Đi thăm tù

Hôm nay tôi đi thăm tù, nhà tù tạm giam Theo Lacy Facility, đó cũng là Orange County Jail, mà nhiều người hay gọi là The Block.
Người tôi đi thăm là người tôi chưa từng gặp gỡ quen biết.
Tôi chỉ mới biết em-người tù 19 tuổi- qua lá thư em viết và nhờ luật sư gửi đăng báo.

10 giờ 45, ba em đến tòa soạn đưa tôi đi thăm em.
Xe chạy chưa đầy 10 phút, tôi phát hiện bỏ quên ID ở tòa soạn. Thế là  phải vòng lại.
Đến nơi khoảng 11 giờ 15.
Một chiếc bàn có 4 người đàn ông mặc áo giống những người lượm rác trên freeway ngồi với những xấp giấy dày tên là tên.
Ba em đưa mảnh giấy có số tù của em. Một người dò tên trong danh sách, gạch ngang tên em và đưa chúng tôi 1 tấm giấy trắng nhỏ, sau khi họ điền tên em và số tù vào. Trên mảnh giấy có ghi vài dòng, đại loại ngày thăm tù là thứ sáu, bảy và chủ nhật, được thăm 3 lần/tuần, từ 8:30 sáng đến 5:30 chiều. Mỗi lần chỉ được 2 người vào thăm, nếu có người thứ ba thì người đó phải dưới 4 tuổi. Không được mang máy chụp hình, quay phim, ghi âm và điện thoại vào trong.

Cầm miếng giấy, đi vào xích bên trong 1 chút là một dãy chừng 20 người đang đứng xếp hàng chờ. Chúng tôi cũng nối đuôi theo họ. Tôi nhìn, hầu hết là Mễ, Mỹ, và chỉ có 1 người châu Á.
Đến phiên chúng tôi, lại 1 người đàn ông mặc áo như người lượm rác freeway sau câu chào rất lịch sự hỏi có mang theo phone không, và nhắc ba em phải cởi thắc lưng khi qua vòng kiểm tra an ninh.
Chúng tôi bước tiếp đến cánh cửa, như thủ tục qua sân bay, bỏ tất cả ví, kính, thắt lưng vào rổ, và bước qua máy kiểm tra an ninh.
Xong. Chúng tôi bước ngay đến cái counter kề bên đưa ID và tờ giấy trắng mà lúc đầu người ta đưa cho. Người cảnh sát kiểm tra ID trên máy tính và hỏi tôi, “Lần đầu đến đây phải không?” – “Yes” Ông ta đưa trả lại ID và kêu kiếm chỗ ngồi chờ. Lúc đó khoảng 11:30.

Trong gian phòng rộng đó, tôi nhìn thấy rất đông người đang đứng ngồi chờ đợi, cũng 50, 60 chục người chứ chẳng ít, chưa nói số người cứ ra vô ra vô nườm nượp. Không thấy vẻ đau khổ trên gương mặt của bất kỳ ai, chứ đừng nói là nhìn thấy nước mắt. Có điều nhìn thấy 1 phụ nữ ngồi xe lăn một mình chờ đợi vào thăm thân nhân, 1 bà Mễ tay bế 1 đứa chừng hơn 1 tuổi, tay đẩy chiếc xe nôi trong có đứa bé chừng vài tháng, với nào là sữa, là tả lếch thếch vào thăm người thân, thấy cũng xót xa quá. Trẻ con vào đây thăm ai đó cũng rất nhiều.
Trong suốt 1 tiếng ngồi chờ đến phiên mình được vào thăm, tôi thấy chỉ có 1 gia đình Việt Nam, chính xác là 1 người phụ nữ còn khá trẻ, mặc đồ đầm thật đẹp, dẫn theo đứa con gái chừng 2 tuổi và một bà già, tôi nghĩ là mẹ cổ, hay mẹ chồng (?). Ba em cũng nói, ít thấy người Việt Nam ở đây.

Cũng trong gian phòng ồn ào đó, có một quầy cửa kiếng dựng cao tận trần, là nơi để thân nhân gửi tiền cho người tù. Mỗi người dù đều có 1 account, người thân chỉ việc đọc tên và số tù khi nộp tiền vô. Người tù dùng account đó để mua những thứ cần mua trong tù như thức ăn vặt, chẳng hạn.
Cũng tuyệt nhiên chẳng thấy ai khệ nệ xách mang “đồ thăm nuôi” như tôi đã từng nhìn thấy khi còn ở Sài Gòn. Tôi hỏi ba em họ có cho mang thức ăn vào cho người tù không. Ba em cười, “không biết. Nhưng tù ở đây đây đủ và sạch sẽ lắm, không giống ở VN đâu cô ơi.”

Sau 1 tiếng chờ đợi, tên em cũng được xướng lên. Tôi và ba em đến ký tên vào một tờ giấy có tên em mà người cảnh sát vừa đọc lên. Sau đó, tôi theo ba em đẩy cửa vào sâu bên trong, những lối đi ngoằn ngoèo, có lẽ do ba em đã quen, chứ không thì người mới lần đầu như tôi cũng phải mất khá nhiều thời gian để lò dò đi theo những mũi tên hướng dẫn.

Nơi tôi sẽ gặp em là khu M.
Lúc chúng tôi bước vào thì cũng là lúc có 3 người nữa cũng vào, như được kêu tên chung một đợt vậy. Mỗi đợt thăm là 45 phút.
Cũng giống như xem trong phim, người thăm và người tù nói chuyện với nhau bằng điện thoại và giữa hai người được chặn bởi một tấm kính dày.
Ngay khu M có 9 cái ô ngăn nhau bằng tấm tường nhỏ, chỉ có ô số 1 và số 9 là rộng rãi và có cửa đóng lại, nếu muốn, còn lại thì cứ như vô mấy nơi gọi điện thoại ở bưu điện vậy. Ai muốn chọn ô nào cũng được, không có qui định. Thấy ô này có người thì mình bước qua ô khác.

Có lẽ do chúng tôi đi nhanh quá hay do em đang ăn trưa mà chúng tôi chờ chừng hơn 5 phút mới thấy em xuất hiện, từ dưới một cái cầu thang bên trong bước lên.
Em cao khoảng 6 feet, tóc cắt sát da đầu, gương mặt sáng, nụ cười hiền, và đôi mắt trong.
Em gật đầu chào tôi từ bên trong tấm kính.
Ba em móc 1 tấm khăn giấy để sẵn trong túi áo, lau ống nghe điện thoại trước khi áp vào tai nói chuyện.
Ba em giới thiệu tôi với em. Em đã biết trước sự có mặt của tôi từ hôm thứ sáu, khi ba em vào thăm.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế và bắt đầu câu chuyện với người tù sẽ được 20 tuổi vào tháng 11 tới đây.

Em bị bắt vào một sáng thứ năm, năm 2009, lúc đang chuẩn bị thay quần áo đến trường. Khi đó, chỉ còn 1 tháng nữa là em tốt nghiệp high school.
Vì sao em bị bắt, tôi sẽ viết sau, chỉ biết rằng, em nói, khi cảnh sát hỏi, “có muốn khai gì về vụ bắn nhau mà em có mặt vào 2 tháng trước đó không?” – em đã nhớ ngay đến những bộ phim từng coi và trả lời, “Em muốn có luật sư và em sẽ khai với luật sư.”
Cảnh sát cho biết em sẽ bị tống ngay vào tù nếu em không khai. Em vẫn nói câu, “Em muốn nói với luật sư.” Thế là họ đưa em vào tù.
“Em nghĩ em vào và sẽ ra ngay thôi, vì em không làm gì hết.” em nói với tôi.
Tuy nhiên, 1 tuần sau, lời thông báo của luật sư công đã làm em chết điếng, “Công tố đưa ra mức án 25 đến chung thân.”
Gia đình em tức tốc dốc hết tiền thuê luật sư tư.
Lần tiếp theo, mức tù đưa ra 20 đến 25 năm. Lại điều đình, lại trì hoãn.
Và đến nay, em đã ở tù 2 năm 5 tháng, vẫn chưa kêu án, và chưa biết ngày mai, ngoại trừ cái “due” hiện nay là 17 năm tù.

Tôi hỏi em một ngày của em diễn ra như thế nào? ngoài ăn, ngủ, tập thể dục, đọc sách báo về kinh tế, về thương mại, em đọc kinh Phật 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 phút. Mỗi ngày em học thêm 1 chữ mới trong tự điển. Một tuần em được ra sân chơi 2 lần, mỗi lần 1 tiếng.
Hai năm 5 tháng, thời gian đó có dài không? – Mỗi ngày qua đi là một ngày dài, nhưng nhìn lại hơn hai năm qua thì thấy cũng mau.
Điều em sẽ làm đầu tiên khi em ra tù là gì? – Em sẽ đi chợ Việt Nam với mẹ em, vì đó là niềm vui của mẹ, là điều mẹ muốn mà em chưa làm.
Những người trong tù đối với em thế nào? – Em ở chung với 1 người châu Á, đó là người đàn ông 43 tuổi, người Mỹ trắng gốc Korean. Những người châu Á ở đây đều thương nhau và nice với nhau, bênh vực nhau.
Có nhiều những người Việt Nam nhỏ như em ở đây không? – Nhiều. Trong hơn 2 năm qua, em nhìn qua nhìn lại cũng đã gặp khoảng 30, 40 chục đứa Việt Nam như em.
Những đứa đó có nói cho em biết gia đình tụi nó có vào thăm không?- Gia đình đứa nào cũng tốt, như gia đình em, phải đến 90% là tụi nó đều có gia đình tốt, thương yêu, quan tâm, chỉ có chừng 1, 2 đứa nói là gia đình bỏ rơi nó thôi.
….
Tôi nói một người bạn của tôi gửi lời thăm em, dù không biết em, nhưng hãy cứ biết rằng có một người anh gửi lời thăm. Em nghe, cười, và gửi lời cám ơn.
….
Thời gian sắp hết, ba em nói với em vài lời. Tôi nghe ba em hỏi, con còn muốn nói gì không thì ba về. Tôi nhìn thấy em lắc đầu.
Ba em đặt ống nghe xuống. Em đặt ống nghe xuống.
Tôi vẫy tay chào em. Em vẫy tay lại.
Ba em đi trước, tôi đi sau. Tôi quay đi, em vẫn ngồi yên đó nhìn theo.
Bước đến nửa gian phòng, tôi quay lại. Vẫn thấy em ngồi yên tại đó, nhìn theo.
Ra đến cửa, tôi quay lại.
Em vẫn ngồi đó,
Nhìn theo.

Trên xe ra về, đầu tôi ám ảnh những dòng chữ trong thư em.
Tôi bị ám ánh bởi mắt em. Trong sáng, nông nổi, và nuối tiếc.