Nhớ chợ

Không hiểu sao từ hổm rày cứ cảm thấy nhơ nhớ những ngày xách giỏ đi chợ. Nhớ cảnh chợ. Nhớ không gian chợ. Nhớ mùi chợ.
Do những tình cờ, trong đời tôi có 3 dịp được ở ngay cạnh chợ, tức chỉ cần bước chân ra mở cửa nhà, đã nhìn ngay thấy chợ, nghe được mùi chợ, kề ngay bên mình.

Lần đầu là lúc tôi còn nhỏ, nhỏ xíu, chắc chừng 4, 5, 6 tuổi gì đó. Nhà trong cư xá Phú Lâm C, gần Xa Cảng Miền Tây. Không biết lúc đó tại sao con đường ngay trứơc nhà tôi lại là cái chợ, hình như do chợ An Lạc đang xây hay sao, tôi không đủ lớn để quan tâm đến những điều như vậy. Tôi cũng không biết ngôi chợ ngay trước nhà mình tên là gì, chỉ nhớ là nó cũng có sạp, có mái che. Những gì còn trong ký ức tôi về ngôi chợ nghèo này là mùi thịt, mùi mỡ heo, mùi sình, và màu tối, dường như lúc nào nó cũng tôi tối. Tôi nhớ những buổi chiều chợ tan, mấy chị em tôi cùng những đứa trẻ hàng xóm kéo nhau đi lượm dây thun – món đồ chơi gần như duy nhất của chúng tôi lúc đó. Thun để thắt dây nhảy. Thun để chơi bắn thun. Thun để cột tóc. Thun để cá cược. Thun để bán… Cái gì cũng đều là những cọng dây thun. Những sợi dây thun đôi khi nằm trên sạp, đôi khi rơi dưới đất, có lúc chỉ một phần cọng thun nhô lên mặt đất, thò tay lôi lên, phủi phủi cho sạch rồi chơi, còn hơn lôi lên chỉ là cọng thun đứt.

Lần thứ hai tôi được ở gần chợ là khi tôi lần đầu mua nhà. Có một cái chợ chồm hổm ngay trước cửa nhà, chỗ bến xe lam Quyết Thắng, rất gần ngã tư Cây Da Sà. Chợ này nhóm nay ngòai trời nên lúc nào cũng sáng trưng. Chợ chồm hổm này chỉ bán buổi sáng và chỉ có thịt rau là chính.

Lần thứ ba là ngôi chợ Phú Lâm sát ngay bên trường tôi dạy, chỗ sau này là siêu thị Phú Lâm. Đây là ngôi chợ gắn bó với tôi nhiều nhất. Chợ này cái gì cũng có từ hàng thịt đến hàng cá, từ hàng ăn đến hàng uống, từ hàng quần áo đến hàng vải vóc,… Chợ này có cả đồng nghiệp tôi bán hàng lẫn học trò tôi theo mẹ kiếm cơm, và bạn tôi mưu sinh kiếm sống. Mà nhớ chợ này là tui lại nhớ mùi rau, nhớ tiếng lao xao của người, tiếng ầm ầm của xe. Lạ lắm.
***
Tôi nhớ khi đâu chừng lúc học lớp 7 lớp 8 là tôi đã biết đi chợ, nhưng đi theo giấy má ghi. Một tay xách cái giỏ nhựa, một tay nắm tiền. Đi chợ An Lạc. Mua ký cải ngọt. Mua 4 miếng tàu hủ. Thành món cải ngọt xào tàu hủ. Mua nửa ký thịt nạc. Để có món thịt kho tiêu. Mua ký mỡ heo, đem về thắng mỡ, có thêm chén tép mỡ nhai nhóp nhép. Mua chục trứng vịt, để có món trứng chiên. Có khi tôi xách giỏ lon ton đi theo má. Đứng xem má lựa cá, rồi chờ người ta làm. Phải đứng chờ, để họ làm đúng con cá mình chọn, chứ không bắt con cá nhỏ hay cá chết thế vô. Đi chợ với má, có khi má cho ăn chè, ngồi chồm hổm chỗ gánh chè bà Sáu ngay đầu chợ, ăn chén chè đậu trắng, hay chén trôi nước.

Khi lấy chồng, mỗi tuần tôi theo chị chồng đi chợ Phú Nhuận. Cũng như đứa con theo má. Chị mua chị lựa, tôi chỉ việc cầm giỏ bỏ vô. Không ý kiến ý cò, không biết luôn trả giá.

Rồi tôi ra riêng. Tôi không có thói quen đi chợ sau giờ tan lớp. Tôi không mặc áo dài vô chợ được. Tôi đi chợ Phú Lâm mỗi sáng Chủ Nhật. Lúc thật sớm. Có khi đi một mình. Có khi ông xã chở và ngồi chờ nơi quán cà phê. Đi chợ tuần bao giờ cũng có 2 cái giỏ, một giỏ nhựa, một giỏ lưới. Đi chợ lâu sẽ có những mối quen, cứ sà vào đó mà mua. Mà vì mối quen thành ra đôi khi muốn mua gian khác cũng đâm ngại. Người ta gọi, Cô ơi cô ơi, không hôm nay bỏ tui! Tôi nhớ trong đời, tôi không mấy khi trả giá khi đi chợ mua thịt cá rau rác. Không nhớ lý do gì khiến tôi không trả giá. Duy nhất tôi trả giá là khi đi mua vải.
Tôi nhớ dạo tôi có đứa bạn học thời trung học có sạp bán tạp phô trong chợ. Thế là trứng, đường, đậu, dầu ăn, linh tinh gì cũng đều ghé vào sạp nó. Mỗi lần ghé là mỗi lần nó hỏi thăm tôi đủ chuyện, tôi đi dạy như thế nào, có thường gặp bạn bè cũ hay không,… nó nói như thể tôi và nó là ở 2 thế giới khác nhau.
Tôi nhớ tôi có sạp quen bán trái cây. Chị bán hàng cứ mỗi lần thấy tôi ghé lại “lấy cái này đi, lấy cái này đi.” Nhiều khi không mang đủ tiền thì “cứ để đó, hôm khác trả, ai sợ giựt đâu.”
Tôi nhớ cái sạp rau xanh ngút, có cô gái chừng tuổi tôi, thời gian đầu cô bán với bà má. Sau cô sang thêm sạp bên cạnh bán riêng. Mỗi lần ghé mua thứ gì cô không có, cô gọi với sang sạp bà má kế bên. Có một điều tôi nhớ, hình như đi chợ không bao giờ phải mua hành, mua ớt, mua ngò. Những thứ đó bao giờ cũng là thứ cho thêm. “Cho thêm tép hành nêm canh, cho thêm cọng ngò nấu canh chua, cho trái ớt dằm nước mắm…”
Nhớ có những khi người ta không bán ký, mà bán mớ, bán chục. Một mớ so đũa. Một mớ thiên lý. Một chục đậu bắp.
Tôi lại nhớ bà già bán ngó sen, củ sen. Ngó sen bà chẻ, rồi bà quấy để lấy sơ. Củ sen bà phải thụt vào từng cái lỗ cho hết sình. Sạp của bà chỉ có chừng ấy. Một thau ngó sen và củ sen. Bà vừa làm vừa ăn trầu. Nhìn bà nghèo mà lại rất nhàn nhả. Chẳng khi nào thấy hấp tấp, vội vàng.
Tôi lại nhớ chị bán trứng gà trứng vịt. Tôi thành mối của chị từ thời tôi còn làm bánh plan bỏ mối, và hay làm bánh sinh nhật cho người ta. Sau này hết làm, ghé mua trứng, chị cũng ‘tính em giá sỉ.”

Lần sau về, thế nào cũng đi ra chợ Phú Lâm.