Thời tăm tối, qua rồi

Đang ngồi coi phim Rango với cả nhà, nghe điện thoại reng. Ba gọi.
Ba vốn ít gọi, mà 9 giờ rưỡi tối ba gọi thì không bình thường.
“Đi làm về chưa con? Ăn cơm chưa con?…” Trả lời xong hết, hỏi lại, “Dạ có gì không ba?”
“Ba mới đọc bài Thời tăm tối của con.” Im lặng 1 chốc, “Buồn quá hé con.”
Nghe giọng chùng xuống của ba là tui muốn chảy nước mắt rồi. “Dạ, bài con viết lâu rồi ba ơi. Giờ mới lấy đăng báo thôi.” Tôi giải thích.
“Hồi đó khổ quá, ba má bắt tụi con cũng phải đi làm…” – “Ai cũng vậy mà ba” Tui cố nói cho ba đừng buồn, “Con viết lại chơi thôi.”
“Ừ, ba gọi hỏi thăm con thôi. Con nghỉ đi.” Ba nói rồi tắt máy.
Ra ngồi coi phim tiếp với cả nhà.

Chừng 1 tiếng sau lại nghe phone reng. Chạy đến thì thấy là má. Cũng biết ngay là chuyện liên quan đến bài báo. Bao giờ cũng vậy, những bài làm ba má xúc động là ba má hay gọi như vậy.
Má cũng hỏi thăm như ba. Má nói ba  ngồi đọc cho má nghe bài tui viết, mở những video tui phỏng vấn người ta cho má coi. Ba má là độc giả trung thành của NVO từ lúc con gái làm báo.
Má nói ba đọc bài xong buồn lắm, nhớ lại thời tăm tối, khốn khó của cả nhà, mấy đứa con còn nhỏ cũng bị bắt phụ ba má kiếm cơm.
Má nói, “con nhớ dai quá! Ba má gần như không nhớ gì hết, đến khi đọc lại, tự dưng mới nhớ ra.”
Rồi má nhắc lại chuyện lúc đó cứ phải mở những cây thuốc gò ra để bắt sâu, để xịt thuốc tẩm, rồi phơi,… “Con nhớ không?”
Nhờ má nhắc tui mới nhớ thêm mang máng chuyện bắt sâu trong thuốc. Cả cây thuốc gò dầy cả 1, 2 tấc. Tụi tui phụ ba má giở lên từng lớp thuốc xem có sâu không thì bắt giết. Những con sâu trắng, giống như dòi….

Má nhắc chuyện ngày đó đứa nào cũng phải phụ ba má làm thêm. Má kể, khi đó anh Lộc mới 14, 15 tuổi, mỗi sáng trước khi chạy đến trường phải chở theo phía sau can dầu dừa 20, 30 ký đi giao cho người ta. Có hôm ảnh chạy đến chân cầu Hậu Giang thì xe bể bánh, lại đúng ngay ngày má quên cho anh tiền bỏ túi.
Trời còn quá sớm, anh đẩy xe, trên có can dầu nặng, tìm được chỗ sửa xe, vào mượn ông thợ cái bơm để bơm bánh xe chạy tiếp. Ổng không cho, nói rằng sáng chưa mở hàng. Ảnh cứ năn nỉ, làm ơn dùm, con trễ học. Ổng vẫn nhất định không cho.
Vậy là anh Lộc vừa đẩy xe chở dầu leo lên cầu Hậu Giang, đến Bình Tiên, để giao cho người ta, rồi lại đẩy bộ xe về nhà.
Đến nhà, ảnh vừa khóc vừa nói, “Má không cho con tiền, con không vá xe được, con trễ học rồi.”
Má nghe như ruột đứt, ân hận, ray rứt hoài. Nhà nghèo quá, đứa nào cũng khổ lây.
Má kể rồi má khóc.

Má lại kể chuyện anh Liêm, cũng đi chở dầu phụ má. Có lần anh Liêm mới đạp xe đến Mũi Tàu thì bị tụi quản lý thị trường chặn lại. Nó tịch thu thùng dầu, nói về nhà kêu ba má ra đóng tiền nhận lại. Anh Liêm cự, nó tát vào mặt anh. Anh chạy về nhà nói má. Má chạy ra. Tụi nó đổi ý, tịch thu luôn, không trả.
Má ức quá, vừa đi vừa chửi, “Tụi bây là đồ thất đức, con tao chở có thùng dầu kiếm thêm tiền đi học, tụi bây cũng ăn cướp. Tụi bây là đồ thất đức, mai mốt đẻ con không có lỗ đít” Má vừa chửi vừa chạy, sợ tui nó bắt lại.
Rồi má cười ngặt nghẽo, “có biết chửi làm sao đâu, thì nghĩ gì chửi nấy. Có cái con ngồi ngay ngoài cửa, chắc thư ký hay gì, nó nghe má chửi mấy thằng kia vậy nó ngồi nó cười quá trời, còn má thì cứ vừa tức vừa chửi vừa chạy, trong lúc mấy thằng kia la lên bà nói gì đó bà đứng lại coi bà nói gì đó.”
Má lại nhắc chuyện buổi chiều trước khi đi vượt biên, anh Liêm, lúc đó mới 16 tuổi, cũng nói để anh chở phụ thùng dầu cho má đi giao cho người ta, bởi biết sau này có còn phụ ba má được nữa đâu…

Nói chuyện với má xong, quẹt nước mắt. Lại đi ra chen giữa Ti và Bi ngồi coi phim tiếp. Với tay ôm Bi, hun nó một cái, tay này cầm lấy tay Ti bóp nhẹ. Thầm cám ơn, con mình không bao giờ có trong đầu ký ức về thời tăm tối như mẹ nó.