Phim và đời

1.
Vừa mới xem xong phim mà bạn Lún dặn dò phải xem hổm rày, The Shawshank Redemption.
Một phim mà Lún nói đã coi đi coi lại nhiều lần thì không thể nào nói là dở. Nó được xếp vào một trong những phim hay nhất của điện ảnh mà.
Nhưng với tôi, The Shawshank Redemption lôi cuốn nhiều cảm xúc hơn, bởi tôi như một lần nữa đang nghe lại câu chuyện của TN, người tù vừa được thống đốc California ký lệnh tha ngay lập tức sau 18 năm thi hành bản án “25 năm đến chung thân cho tội giết người cấp độ 1.”
2.
Cảnh nhà tù mở ra đầu tiên với hình ảnh của Red, người đàn ông nhận án 20 năm đến chung thân, nay đã ở được 20 năm, và đang ra Hội Đồng Điều Trần Xét Tạm Tha (The Board of Parole Hearings) để xem có được ân xá không. Nói vài câu và một con dấu “rejected” đỏ lừ tàn nhẫn đóng lên cái kịt trên hồ sơ người tù.
Lần thứ 2 Red có cơ hội gặp lại cái Hội đồng này là 10 năm sau. Tức Red đã quen với cuộc sống tù được 30 năm. Nhưng lại thêm một lần từ chối.
Có lẽ do được nghe TN giải thích về chuyện “parole date” mà tôi không cảm thấy ngạc nhiên, chỉ thấy một cảm xúc xót xa bởi sự lạnh lùng.
Những ai có án mà không có chữ “life – chung thân” theo sau thì cứ đến ngày là về. Còn ai lãnh án chung thân thì ngày về nghe ra xa xăm lắm, bởi nó gần như không có logic chị à, họ muốn cho ai về thì về, chứ mình cũng không biết thế nào là đúng nữa. T nói với tôi như thế.
Mà người nào có được cái ngày parole date, tức được ra để người ta xem xét là còn may, có người cứ bị từ chối hoài. Mà một lần ra, bị từ chối, thì lần kế tiếp sẽ là cái hẹn 1, 3, 5, 7, 10 hoặc 15 năm. Cứ ra rồi bị từ chối, từ chối, đến khi người ta chán nản, buông xuôi và chết dần chết mòn trong tù.
3.
“Ai vô tù cũng đều vô tội hết.” Câu này các tù nhân nói với nhau, và Red là người duy nhất thừa nhận mình có tội. Đó vừa là sự đùa cợt, mỉa mai, mà cũng là sự thật. Như Andy đó thôi – 2 án chung thân không được ân xá, giam trong tình trạng “maximum security” dành cho người tội nặng nhất – cho một cái tội anh không hề nhúng tay.
Tôi nghe được điều này: có những vụ án, các thám tử không tìm được thủ phạm, nhưng đến lúc cần phải dọn bớt những hồ sơ còn tồn đọng, vậy là vô phúc cho những tên nào dính đến những vụ na ná, thì chịu khó lãnh luôn một chùm tội mà mình không làm luôn đi vậy. Andy có là trường hợp đó? Tôi không biết. Tôi chỉ biết là có những người vô tù 5 năm, 10 năm, 20 năm rồi ra vì hung thủ không phải là họ. Có gì để đền bù lại danh dự đó, những năm tháng đó? Thôi thì cứ cho là cái số mình phải sóng qua cơn bão táp, có điều bao giờ bão tạnh thì họ lại không biết.
4.
Cuộc sống nhà tù của những năm đầu tiên là “ai thích thì chìu, sẵn sàng đánh lộn, bất cứ khi nào.” T kể.
Ở tù level 4, dành cho tội nặng nhất, người tù bị giam nhiều hơn, bởi lúc nào cũng có thể đánh nhau, mà đánh tức là đâm, là nơi đầu tiên T bị nhốt.
Khi hạnh kiểm tốt lên một chút, được chuyển xuống level 3. Cũng những chế độ như level 4, nhưng thời gian được ở ngoài sân chơi nhiều hơn một chút. Cũng đánh lộn, nhưng ít đâm, và thường đánh hội đồng, tức sắc tộc này đánh với sắc tộc kia, mỗi lần cả mấy chục người. “Khi đã có những trận đánh race thì mình bắt buộc phải đánh, không thể đứng nhìn.” Đó như những luật bất thành văn. Mỗi sắc tộc có một chỗ riêng trên sân, đừng dại dột mà bước đến.
Điều đặc biệt, luật số 1 của nhóm VN là “không bao giờ người VN được đâm người VN.”
TN được chuyển xuống level 2 khi đã ở tù chừng 8 năm.
Và đến 12 năm sau khi ở tù, TN mới thật sự suy nghĩ đến chuyện cần phải thay đổi cuộc sống của mình sao cho có ý nghĩa hơn.
5.
Hình ảnh ông già Brooks ở tù đã nửa thế kỷ, trở nên khủng hoảng khi nhận được tin thả. Ông đã quen với cuộc sống trong tù, ông không còn cảm thấy sợ nó nữa, mà lại sợ thế giới tự do bên ngoài.
Tâm trạng có của ông già Brooks, cũng là tâm trạng của Red khi được thả ra sau 40 năm.
Sợ hãi và nghĩ rằng mình không thể làm được điều gì bên ngoài, ngoại trừ luôn thôi thúc một ý nghĩ, hay làm một điều gì đó phạm tội đề được đưa trở lại nhà tù. Họ quen với nơi đó rồi, nhà tù đã trở thành mái nhà, khiến họ cảm thấy an tâm hơn. Họ xem việc phải xin phép để được đi vệ sinh là chuyện bình thường, phải làm, 40 năm, 50 năm, thói quen đó làm sao thay đổi?
Tôi nhớ T nói, “Người ta đưa menu đến, em không tự chọn được chị. Em không quen, xưa giờ cứ người ta đưa thì em lấy, không có lựa chọn, không quyền lựa chọn, em không có cái đó, cho nên…” 18 năm không thể không làm T thay đổi.
“Người ta mang ra cho em tô phở, em ngồi nhìn xong thì xin họ cho em cái nĩa, em ăn phở bằng nĩa, chị. Bạn em nhìn em nó nói nó cảm thấy quê quá, nhưng em biết làm sao, em không cầm đũa được. Em quen rồi.”
Nỗi sợ hãi và cảm thấy mình vô dụng với thế giới tự do đã khiến ông già Brooks chọn cho mình cái chết, để giải thoát. Red cũng gần rơi vô tâm trạng bế tắc như Brooks, nếu không nhớ đến lời hứa phải thực hiện cho Andy.
Tôi lại nhớ T kể, có một thằng bạn da đen, em đã làm cho nó một cái plan để mang ra hội đồng parole để được tha. Trong đó đã ghi rõ ràng ngày thứ 1 sau khi ra tù làm gì, ngày thứ 2 làm gì, cho đến ngày thứ 7, rồi sau đó là hết tháng 1, tháng 3, và tháng thứ 3.
“Ngay ngày ra tù đầu tiên, nó mang bản kế hoạch đó trình với người giám sát bên ngoài. Người ta kêu nó đến ở trong cái nhà ở tạm rồi từ từ họ giúp. Từ nơi văn phòng đó đến nhà ở tạm chỉ có một con đường, vậy mà nó tấp vào một cửa tiệm, ăn cắp một cây thuốc lá để rồi bị đưa trở lại tù ngay tức khắc. Em hỏi nó tại sao mày làm vậy. Nó nói nó không biết. Nó chỉ biết là khi vô đây nó có cái gối của nó, có cái giường nó nằm và 3 bữa ăn. Nó không còn sợ gì hết. CÒn ra ngoài, sau chừng ấy thời gian, nó không biết phải làm gì.”
6.
Với TN, ra khỏi tù là một điều kỳ diệu, thực sự kỳ diệu cho một người bị án 25 năm đến chung thân mà lại được ra khi mới 18 năm.
Với những điều đã đạt được trong tù như việc lấy được bằng trung học, rồi cao đẳng trong tù, tham dự những lớp huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong tù, làm các công việc thiện nguyện, biết tự giúp đỡ và giúp đỡ người khác. Đặc biệt là năm 2006, T được sự phân công của một trung úy quản giáo, giúp đỡ và bảo vệ cho 50 thường dân ra nơi an toàn khi một trận bạo động trong tù xảy ra. Với những điều đó, T được hội đồng xét tạm tha đề nghị với thống đốc trả tự do cho TN vào tháng 8 năm 2023, tức sau 30 năm ở tù!
Vậy mà, sau khi xem xét hồ sơ TN, thống đốc Brown đã ký lệnh tha ngay, bởi ông cho rằng, T đã không phạm tội tấn công và đâm người thanh niên năm xưa; khi đó T mới 16 tuổi, bị sự xúi giục của những kẻ lớn hơn, và hình phạt như vậy là quá đủ cho một người phạm tội lúc 16 tuổi.
Tôi đọc tờ quyết định của thống đốc nghe ra vừa mừng lại vừa mông lung những suy nghĩ.
Không biết do một may rủi xui khiến thế nào, ông đọc lại hồ sơ vụ án, và T được ký thả. Nhưng lỡ như không có điều ngẫu nhiên này xảy ra thì sao?
7.
Hiện tại, TN đang ấp ủ nhiều ước mơ, được đi học đại học, được tham gia vào những dự án giúp đỡ cho những người tù chung thân có được ngày tạm tha (parole date), được chia sẻ những kinh nghiệm cay đắng của mình cho những thanh thiếu niên sẽ, đang, đã bước vào con đường như T.

Tôi sẽ nhớ hoài câu nói của T. “Em nói với người parole offcier của em là, bây giờ em không chỉ sống cho một mình em mà em sống cho cả người đã chết trong vụ án của em, dù em không phải là người làm ảnh chết. Ảnh chết khi mới 19 tuổi thôi, mất hết tương lai, mất tất cả những gì ảnh chưa kịp có. Khi đó em cũng không còn gì, cũng mất hết. Nhưng bây giờ, em được ra ngòai, em sống cho cả ảnh, bởi cái gì em có ngày hôm nay ảnh không có, ba mẹ ảnh không có.”