Băng đảng – Đừng đùa!

1.
Từ lá thư của KQ, từ cuộc nói chuyện với ba em, hai buổi tỉ tê với mẹ em, và cả giờ với cựu phó biện lý Quận Cam, tôi như một người được phổ cập, để có thể hiểu hơn về gangs, về băng đảng, và những hệ lụy của nó đối với các em thanh thiếu niên. Dù rằng sự hiểu biết đó cũng mới là sơ đẳng, nhưng cũng chia sẻ với mọi người, để cùng kêu “trời ơi!”

2.
Cuộc chuyện trò với KQ tại nhà tù tạm giam Theo Lacy Facility OC.

Câu chuyện của K có thể tóm gọn như thế này:
Học hết lớp 5, K theo gia đình sang Mỹ định cư. Từng là học sinh đoạt ‘Tiến Sĩ” trong giải thưởng Lương Thế Vinh nên chuyện học với K khá dễ dàng. Không chỉ học, em còn tham gia Hướng Đạo, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, giỏi võ, và điển trai.Với học lực 3.8, em đã được nhận vào học ngành kỹ sư không gian ở một trường đại học sau khi tốt nghiệp.
Từ lớp 6, em bắt đầu chơi thân với 3 người bạn trai, đều là gốc Việt.
Đến năm lớp 12, K biết chính xác 1 đứa đã là thành viên băng đảng, một đứa sắp sửa. Thế là để chọn cách gần gũi bạn bè, K cũng gia nhập nhóm với suy nghĩ đơn giản, “Để vui thôi. Mình không làm gì thì đâu có sao đâu.”
K. kể em thích đi chơi với tụi nó, ngồi với nhau, nghe nói chuyện. Cũng có chứng kiến gây gỗ, đánh nhau, nhưng chưa bao giờ em nhúng tay vào.
(tuy nhiên có những câu hỏi của tôi, em nói ’em không thể trả lời lúc này được.’)
Cho đến ngày lễ Tình Nhân, em lấy xe của chị gái chở đám bạn đi ăn sinh nhật.
Tại đây 1 trận ẩu đả xảy ra. Đánh qua đánh lại, một thằng trong đám em rút súng bắn một đứa bên kia.
Em về, cũng hoang mang lo lắng 1 vài ngày đầu. Nhưng tuần 1, tuần 2, trôi qua bình yên. Em nói, “Chắc không sao đâu. Mình không có làm gì hết.”
Thế nhưng 2 tháng sau, một buổi sáng sớm, cảnh sát tới nhà đập cửa. Nhà bị lục xét, và cảnh sát hỏi em về vụ nổ súng hôm đó.
Em đòi phải có luật sư và bị đưa vào tù.
Đến nay, sau 2 năm rưỡi, em đã được thuyên chuyển qua 3 nhà tù tạm giam.
Em vẫn còn cảm thấy rất ngạc nhiên về mức án mà luật sư biện hộ báo cho em biết lần đầu tiên là từ “25 năm đến chung thân.” Em cũng rất ngỡ ngàng khi nghe luật sư cho biết thằng cầm súng bắn người ta chỉ mới có 13 tuổi. “Em đi chơi với mấy đứa kia thì có gặp nó 2 tháng trước đó. Em đâu có biết nó 13 tuổi, thấy nó cũng lớn như em, cũng có râu nữa.”
Sau khi đổi luật sư, và sau những lần trì hoãn ngày xử để tìm thêm những bằng chứng vô tội, mức án luật sư cho em biết là “20 đến 25 năm” và hiện nay có thể là 17 năm
“Những đứa ở tù quận Cam giống trường hợp như em nhiều lắm. Em biết có đứa 4 năm rồi cũng chưa được xử. Người ta nói nếu trường hợp như em mà bị bắt ở tù Los Angeles thì đã được thả ra từ lúc nào rồi. Nhưng ở tù quận Cam thì khác.” Em nói.
Em lý giải tiếp, “Cái thằng bắn người ta thì đã xử rồi, có án rồi. Nó chỉ ở có vài năm nữa là ra thôi. Trong khi tụi em thì lại bị nặng như vậy. Em không hiểu.”
“Thực sự bây giờ khi nào em mới ra khỏi đây em cũng không biết nữa, không biết ngày mai là như thế nào. Như ba em nói, ‘chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.’ Giờ nghe nói đi chơi là em sợ rồi. Em chỉ muốn ra tù đi chợ với mẹ. Nếu có thời gian nữa thì đi câu cá với ba, đi thăm chị đang học ở Los Angeles, và đi dạo với chị.” Ước mơ tuổi 19 hiện giờ của em chỉ có vậy.
Nhưng liệu khi nào em mới thực hiện được?

3.
Câu chuyện với người bố.

“Khi thấy cảnh sát tới nhà, tôi thấy hỡi ôi, đất như sụp dưới chân. Nó có kể gì với gia đình đâu mà biết. Những chuyện sau này chúng tôi biết cũng đều từ luật sư kể lại.”
Thực ra từ năm lớp 11 đã thấy nó có những biểu hiện không tốt rồi, như đi chơi nè. Có hôm nó lấy xe chị nó đi chơi về, thấy xe bị bể kính, và móp phía trước. Hỏi thì nó bảo đậu xe có đứa nào phá.
La rầy bắt nó học thì nó cãi, “Con học toàn A và B thì bố còn đòi con phải làm sao nữa!” Tôi còn đòi đánh nó nữa.
Giờ nghĩ lại thì trẻ con bên này không thể dạy như ở VN. Mình nhận ra thì chuyện cũng đã rồi. Mỗi đứa có một ý thích, mình cần hướng nó đi, chứ không phải chỉ có ép nó học chữ.
Tôi cũng có đưa nó đi đến chỗ tư vấn cho trẻ em hư hỏng để người ta nói chuyện với nó. Nhưng mà nó dại dột nghe bạn bè xúi giục mà.
Ngày xảy ra chuyện là chính nó lấy xe chở tụi kia đi.
Đúng là cho con chạy xe sớm cũng thật là nguy hiểm.

Tôi cũng không biết bây giờ giúp nó như thế nào? Ở đây có những tổ chức nào giúp đỡ cho những trường hợp như vậy không? Tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại đề ra mức án cao đến vậy? Quá lắm thì cũng chỉ bằng với đứa bắn người ta thôi chứ. May là thằng bị bắn không chết.
Tôi thực sự không hiểu.
Giờ thì chỉ biết xem như số phận nó như vậy. Mình có buồn tủi hoài thì làm sao được. Tiền nợ người ta để mướn luật sư cho nó vẫn còn chưa trả hết.
Tôi muốn làm sao cho cộng đồng hiểu được những chuyện như thế này để mà tránh xa.

4.
Câu chuyện với người mẹ.

Biết là dạy con ở đây rất khó, từ lúc sang cho tới ngày nó bị bắt, tôi là người đưa nó đi học, bố đón về, không hở một tí.
Khi nó chơi bạn, tôi đã thấy tụi nó không tốt, vì tụi nó học dở. Khuyên con tìm bạn khác mà chơi thì nó nói “Tụi nó học dở nhưng chơi với tụi nó vui.”
Tôi cũng đến nhà làm quen với gia đình những đứa đó. Gia đình họ cũng là người tốt, nhưng mình vẫn không thấy thích tụi nó vì tụi nó có những kiểu chơi lạ lắm, phá lắm.
Nó bắt đầu hư từ khi học lớp 11. Ở trường báo nó bỏ tiết, rồi tôi phát hiện ra nó hút thuốc. Lúc đầu là thuốc lá, sau là cần sa. Hỏi thì nó nói ở trường đứa nào cũng hút, tụi nó bán luôn ở trong trường. Nó còn lên internet in xuống cho tôi coi những bài báo nói rằng cần sa là không có gây nghiện! Nhưng chị nó biết, chị nó nói không được để cho thằng K hút.
Tôi làm sao nói với nó. Tôi kêu bố nó nói, vì nó sợ bố.
Tôi thì khuyên. Ba nó thì quát tháo, đánh đập. Nhà tôi tan nát.
Theo lời khuyên của một chị, tôi đi tìm đến chỗ tư vấn trẻ em hư hỏng rồi nói bố nó đưa nó đi. Đi về hai bố con nói chuyện với nhau, tưởng là bỏ rồi, đâu dè nó vẫn hút.
Mà khi nghe nó về nhà nói chuyện tụi nó hút thuốc, ở trường có bán thuốc là tôi đã thấy sợ, “Nó biết, tức là nó có dính dáng đến đám này, chứ 1 đứa chỉ biết lo học thì làm sao mà biết những chuyện này?”
Đi cắt tóc, tôi kể cho chị thợ nghe. Chỉ một hai bảo tôi rằng, “Nó đã bị tụi băng đảng dí rồi, chị phải dọn nhà đưa nó đi tiểu bang khác đi. Con gái tôi từng bị rồi. Tôi phải khốn đốn bao nhiêu năm, giờ nó lớn rồi, nó đàng hoàng rồi.”
Tôi về kể cho nhà nghe, mọi người nói tôi điên loạn, chuyện nhà như vậy cũng đi kể. Nhưng cuối năm học 11, tôi cũng làm hồ sơ xin chuyển trường cho nó. Nhưng bà hiệu trưởng không cho. Người tư vấn thì nói trường nào cũng có băng đảng hết, cốt yếu là gia đình giúp đỡ nó. Thế là nó tiếp tục gắn với đám bạn đó.
Năm học 12 bắt đầu nó đi chơi. Tôi không cho thì nó khóc lóc làm mình làm mẫy, nói rằng năm học cuối rồi, năm này là năm vui nhất mà mẹ làm vậy là đánh mất niềm vui của con. Nó nói mỗi tuần chỉ đi 1 ngày. Nó đi chơi, tôi gọi điện thì bạn bè nó nhạo báng nó, nói rằng lớn rồi mà còn để mẹ ‘control’. Bạn nó không cho nghe điện thoại khi tôi gọi đến. Nó nói nó quê với bạn bè, bạn bè không chơi với nó nữa. Nó đau khổ lắm.
Tôi lại đến những gia đình bố mẹ bạn bè nó, cũng nói với họ là tụi nó hút thuốc. Họ cũng la rầy con họ. Nhưng giữa tụi nó với nhau thì tụi nó lại làm áp lực với thằng K. Nói rằng mẹ mày đã kể với bố mẹ tao, tụi tao không chơi với mày….
Thằng nhỏ cứ muốn chơi, tụi nó biết thằng K có xe cũ do chị nó để lại thì cứ kêu K lái xe chở tụi nó đi.

Ngày nó bị bắt, trước khi cảnh sát dẫn nó đi, nó quay sang nói với tôi, “Mẹ mướn luật sư cho con.”
Tôi nói, “Tiền đâu mà mướn hả con?”
Vào tù chừng một tiếng sau nó gọi về, lại nói, “Mẹ có thể kiếm luật sư cho con không?”
Tôi lại lặp lại, “Nhà mình làm gì có tiền mướn luật sư hả con?” Hình như nó quay sang hỏi người cảnh sát, nghe họ nói “yes” nó nói với tôi, “Ở đây sẽ có luật sư công cho con.”
Nhiều người nói phải chi ngay từ đầu mình chịu mướn luật sư thì có lẽ sẽ đỡ hơn.
Bây giờ tiền mướn luật sư là ba mươi lăm ngàn, mà chưa biết nó sẽ được xử như thế nào. Có người lại nói với tôi, ‘đúng ra cũng không cần bỏ tiền ra mướn làm gì, vì luật đã qui định thì nó sẽ bị y như vậy thôi.”
Từ ngày nó ở tù, tôi ít vô thăm nó lắm, bởi mỗi lần vô thăm về, tôi nhớ nó, tôi lại bệnh, và nghĩ quẩn…
Nuôi con ở xứ này sao khó quá!

5.
Câu chuyện với luật sư A.D, cựu phó biện lý quận Cam

-Các em nghĩ về băng đảng là giống như trong tivi. Trong khi chỉ cần một nhóm họp lại và thực hiện 2 hành động tội ác dưới tên nhóm, thì đã đủ tiêu chuẩn kết luận là một “gang” rồi.
-Bất cứ khi nào các em đang suy nghĩ về chuyện mình có nên tham gia một đảng hay nhóm nào, phải luôn đạt ra câu hỏi, mình có sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi hành động mà nhóm mình gây ra hay không? Vì khi đã đồng ý làm một điều gì, thì người lái xe chở đi, hay người chỉ đứng canh chừng, đều cùng tội như người đâm hay bắn người ta, vì đó là một nhóm. Cho dù lúc đầu mình chỉ đồng ý là đi “dọng” thằng kia 1 cái, đó là chuyện xảy ra hàng tỉ lần giữa những thằng con trai với nhau, nhưng đến khi thằng đi cũng với mình điên khùng lên, rút dao đâm người ta thì mình cũng chịu chung tội là giết người có dự tính, cho dù là mình không làm, và đứa bị đâm có thể cũng không phải là đứa lúc đầu tụi kia nói.
-Trong trường hợp những đứa dưới 15 tuổi thì vẫn thường có một hình phạt đặc biệt hơn. Những đứa lớn có thể thêm tội xúi giục.
-Nếu những đứa thành viên băng đảng người Mỹ đen, Mễ hay Mỹ trắng đều có kết quả học ở trường rất dở thì điều đó không đúng với dân châu Á, nhất là Việt Nam và Đại Hàn. Có những em điểm rất cao 3.8, 3.9 thậm chí 4.0 vẫn là thành viên băng đảng như thường. Chúng dùng kết quả học tập để làm bình phong che đậy những việc làm khác của mình. Mà phụ huynh VN thì cứ thấy con học giỏi thì cho là con ngoan.
-Mức án dành cho tội giết người có dự tính nằm trong khoảng từ 15 năm đến chung thân.
-Những tội liên quan đến băng đảng và có súng, luôn được cộng thêm 10 năm tù.

“Với trường hợp em K được đề nghị mức 17 năm, tôi đoán, đó là một “ân huệ” với em. Vì thứ nhất vụ án có liên quan đến gang và súng là đã 10 năm. 7 năm còn lại, tôi nghĩ em đã được xem là không phải người phạm tội nặng, nếu họ coi em là nặng thì đã ở mức 25 năm đến life. Án 17 năm thì em sẽ ở trong tù ít nhất 14 năm. Nghe có vẻ rất lâu nhưng khi ra tù em mới 33, em vẫn còn có thể bắt đầu lại. Trong khi em nghĩ là em muốn tìm kiếm một cơ hội ra tòa để được giảm án, thì phần thắng đó rất ít, mà chuyện em phải chịu 25 năm đến chung thân lại rất cao.”
***
K và gia đình em dường như không hề biết điều này.
Khi nghe tôi kể lời nhận định của LS, chị bạn làm chung đã hỏi tôi, “Nếu là con em, em sẽ làm gì? Chấp nhận 17 năm hay ‘take a chance’?”
Tôi cũng mong em ra sớm.