Ngày chia tay như thế nào?

Hôm nay lớp Ti liên hoan. Còn 2 ngày nữa thì nó nghỉ hè.
Như năm ngoái, Ti lại order mẹ làm cơm chiên, khoảng 30 phần, rồi múc vô từng cái ly nhựa nhỏ, ăn xong vứt luôn cho tiện.
Chiều đi làm về, Ti lẩn quẩn đi theo kể chuyện liên hoan của lớp, trong lúc mẹ đứng nấu đồ ăn cho Bi.
Ti kể, hôm nay ở lớp cũng có chuyện cảm động lắm. Đó là ông thầy dạy Bio-Chem của Ti về hưu sau 30 năm đi dạy. Ti nói đây là ông thầy mà nó thích học nhất xưa nay.
Ti kể, thầy nói suốt 30 năm qua, thầy dạy với “bảng đen phấn trắng.” Dù bao nhiêu lớp học đều đã thay bảng viết bằng bút lông, nhưng phòng của thầy vẫn là phấn trắng bảng đen. Tuần này người ta thay bảng, cũng là lúc thầy nghỉ hưu.
Hôm nay thầy vô lớp, tụi lớp Ti đứng lên đọc tặng thầy 1 bài thơ. Rồi sau đó mang bông và một lá thư lên đưa thầy.
Tụi học trò yêu cầu thầy mở thư và đọc lên trước lớp. Thầy đọc lá thư của tụi học trò viết, khi giọng thầy nghẹn lại, cũng là lúc mấy đứa trong lớp sụt sùi khóc theo. Ti nói, thầy bảo đây là lần đầu tiên thầy khóc trước học sinh.

Kể chuyện thầy Ti xong. Nó vừa đứng ngẫm nghĩ, rồi hỏi, “Hồi đó mẹ như thế nào?”
“Ngày cuối cùng đi dạy của mẹ đó hả?”
“Dạ”
Mẹ vừa cười vừa nói, “Không thể tả! Rất là cảm động. Nhiều đồng nghiệp của mẹ đã ước ao rằng giá mà ngày họ nghỉ dạy cũng được như vậy.”

Nói giỡn giỡn với Ti nhưng mà không hiểu sao giờ cứ chập chờn muốn khóc.
6 năm “mất dạy” rồi còn gì.
Kể Ti nghe ngày cuối cùng mẹ đi dạy là một ngày chỉ có khóc và khóc. 3 lớp học, lớp nào cũng như đưa tang.
Nhớ bài dạy cuối cùng ở cả 3 lớp đều là Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du.
Nhớ ngày cuối, lớp  A3 lần lượt từng đứa cầm một cái bông hồng có quấn ruban xanh lên tặng cô. Tay cô ôm hơn 40 cái bông, không thể nói cái gì, chỉ có nước mắt  chảy.
Rồi A1, rồi A2, lớp nào cũng có một cái gì đó đặc biệt dành cho cô giáo.
Nhớ một đứa học trò còn ghi trong quyển số, “Lần đầu tiên em thấy một cô giáo khóc, cũng là lần đầu tiên em khóc trong lớp. Em không thể nào hiểu được tại sao cô lại nghỉ ngay lúc này mà không chờ thêm 8 tuần nữa cho trọn vẹn một năm học của tụi em. Nhưng em nghĩ, nếu như vậy thì em nghĩ tụi em không nhớ cô nhiều như bây giờ…”
Ngày ra đi, nhiều thứ phải bỏ lại, nhiều thư từ bạn bè giữ mãi từ những ngày học lớp 5, lớp 6 cũng phải đốt đi. Vậy mà tất cả những thứ học trò viết, tặng, làm cho, đều mang theo, giữ cho đến giờ.
11 năm đi dạy, cũng chưa thể gọi là dài, là nhiều, như khi so sánh với thầy giáo của Ti. Nhưng cũng không ngắn để có thể dễ quên.
Ngày hôm qua, một đứa học trò lên FB chúc mừng sinh nhật, lại nhắc đến một đề tập làm văn, cái đề khiến nhiều đứa ngẩn ngơ, để rồi thốt lên, nhờ cái đề mà em mới nghĩ xem “Tôi là ai?”

Không biết có phải cái thuộc về ký ức, hoài niệm thì thường có tính lây lan trong cảm xúc.

Có lẽ khởi đầu từ chiều nay, khi anh bạn chỉ cho xem những tấm hình hồ Con Rùa ngày xưa. Anh thuyết minh vị trí của những tấm hình, nhưng tai tôi cứ u u.
Thực ra, trước mắt tui là những chiều của 27, 28 năm về trước, tôi cùng những đứa bạn học nội trú như tôi, lang thang ra hồ Con Rùa, ngồi đó, nhìn xe chạy qua chạy lại, rồi lội bộ trở về trường khi nắng bắt đầu hết. Trước mắt tôi là ngôi tu viện nhỏ trong ngôi trường Mê Linh đó, buổi chiều tôi ra băng đá ngồi nhìn, hay ngồi xuống kế bên những nữ tu trẻ măng, và đẹp một cách thánh thiện. Trước mắt tôi là hình ảnh một ngày, tôi dậy thật sớm, lẻn vào trong giáo đường, lắng nghe tiếng chuông, và nghe các sơ cầu kinh. Một cái gì đó thiêng liêng, thần bí và buồn. Ngần ấy năm rồi mà chiều nay, nhìn những tấm hình, tôi cũng như bắt gặp cảm xúc của mình ngày xưa trong ngôi trường đó: muốn khóc.

Đến trước khi ra xe đi về, nói chuyện với một cô trong tòa soạn về những lá thư – những lá thư tình được gửi qua email. Tôi đi ra xe, bỗng thấy mình cũng chao dao. Những lá thư bằng email… Xóa đi nhiều lắm rồi, chỉ còn một ít.

Lên xe, ngẫu nhiên không khi cứ nhất định mở bài hát “Có những niềm riêng” – Có những niềm riêng một đời câm nín nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi…

Nhiều thứ cùng lúc dồn lại…
Đưa tay quẹt nước mắt.