh bạn nghe tui đang muốn tìm cái khung, đem tặng tui cái khung cũ. Tui đặt tranh vào. Nhưng không vừa ý. Định bụng sẽ mua cái khác. Nhưng vẫn chỉ là “định.”
Cuối tuần, sẵn chở con đi nhà sách, tui lựa tìm mua tấm thiệp, có hai chữ “Thank you.”
Lần đầu tiên tui viết thư bằng tay, cám ơn tấm lòng của người-bạn-tù-chưa-biết-mặt.
Thư gửi ngày thứ hai.
Hôm nay, thứ năm, tui thấy thư người tù.
Lá thư hôm nay là một bức tranh vẽ hoa bằng chì trên giấy. Phía sau người-bạn-tù cho biết anh đã đổi sang nhà tù khác, và sắp sửa được tự do sau nhiều vụ cãi thắng. Ra tù, anh quyết định rời khỏi Cali. Anh ngỏ ý muốn đến thăm, cám ơn tui đã quan tâm đến anh trong những ngày tháng qua, sau khi anh ra tù.
Đọc xong, tui bần thần. Địa chỉ trên thư đã khác, đến giờ tui mới nhận ra.
Vậy là tấm thiệp cám ơn của tui đã không thể đến tay người đã cất công vẽ tranh tặng tui, từ trong tù.
Một cái gì đó như ân hận. Để thành buồn, buồn lặng, buồn sâu.
Tui thầm trách mình.
Khẽ khàng ngồi xuống, gõ liền vài dòng, gửi theo địa chỉ mới.
Thẫn thờ. Nhìn quanh. Có đồng nghiệp nào làm báo lại đa mang như tui. Lại nhớ email của người-bạn-luật-sư gửi tôi ngày hôm qua…

Mở blog hắn. Đọc bài hắn mới viết.
Trời ơi. Khổ hắn rồi.
Chợt nhớ cái tối, 11 giờ đêm, nhóm Dennys 3 đứa chất lên xe đi San Jose. Trong muôn vàn câu chuyện lôi ra kể để chống chọi với cơn buồn ngủ, có câu chuyện kể về những mối tình đầu vu vơ, có câu chuyện kể về những rung động buổi đầu, và có cả câu chuyện kể về cảm giác của ngày tháng thất tình.
Nghe hắn kể, tui biết, hắn đa sầu và đa cảm lắm lắm trong cái vẻ phong trần bụi bặm. Hắn sâu sắc, ngang tàng và mong manh đến xao xác lòng.
Chiều nay chuẩn bị tan sở, vẫn còn chỏng chơ những cảm giác như kẻ bội bạc, vô tình, và buồn lây khóc mướn cho những câu chuyện của thiên hạ, tui nhận tin nhắn của hắn hỏi thăm dạo này khỏe không?
Trong cơn lớ ngớ của mình, tui cũng chợt nhận ra hắn bất thường khi không hỏi thăm tui, dù lý do sau đó hắn đưa ra cũng có vẻ, có vẻ thôi, như hợp lý.
Tui rủ hắn đi “tám,” cốt để trút những điều khiến tôi lẩn thẩn. Đâu ngờ rằng chính hắn cũng đang chông chênh những nỗi niềm.
Tui thấy thương hắn. Những đứa sống vì tình cảm cứ hay đa mang những nỗi buồn ngu dại đến thảm thương…